Quan hệ Trung Quốc - Australia sẽ về đâu?

- Thứ Hai, 17/05/2021, 05:06 - Chia sẻ
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia vốn phức tạp trên nhiều lĩnh vực, nay lại thêm dấu hiệu leo thang căng thẳng khi Bắc Kinh tuyên bố đình chỉ vô thời hạn Đối thoại Kinh tế cấp cao với Canberra. Thậm chí một tờ báo Trung Quốc còn dọa tấn công Australia nếu nước này hùa theo Mỹ bảo vệ Đài Loan (Trung Quốc), khiến quan hệ hai nước đứng trước nguy cơ rơi tự do.

Thêm dấu hiệu căng thẳng

Ngày 6.5, Trung Quốc tuyên bố đình chỉ vô thời hạn Đối thoại Kinh tế cấp cao với Australia, động thái được đưa ra không lâu sau khi Australia cấm bang Victoria tham gia Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc vì cho rằng thỏa thuận của bang này với Bắc Kinh mâu thuẫn với chính sách đối ngoại của Australia.

Thông cáo của Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc (NDRC) cho biết: “Gần đây, một số quan chức của Australia đã dùng nhiều cách để làm gián đoạn các trao đổi và hợp tác bình thường giữa Trung Quốc và Australia với tư tưởng chiến tranh lạnh và phân biệt hệ tư tưởng”.

Không dừng lại ở đó, ngày 9.5, ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu, kêu gọi quân đội Trung Quốc dùng tên lửa tầm xa để tấn công Australia nếu nước này gửi quân tới eo biển Đài Loan (Trung Quốc). Trang News.com.au bình luận, dù các bài xã luận của báo này không nhất thiết phản ánh quan điểm của Bắc Kinh, nhưng khó được xuất bản nếu không được giới lãnh đạo “bật đèn xanh”.

Theo ông Hồ Tích Tiến, Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời. Trong trường hợp Mỹ phối hợp với Australia để can dự vào vấn đề Đài Loan, vốn được Trung Quốc coi là vấn đề nội bộ của nước này, thì Trung Quốc sẽ phải tấn công Australia. “Tôi đề nghị Trung Quốc lên kế hoạch trả đũa mang tính trừng phạt nhắm vào Australia nếu quân đội nước này can dự vào tình hình eo biển Đài Loan”, ông Hồ Tích Tiến viết.

Australia đã gọi quyết định của Trung Quốc khi tuyên bố dừng vô thời hạn mọi hoạt động trong khuôn khổ Đối thoại Kinh tế Chiến lược giữa hai nước là “đáng thất vọng”. Trước đó, Australia tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận của chính quyền bang Victoria tham gia vào sáng kiến BRI của Trung Quốc. Canberra cũng thực hiện các bước đi khác để hạn chế sức ảnh hưởng của Bắc Kinh, gồm cả việc ban hành lệnh cấm Huawei xây dựng mạng 5G của Australia và thắt chặt luật đầu tư nước ngoài.

Tháng 9 năm ngoái, Australia kêu gọi điều tra nguồn gốc Covid-19, khiến Trung Quốc tung các đòn trả đũa thương mại. Không những thế, Australia còn nêu tên Trung Quốc trong cuộc điều tra đầu tiên của nước này về sự can thiệp của nước ngoài trong tập hồ sơ do Cơ quan Biện lý Chính phủ Australia (AGS) đệ lên Tòa án cao cấp Australia. 

Cạnh tranh ảnh hưởng

Trung Quốc là cường quốc có vai trò, ảnh hưởng, lợi ích gắn liền với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bắc Kinh muốn nắm vai trò dẫn dắt, nâng cao vị thế chính trị của khu vực, trở thành đối trọng với châu Âu và Bắc Mỹ, hiện thực hóa tham vọng soán ngôi số 1 thế giới.

Trung Quốc đẩy mạnh sáng kiến “Vành đai và Con đường”, thực hiện chiến lược ngoại giao y tế, đẩy mạnh tuyên truyền đối ngoại, củng cố sức mạnh mềm; tiếp tục tăng cường vai trò, ảnh hưởng đối với các điểm nóng, giữ vững lập trường cứng rắn đối với các vấn đề cốt lõi như Đài Loan, Biển Đông. Trung Quốc được cho là đang vũ khí hóa chính sách thương mại, gia tăng sức ép đối với Australia.

Tháng 12.2020, chính quyền Thủ tướng Morrison đã cho thực thi đạo luật mới giúp Canberra có thể thay đổi hướng đi về chính sách đối ngoại và quốc phòng. Luật này cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao và Thương mại xem xét kỹ càng tất cả thỏa thuận nước ngoài của chính quyền các bang, hội đồng địa phương và các trường đại học công.

Australia đã chủ động hơn trong đối phó với những hiểm họa an ninh mới, tích cực đóng góp vào hoạt động an ninh, can thiệp nhân đạo vào khu vực và thế giới, nhằm nâng cao “thứ hạng” trong cấu trúc an ninh khu vực, trong khi Trung Quốc được cho là chưa đủ quyền lực và sự ủng hộ để tạo ra những thay đổi lớn.

Australia tìm cách thúc đẩy quan hệ với các đảo quốc nhỏ trên Thái Bình Dương, thông qua cam kết hỗ trợ vaccine Covid-19 nhằm cạnh tranh với sức ảnh hưởng của Trung Quốc. Canberra cam kết sẽ hỗ trợ vaccine cho các nước láng giềng trong năm 2021, một phần trong gói khoảng 385 triệu USD nhằm giúp toàn bộ khu vực Thái Bình Dương và Đông Nam Á được miễn dịch.

Về quân sự, Australia đã nâng cấp và mở rộng các căn cứ quân sự. Hồi tháng 4, Thủ tướng Australia Morrison thông báo sẽ chi 747 triệu AUD nâng cấp 4 cơ sở huấn luyện ở vùng lãnh thổ phía Bắc; đồng thời chi thêm 1,1 tỷ AUD nâng cấp căn cứ không quân Tindal, một trong những căn cứ chiến lược của Australia nằm ở phía Bắc nước này.

Thủ tướng Morrison nhấn mạnh “trọng tâm của Australia là theo đuổi hòa bình, ổn định và một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, với một trật tự thế giới đề cao tự do”. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Petter Dutton đánh giá, khoản đầu tư này sẽ giúp lực lượng tác chiến trên bộ của quân đội Australia “được trang bị công nghệ cần thiết để duy trì lợi thế cạnh tranh”.

Australia cùng với các nước khác trong nhóm “Bộ Tứ kim cương” không giấu ý định xây dựng “bức tường thành tiềm tàng” để đối phó các hoạt động chính trị, thương mại và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc. Đồng thời, Australia cùng với Mỹ lên “kế hoạch chiến lược” để xem xét các biện pháp đối phó chung nếu nổ ra xung đột tại Đài Loan.

Tương lai “ảm đạm”

Cách đây hàng thập niên, Australia và Trung Quốc đã đề cập đến tiềm năng phát triển mối quan hệ song phương. Tuy nhiên cho đến nay, hai nước vẫn chưa phát triển được mối quan hệ đó và điều này góp phần làm xấu đi quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh, thậm chí xuất hiện cả tình trạng thiếu giao lưu giữa hai chính phủ.

Tại họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc chiều 6.5, người phát ngôn Uông Văn Bân cho rằng, trong một thời gian dài trở lại đây, Australia đã không coi trọng lập trường và các giao thiệp của phía Trung Quốc, lạm dụng lý do an ninh quốc gia để hạn chế và ngăn chặn các dự án hợp tác giữa Trung Quốc và Australia. Theo ông, Trung Quốc buộc phải đưa ra phản ứng chính đáng và trách nhiệm hoàn toàn thuộc về phía Australia.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Australia Payne lại nhấn mạnh trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken ngày 13.5, rằng Canberra muốn có quan hệ mang tính xây dựng với Bắc Kinh nhưng “chúng tôi sẽ không thỏa hiệp về an ninh quốc gia hoặc chủ quyền và chúng tôi sẽ tiếp tục hành động để bảo vệ điều đó”. Ngoại trưởng Australia cũng thể hiện sự ủng hộ ý tưởng “liên minh các nền dân chủ” mà Mỹ từng đề cập (Tứ giác Kim cương).

Theo các chuyên gia, động thái mới nhất của Trung Quốc khi đình chỉ vô thời hạn Đối thoại Kinh tế cấp cao với Australia, cùng những thay đổi trong chính sách đối ngoại và quốc phòng của Canberra, phần nào dự báo tương lai “ảm đạm” cho quan hệ hai nước thời gian tới.

Nguyễn Nhâm