Quản lý nguồn nước trên nền tảng công nghệ số

- Thứ Hai, 16/08/2021, 06:37 - Chia sẻ
An ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, hồ chứa nước phải gắn với an ninh quốc gia, biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và cơ cấu kinh tế - xã hội. Theo dự thảo Đề án “Bảo đảm An ninh nguồn nước, An toàn hồ đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2045” (Đề án), dự kiến cần tối thiểu 610.000 tỷ đồng đến năm 2030.
Hồ thủy điện Sơn La  Nguồn: ITN
Hồ thủy điện Sơn La, tỉnh Sơn La
Nguồn: ITN

Giải pháp tổng thể trong chủ động nguồn nước

Dự thảo Đề án đang được Bộ NN - PTNT tích cực hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu ứng dụng vào thực tiễn các giải pháp khoa học công nghệ nhằm quản lý nước thông minh trên nền tảng công nghệ số, vận hành an toàn công trình, kiểm soát sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu tác động của thiên tai liên quan đến nước. Đồng thời, hoàn thành xây dựng các hồ chứa nước lớn, hệ thống chuyển nước, liên kết nguồn nước các lưu vực sông lớn bảo đảm tích trữ, cân đối, điều hòa nguồn nước giữa các mùa, vùng, lưu vực sông; hoàn thành sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp, thiếu năng lực phòng, chống lũ.

Nhiều chỉ tiêu cụ thể của Đề án cũng đã được lượng hóa. Điển hình như 100% dân cư thành thị, 65% dân số nông thôn, 100% các đảo có đông dân cư được cấp nước sạch đạt quy chuẩn; bảo đảm cấp đủ nước cho công nghiệp; có giải pháp tái sử dụng nước, tiết kiệm, hiệu quả. 30% diện tích trồng lúa và cây trồng cạn được thực hiện phương thức canh tác tiên tiến và tưới tiết kiệm nước. Chủ động đủ nguồn nước có chất lượng cho các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, hoạt động kinh tế biển. 50% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, trong đó ít nhất 20% nước thải sau xử lý được tái sử dụng; 92% khu công nghiệp, khu chế xuất; 80% tổng lượng nước thải các làng nghề có hệ thống xử lý nước thải bảo đảm tiêu chuẩn; 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng được xử lý; trên 50% cơ sở sản xuất công nghiệp có giải pháp tái sử dụng nước, giảm thiểu tối đa thất thoát, lãng phí nước.

Theo Tổng cục Thủy lợi, mục tiêu đến năm 2030, chúng ta sẽ phấn đấu 100% đập, hồ chứa nước lớn, hồ chứa có cửa van điều tiết lũ được hiện đại hóa công tác quản lý khai thác và nâng mức bảo đảm an toàn đạt tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, duy trì tỷ lệ che phủ rừng 42% - 43%, diện tích rừng tự nhiên khoảng 10,4 triệu hecta, trong đó 20% được nâng cao chất lượng tạo nguồn sinh thủy, giảm nhẹ thiên tai liên quan đến nước, ứng phó chủ động và hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, trước tiên chúng ta cần phải xác định rõ quan điểm tiếp cận, phạm vi triển khai và kết quả đạt được của Đề án. Về quan điểm tiếp cận, Đề án là một giải pháp tổng thể, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân. An ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, hồ chứa nước phải gắn với an ninh quốc gia, biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai. Đồng thời phải gắn với cơ cấu kinh tế - xã hội. Muốn làm được điều đó, cần phải bảo đảm đủ nguồn lực để giải quyết, trong đó nguồn lực nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Qua đó bảo đảm chủ động nguồn nước trong mọi tình huống. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng lưu ý, nguồn nước nội sinh trong lãnh thổ Việt Nam sẽ là cốt lõi, bên cạnh đó, chúng ta tận dụng tối đa, hợp lý và có hiệu quả nguồn nước ngoại sinh.

Tránh tình trạng “đề án bị nằm trôi”

Theo ông Đào Quang Tuynh - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Nông nghiệp (Văn phòng Chính phủ), Đề án cần xác định các giải pháp để giải quyết những vấn đề còn yếu. Cụ thể, những vùng khô hạn, thiếu nước, chúng ta phải chuyển đổi trồng lúa sang các cây trồng, vật nuôi khác phù hợp hơn. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, khai thác, vận hành các công trình thủy lợi, công trình kiểm soát nguồn nước.

“Thực trạng hiện nay cho thấy, vào mùa mưa, lượng nước rất nhiều, nhưng cứ hết mưa là hết nước. Do đó, cần tăng cường các công trình trữ nước để chủ động nguồn nước. Hoặc đầu tư các hệ thống công trình chuyển nước, liên thông hồ chứa… tất cả các vấn đề này cần được nêu rõ trong Đề án và đưa ra hướng giải quyết”, ông Tuynh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tuynh, Bộ NN-PTNT cần xin ý kiến Chính phủ về kết quả cuối cùng của Đề án. Đó không đơn giản chỉ là một nghị quyết của Quốc hội. Nếu không phải là một Chương trình Mục tiêu Quốc gia thì có thể là một Chương trình đầu tư công riêng được nêu trong nghị quyết của Quốc hội để Chính phủ triển khai thực hiện Đề án một cách hiệu quả, tránh tình trạng “Đề án bị nằm trôi” vì không có nguồn lực triển khai thực hiện.

Ông Đỗ Đức Dũng - Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam cho rằng, “chúng ta không thể giống như nhiều nước khác đã có hệ thống công trình khá hoàn thiện và chỉ việc quản lý điều hành sao cho phù hợp. Muốn chủ động nguồn nước, chúng ta cần nâng cao năng lực của các công trình để điều hòa nguồn nước. Trong khi đó, các giải pháp chúng ta đưa ra rất mờ nhạt về câu chuyện đầu tư xây dựng các công trình này”.

Tại chiến lược phát triển thủy lợi đến năm 2030, mục tiêu sẽ bảo đảm cấp nước cho 75% diện tích cây trồng cạn và đến năm 2050 bảo đảm cấp nước cho 100% diện tích cây trồng cạn. Trong khi đó, Đông Nam bộ có khoảng 700.000ha cây trồng cạn có nhu cầu tưới nhưng năng lực phục vụ của các công trình thủy lợi hiện nay mới đảm bảo được 152.000ha (tương đương khoảng 20%). “Nếu không tiếp tục đầu tư xây dựng thì không thể hoàn thành được mục tiêu đã đề ra”, ông Dũng cho biết.

Theo dự thảo Đề án, dự kiến cần tối thiểu 610.000 tỷ đồng đến năm 2030 để bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập. Các giải pháp thực hiện chính bao gồm 11 nhóm, đó là: hoàn thiện thể chế, chính sách; công tác quy hoạch, điều tra cơ bản; bảo đảm chất lượng môi trường nước; chủ động cấp, tưới tiêu, thoát nước; bảo đảm an toàn hồ đập, hồ chứa nước; phòng chống, giảm thiểu tác động bất lợi do thiên tai, biến đổi khí hậu; bảo vệ, phát triển rừng; xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá an ninh nguồn nước trên cơ sở nền tảng công nghệ, kỹ thuật hiện đại, tiên tiến; hợp tác quốc tế để thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh nguồn nước, bảo đảm an toàn hồ đập, hồ chứa nước; truyền thông, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội.

Tâm Anh