Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện

Quản lý chặt chẽ, khai thác hiệu quả tần số vô tuyến điện

- Thứ Sáu, 26/11/2021, 04:57 - Chia sẻ
Tần số vô tuyến điện là tài sản quốc gia đặc biệt quan trọng, nguồn tài nguyên ngày càng có giá trị trong kinh tế số, chuyển đổi số, xã hội số… Nhấn mạnh điều này, tại phiên họp vừa qua, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện phải đáp ứng được yêu cầu quản lý, khai thác, sử dụng tần số vô tuyến điện với tính chất là một loại tài sản công. Đã là tài sản công thì phải quản lý chặt chẽ, khai thác có hiệu quả và bảo đảm cạnh tranh lành mạnh.

Bảo vệ quyền lợi quốc gia

Tại Phiên họp thứ Năm vừa qua, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2022. Việc bổ sung dự luật này nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng tại Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27.9.2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đồng thời, đây cũng là một trong những nhiệm vụ lập pháp được xác định tại Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đã được Bộ Chính trị thông qua.

Thực tiễn 10 năm triển khai thực hiện Luật Tần số vô tuyến điện cho thấy một số quy định đã bộc lộ những bất cập, vướng mắc như: Vấn đề về đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện; cấp phép băng tần có giá trị thương mại cao khi giấy phép hết hạn sử dụng; hạn mức tần số... Điều này càng cho thấy sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật hiện hành. Tuy nhiên, Luật Tần số vô tuyến điện cũng là luật chuyên môn, chuyên ngành rất khó, dù ít người để ý, nhưng lại là một loại tài nguyên đặc biệt và quý giá, vì vậy, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặc biệt lưu ý đến đánh giá tác động của dự án luật.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, báo cáo đánh giá tác động phải mang tính định tính và định lượng, đánh giá toàn diện hơn về kinh tế - xã hội, tác động của thủ tục hành chính, nhất là những thủ tục hành chính phát sinh mới trong môi trường đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh đó, phải xem xét tính thống nhất với quy định hiện hành, sửa đổi phải bảo đảm tương thích với các điều ước quốc tế như các hiệp định của Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO), các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới. Phải rà soát lại nước ta đã cam kết những vấn đề gì bởi đây là lĩnh vực rất quan trọng trong kỷ nguyên số, không chỉ liên quan đến tác động kinh tế - xã hội, mà còn liên quan đến quốc phòng - an ninh, rất nhạy cảm và phức tạp. Phải tính toán, so sánh lợi ích, chi phí, tác động tích cực, tiêu cực. Mỗi một quy định đều có hai mặt nên phải lựa chọn các phương án hiệu quả nhất. Thúc đẩy hội nhập quốc tế thì phải phù hợp với thông lệ quốc tế. "Mỗi quy định có một lựa chọn, chọn A hoặc chọn B đều phải cân đối giữa lợi ích chi phí, cân đối giữa tác động tích cực, tiêu cực, chọn cái gì tối ưu nhất", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Ngoài ra, trong lần sửa đổi, bổ sung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, cần hết sức chú ý việc bảo vệ chủ quyền, quyền lợi quốc gia về tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh. Phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của bộ và cơ quan quản lý chuyên ngành, có sự phân biệt rõ ràng trong quản lý nhà nước và quản lý chuyên ngành. Thúc đẩy cho được sự phát triển thông tin vô tuyến điện, thúc đẩy sự cạnh tranh trên thị trường dịch vụ thông tin vô tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại.

Nguồn: ITN

Quy định trần hạn mức tần số

Hồ sơ dự án Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất 4 chính sách sửa đổi. Dành sự quan tâm cho chính sách thứ nhất về hoàn thiện quy định quản lý tài nguyên tần số vô tuyến điện về cơ chế cấp phép, hạn mức tần số… theo hướng bảo đảm khai thác hiệu quả và tạo sự cạnh tranh lành mạnh, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ đồng tình với phạm vi của chính sách, song cũng chỉ ra những vấn đề đáng quan tâm, đó là trần hạn mức tần số. Ban soạn thảo cần làm rõ, sự cần thiết phải quy định trần và cơ sở thực tiễn, khoa học của việc quy định trần như thế nào; trần cụ thể là bao nhiêu và giải pháp để ngăn ngừa câu chuyện cạnh tranh không lành mạnh, tích tụ tài nguyên như thế nào? 

Một vấn đề phát sinh trong thực tiễn là xử lý giấy phép đang cấp về băng tần cho một số doanh nghiệp, khi doanh nghiệp không hoạt động nữa sẽ ra sao. Đặt ra vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ “đôi khi mọi người rất mất cảnh giác chỗ này, chỉ quan tâm đến đầu tư, mua bán, sáp nhập với nhau, xem tài sản hữu hình, vô hình là bao nhiêu, nhưng giá trị nhất chính là giấy phép tần số thì không ai để ý. Trong khi đó, băng tần có giá trị thương mại cao, chính sách xử lý như thế nào đối với băng tần có giá trị thương mại cao khi giấy phép hết hạn sử dụng, hay với trường hợp giấy phép đã cấp cho doanh nghiệp nhưng thay đổi chủ sở hữu, thay đổi mô hình tổ chức doanh nghiệp”. 

Chính sách thứ hai là làm rõ các khoản thu tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, tần số vô tuyến điện là tài sản quốc gia đặc biệt quan trọng, nguồn tài nguyên ngày càng có giá trị trong kinh tế số, chuyển đổi số, xã hội số… Vì vậy, dự án Luật phải đáp ứng được yêu cầu quản lý, khai thác, sử dụng với tư cách là một loại tài sản công. Đã là tài sản công thì phải quản lý chặt chẽ, khai thác có hiệu quả.  

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, báo cáo đánh giá tác động của dự án Luật phải làm rõ, hiện nay việc quản lý, cấp phép, khai thác và thu tiền sử dụng tần số vô tuyến điện đang như thế nào. Tới đây chính sách phải sửa đổi theo hướng nào để tăng cường khai thác, quản lý hiệu quả. Làm rõ các khoản thu, phí, lệ phí hiện thu được là bao nhiêu; dự báo sau sửa đổi, bổ sung thì số tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với từng loại băng tần như thế nào, đặc biệt là băng tần có giá trị thương mại cao, mức thu, phương thức thu. Qua đó mới cân nhắc, quyết định chính sách nào, biện pháp nào phù hợp. Chủ tịch Quốc hội cũng giao đoàn giám sát tối cao việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 xem xét, rà soát lại việc quản lý, sử dụng cấp phép băng tần vô tuyến điện, tránh để thất thoát, lãng phí.

Rõ về chính sách, phạm vi sửa đổi, bổ sung, chính vì vậy, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba, tháng 5.2022. Tuy rằng hồ sơ còn một số vấn đề cần tiếp tục hoàn chỉnh, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy đủ điều kiện đưa vào Chương trình. Và như đại diện cơ quan soạn thảo - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long khẳng định, sẽ tiếp thu tất cả những ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Được biết, tất cả các tần số của các nhà mạng đến năm 2023 là hết hạn, dự án Luật nếu được thông qua vào năm 2022 sẽ tạo thuận lợi cho việc thu hồi tần số, đấu giá lại theo luật mới, trên quan điểm nhà mạng đang hoạt động hiệu quả, không ảnh hưởng gì sẽ tiếp tục cấp tần số, nhưng sẽ thu tiền quyền cấp và quyền sử dụng tần số.

Anh Thảo