Quan hệ Nga - phương Tây chệch hướng?

- Thứ Sáu, 23/04/2021, 06:57 - Chia sẻ
Các lệnh trừng phạt “hội đồng” của Mỹ và một số nước châu Âu nhằm vào Nga và sự đáp trả cứng rắn của Moscow đang phủ bóng đen lên cuộc gặp thượng đỉnh vừa được lên kế hoạch giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Putin, có nguy cơ tạo ra cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới giữa Nga và phương Tây.

Trừng phạt và trả đũa

Tổng thống Mỹ Biden vừa công bố các lệnh trừng phạt mới nhằm vào 32 thực thể của Nga, bao gồm 6 công ty bị cáo buộc hỗ trợ cơ quan tình báo Nga tấn công mạng các cơ quan liên bang và cơ quan tư nhân Mỹ. Các biện pháp trừng phạt còn bao gồm lệnh trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga, trong đó có cả những người bị cáo buộc là gián điệp. Đây là lệnh trừng phạt đáng kể đầu tiên của Mỹ nhằm vào lĩnh vực kinh tế của Nga trong vài năm trở lại đây.

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Đầu tháng trước, Mỹ áp lệnh trừng phạt với 7 thành viên cấp cao của chính phủ Nga, sau khi tình báo nước này kết luận Moscow đứng sau vụ đầu độc thủ lĩnh phe đối lập của Nga Alexei Navalny. Các quan chức cấp cao chính phủ Nga bị trừng phạt sẽ bị đóng băng tài sản tại Mỹ. Động thái này diễn ra sau khi Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt 4 quan chức cấp cao Nga, liên quan đến việc bắt giam Navalny.

Điều đáng nói là lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga được thực hiện ngay sau khi Tổng thống Mỹ Biden điện đàm với Tổng thống Nga Putin về hàng loạt vấn đề quan trọng trong quan hệ song phương cũng như các vấn đề quốc tế, đề xuất cuộc họp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo ở châu Âu trong thời gian tới. Ông Biden cũng kêu gọi giảm căng thẳng sau khi áp hàng loạt lệnh trừng phạt Nga. Điện Kremlin cho biết sẽ cân nhắc về cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ.

Cùng với lệnh trừng phạt của Mỹ, Ba Lan trục xuất 3 nhà ngoại giao Nga, đồng thời ủng hộ các quyết định của Mỹ. Cộng hòa Séc cho biết sẽ trục xuất 18 nhà ngoại giao Nga với cáo buộc các sĩ quan tình báo Nga có liên quan đến một vụ nổ kho vũ khí vào năm 2014. Anh triệu tập Đại sứ Nga bày tỏ quan ngại về “hành vi xấu” của Moscow. NATO cũng bày tỏ sự ủng hộ các lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga và kêu gọi Nga tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế, lập tức giảm căng thẳng ở biên giới với Ukraine.

Nga đã có hành động đáp trả một cách cứng rắn trước các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Washington phải chịu trách nhiệm cho việc quan hệ song phương ngày càng tồi tệ. “Chúng tôi nhiều lần cảnh báo Mỹ về hệ quả của những bước đi thù địch khiến tình trạng đối đầu giữa hai nước leo lên mức nguy hiểm”, bà Zakharova nói, nhấn mạnh, lệnh trừng phạt của Mỹ đi ngược lại lợi ích của người dân hai nước.

Ngày 16.4, Nga tuyên bố sẽ trục xuất 10 nhà ngoại giao Mỹ và thực hiện các động thái trả đũa khác trong cuộc đối đầu căng thẳng với Washington. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói: “Chúng tôi sẽ đáp trả biện pháp này theo cách đối xứng. Chúng tôi sẽ yêu cầu 10 nhà ngoại giao Mỹ tại Nga rời khỏi đất nước”. Ông cho biết thêm, Nga cũng sẽ từ chối cho Đại sứ quán Mỹ thuê người từ Nga và các nước thứ ba làm nhân viên hỗ trợ.

Ông Lavrov đề cập đến khả năng Moscow thực hiện các biện pháp “gây đau đớn” nhằm vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Mỹ tại Nga, nhưng sẽ không triển khai ngay lập tức. “Bây giờ là lúc Mỹ thể hiện thiện chí và chấm dứt đối đầu. Nếu không, một loạt  quyết định đau đớn đối với phía Mỹ sẽ được thực hiện”, Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố.

Nga cũng quyết định trục xuất 20 nhà ngoại giao Séc, 5 nhà ngoại giao Ba Lan khỏi nước này để đáp trả việc hai nước trục xuất các nhà ngoại giao Nga, đồng thời chỉ trích các động thái triệu tập Đại sứ Nga của Anh. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Zakharova, phản ứng dây chuyền của các nước NATO không phải “sự đoàn kết”, mà là một kiểu “chư hầu của thế kỷ XXI”.

Căng thẳng khó kiểm soát

Các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga được công bố trong thời điểm quan hệ Nga - Mỹ và phương Tây đang gặp khó khăn vì nhiều vấn đề. Gần đây nhất là việc Nga bị cáo buộc có động thái “khiêu khích” khi triển khai nhiều khí tài gồm xe tăng, pháo, xe quân sự tới khu vực biên giới giáp Ukraine và bán đảo Crimea, trong khi giao tranh ở miền Đông Ukraine giữa phe ly khai được Nga hậu thuẫn và lực lượng chính phủ Ukraine ngày càng leo thang. Theo Nhà Trắng, lệnh trừng phạt của Mỹ “nhằm phát đi thông điệp rằng Mỹ sẽ buộc Nga phải trả giá, cả về mặt chiến lược và kinh tế, nếu tiếp tục leo thang các hành động gây bất ổn”.

Ở chiều ngược lại, Nga tố cáo Mỹ và NATO tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, cố tình biến nước này thành “thùng thuốc súng”. Mỹ viện trợ quân sự 125 triệu USD cho Kiev và xem xét đưa quân tới Ukraine, còn NATO đang lên kế hoạch điều động 40.000 binh lính và 15.000 thiết bị quân sự tới gần biên giới Nga. Moscow cũng kêu gọi các nước NATO xem xét kiềm chế thái độ hung hăng của Ukraine và thực hiện thỏa thuận Minsk nhằm chấm dứt xung đột tại Đông Ukraine.

Hạm đội Biển Đen của Nga đang triển khai cuộc tập trận bắn đạn thật với sự tham gia của tàu hộ tống Đô đốc Makarov, Grayvoron và Vyshny Volochek. Cả ba đều có khả năng mang tên lửa hành trình chống hạm Kalibr hoặc Oniks. Trong khi đó, hai tàu chiến USS Roosevelt và USS Donald Cook của Mỹ được trang bị tên lửa hành trình, tên lửa chống ngầm, tên lửa đất đối không tới Biển Đen (hiện hai tàu này đã dừng di chuyển về hướng Biển Đen).

Gần đây nhất, ngày 16.4, Nga tuyên bố sẽ hạn chế hoạt động qua lại của các tàu quân sự và tàu treo cờ nước ngoài ở một số khu vực trên Biển Đen cho đến tháng 10. 

Bộ Ngoại giao Ukraine lên tiếng chỉ trích các hạn chế hàng hải của Nga. Một quan chức cấp cao của EU mô tả động thái trên là “diễn biến rất đáng lo ngại” và làm gia tăng căng thẳng vì Nga đang “thực hiện các biện pháp đơn phương trong không gian quốc tế”. Trong khi đó, Anh cũng có kế hoạch điều 2 chiến hạm đến Biển Đen vào tháng 5, theo tờ Sunday Times ngày 18.4.

Giới quan sát cho rằng, quan hệ Nga - Mỹ và phương Tây vốn “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” bấy lâu nay được dự báo còn căng thẳng hơn thời gian tới bởi sự “đốt nóng” của đòn trừng phạt “hội đồng” từ Mỹ và sự đáp trả cứng rắn được phát đi từ Moscow. Tuy nhiên, hai cường quốc này không có ý định “quay lưng lại với nhau” và ý thức được sự cần thiết phải đối thoại về các vấn đề mà lợi ích của các bên trùng khớp hoặc ở những lĩnh vực mà cả hai bên đều cho rằng duy trì sự tương tác là cần thiết.

Nguyễn Nhâm