Tháo gỡ khó khăn vận chuyển hàng hóa do Covid-19

Quản lý người thay vì hàng hóa

- Thứ Năm, 29/07/2021, 06:57 - Chia sẻ
Trước tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn trong lưu thông hàng hóa vì cách hiểu khác nhau về hàng thiết yếu, Bộ Công thương đề xuất Chính phủ cho phép lưu thông như trong điều kiện bình thường các hàng hóa với điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19, ngoại trừ hàng bị cấm hoặc hạn chế kinh doanh. Các doanh nghiệp cho rằng, đề xuất này theo xu hướng chuẩn là quản lý người thay vì hàng hóa, do đó cần áp dụng càng sớm càng tốt.

Nguy cơ dừng sản xuất vì không phải "hàng thiết yếu"

Một tuần nay, Công ty TNHH Saitex International (KCN Amata, Đồng Nai) thực hiện “3 tại chỗ” (người lao động sản xuất, ăn, nghỉ tại chỗ) nên công suất chỉ đạt 35% so với trước dịch, doanh thu cũng sụt giảm nghiêm trọng. “Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với Chính phủ để nhanh chóng kiểm soát dịch”, đại diện Công ty Saitex International cho biết. Tuy nhiên, điều khiến họ thấy khó khăn là quy định chỉ được vận chuyển “hàng thiết yếu”.

	Nên cho phép lưu thông mọi hàng hóa, trừ loại bị cấm hoặc hạn chế kinh doanh. Nguồn Báo Hà Nội Mới
Nên cho phép lưu thông mọi hàng hóa, trừ loại bị cấm hoặc hạn chế kinh doanh.
Nguồn Báo Hà Nội Mới

Công ty này chuyên sản xuất 100% hàng may mặc xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ và đang trong thời kỳ cao điểm. Hàng ngày, công ty đều có xe container chở hàng xuất khẩu và nhập khẩu giữa Đồng Nai - cảng Cát Lái  (TP. Hồ Chí Minh). Tuy vậy, khi qua trạm kiểm soát tại cửa khẩu TP. Hồ Chí Minh thì bị yêu cầu trả lại vì hàng may mặc không phải là thiết yếu và buộc công ty phải xin mã QR Code. Trong khi đó, cảng Đồng Nai và cảng Cát Lái đều hướng dẫn công ty không xin cấp mã QR Code vì cả hai địa phương đều đang áp dụng Chỉ thị 16. “Đúng là hàng may mặc không thuộc nhóm thiết yếu, nhưng nếu không thể xuất và nhập khẩu, chúng tôi sẽ cân nhắc việc áp dụng “3 tại chỗ” đang giúp bảo vệ người lao động và một bộ phận doanh nghiệp”, đại diện công ty nói.

Tương tự, một doanh nghiệp dệt may tại Hải Phòng cho biết, hàng vải phải đặt 2 tháng mới về để làm khẩu trang trẻ em và đồ sơ sinh. Ngày 26.7 có kế hoạch thông quan, doanh nghiệp đã kịp làm xong giấy QR Code “luồng xanh” cho xe chở hàng từ cảng Hải Phòng về nhà máy đặt tại Hà Nội. Tuy nhiên, khi đến chốt cửa ngõ vào Hà Nội, xe bị chặn lại, buộc phải quay về vì lý do đây không phải hàng thiết yếu. Ăn, mặc đều là nhu cầu thiết yếu, tại sao chỉ chấp nhận cho xe chở thực phẩm còn xe chở nguyên liệu sản xuất quần áo sơ sinh phải quay về? - đại diện công ty bức xúc.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho hay, các doanh nghiệp điện tử cũng gặp cảnh tương tự. Nhiều chốt kiểm soát dịch đã buộc các xe chở linh kiện điện tử quay đầu khiến doanh nghiệp thiếu nguyên liệu sản xuất và buộc phải giảm công suất, thậm chí tạm dừng dây chuyền, thiệt hại khó đong đếm nổi!

Triển khai càng sớm càng tốt

Những khó khăn của doanh nghiệp trong vận chuyển hàng hóa theo danh mục “hàng hóa thiết yếu” đã nhận được sự chia sẻ của Bộ Công thương.

Tại Công văn 4482/BCT-TTTN gửi Thủ tướng chiều 27.7, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải thừa nhận, mặc dù các cơ quan chức năng liên tiếp có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn liên quan lưu thông hàng hóa thiết yếu song cách hiểu cũng như tổ chức triển khai thực hiện có sự khác nhau tại nhiều địa phương. Nhằm thống nhất về cách hiểu và áp dụng, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng “cho phép lưu thông như trong điều kiện bình thường các hàng hóa cần vận chuyển với điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19”, ngoại trừ hàng bị cấm hoặc hạn chế kinh doanh theo quy định hiện hành, như: Vũ khí quân dụng, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an; chất ma túy; các loại pháo; sản phẩm văn hóa phản động, đồi trụy…

Theo các doanh nghiệp, đề xuất của Bộ Công thương rất kịp thời và theo xu hướng chuẩn là quản lý người thay vì quản lý hàng hóa, do đó cần triển khai càng sớm càng tốt. Tuy vậy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Phạm Thị Ngọc Thủy băn khoăn đề xuất của Bộ “vẫn chưa hết nhẽ” khi không đề cập cụ thể việc vận chuyển “bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19”. “Dĩ nhiên, đó là việc của ngành y tế chủ trì, ngành giao thông phối hợp nhưng Bộ Công thương nên tham mưu Thủ tướng họp với các bên liên quan để tìm giải pháp quản lý người cho hợp lý”, bà Thủy đề xuất.

Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam Nguyễn Duy Minh bổ sung, hiện có 3 rào cản trong vận tải hàng hóa: Quy định QR Code “luồng xanh”, giấy xét nghiệm cho tài xế và khái niệm “hàng hóa thiết yếu”. Đề xuất này của Bộ Công thương mới gỡ được 1/3 rào cản. Ông Minh kiến nghị, khi đề xuất của Bộ Công thương được thông qua, Bộ Giao thông Vận tải nên bỏ “luồng xanh”. Đồng thời, nên cho phép doanh nghiệp vận tải được mua thiết bị tự xét nghiệm tại các cơ sở y tế được Bộ Y tế cấp phép và nên để doanh nghiệp xác nhận cho tài xế, đi kèm là chế tài cụ thể để xử lý nếu doanh nghiệp sai phạm.

Vũ Thủy