Quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại - từ chính sách tới trách nhiệm

- Thứ Bảy, 05/04/2014, 09:10 - Chia sẻ
Khi mà hậu quả của việc nhập các loài sinh vật ngoại lai như rùa tai đỏ hay ốc bươu vàng chưa lắng xuống thì câu chuyện nuôi gián đất tự phát để bán cho thương lái Trung Quốc lại rộ lên trong dư luận những ngày gần đây. Phải chăng chính những lỗ hổng pháp lý và sự thiếu trách nhiệm trong kiểm soát, quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại là nguyên nhân dẫn tới thực trạng này?

Hạn chế từ chính sách...

Theo các chuyên gia, sinh vật ngoại lai như ốc bươu vàng, cá trê phi, chuột hải ly và mới đây là gián đất khi nhập về Việt Nam góp phần tăng thêm giá trị kinh tế. Thế nhưng, đa phần người dân chưa tính tới những hiểm họa lâu dài, khi những nguồn gene bản địa dần bị thay thế bởi gene ngoại lai do thiếu kiến thức rất cơ bản về loài ngoại lai. Theo Gs Ts Mai Đình Yên – Phó chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam, điều này xuất phát từ những hạn chế của chính sách pháp luật.

Luật Đa dạng sinh học 2008 đưa ra định nghĩa, sinh vật ngoại lai là loài xuất hiện và phát triển ở khu vực vốn không phải là môi trường sống tự nhiên của chúng. Tuy nhiên, quy định này chưa thực sự phù hợp bởi nếu xác định đây là một loài thì trứng gián có nằm trong danh mục ngoại lai hay không là câu hỏi khó trả lời. Trong khi đó, theo Công ước quốc tế về Đa dạng sinh học mà Việt Nam tham gia ký kết, sinh vật ngoại lai được định nghĩa rất cụ thể, là một loài, phân loài hoặc phân loại thấp hơn, kể cả một bộ phận cơ thể bất kỳ như giao tử, trứng, chồi mầm có khả năng xuất hiện sống sót và sinh sản, bên ngoài vùng phân bố và phạm vi phát tán tự nhiên của chúng. 

Bên cạnh đó, để xác định một loài ngoại lai xâm hại, theo Luật Đa dạng sinh học 2008, đây là loài ngoại lai lấn chiếm nơi sinh sống hoặc gây hại đối với các loài sinh vật bản địa, làm mất cân bằng sinh thái tại nơi chúng xuất hiện và phát triển. Song, theo nhiều chuyên gia, loài ngoại lai xâm hại du nhập vào nước ta bằng con đường tự nhiên ít mà dưới tác động của con người thì nhiều, do đó nếu định nghĩa không đầy đủ, không rõ nguyên nhân phát sinh sẽ dễ dẫn tới tình trạng lách luật và nhập tràn lan những loài gây hại, gây mất cân bằng sinh thái.

Thực tế cũng cho thấy, đây là vấn đề phức tạp, rất khó có thể nhìn thấy ngay tác hại của sinh vật ngoại lai, có khi vài năm hay hàng chục năm sau mới xác định được đó có phải loài ngoại lai xâm hại hay không. Điều này đòi hỏi phải minh bạch, rõ ràng trách nhiệm của các bộ, ban, ngành trong việc quản lý các loài ngoại lai ngay từ khâu nhập khẩu.

... tới trách nhiệm

Mặc dù trách nhiệm quản lý sinh vật ngoại lai đã được ghi nhận trong nhiều văn bản pháp luật nhưng nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành vẫn chưa rõ ràng và phân tán. Chẳng hạn, ngành nông nghiệp được quyền cấp phép nhập khẩu loài ngoại lai vào Việt Nam nhưng quản lý sinh vật ngoại lai trong nước lại do ngành tài nguyên và môi trường đảm nhận. Nhiều chuyên gia cho rằng, sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ cũng như thiếu phối hợp giữa các bộ là nguyên nhân dẫn tới hiệu quả quản lý còn thấp. Có lẽ câu chuyện về tôm thẻ chân trắng và hàu Thái Bình dương trước đây là minh chứng rõ nét cho thấy sự thiếu thống nhất trong quản lý giữa các bộ, ngành. Nếu như Bộ Tài nguyên – Môi trường đưa hai loài này vào loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại trong Thông tư 22/2011 thì Bộ NN và PTNT lại không đồng tình với quyết định này. Thực tế đó đặt ra yêu cầu, cần giao trách nhiệm cho một đơn vị nhất định quản lý về sinh vật ngoại lai, từ khâu nhập khẩu tới nuôi dưỡng và kiểm soát.

Bên cạnh đó, trách nhiệm của các bộ ngành phải được đề cao hơn nữa, đặc biệt ở khâu nghiên cứu, nắm bắt thông tin về các loài ngoại lai. Bởi khi cho phép đưa một loài ngoại lai vào trong lãnh thổ của Việt Nam dù với mục đích gì mà không nuôi thí điểm sẽ rất khó rút ra được khả năng xâm hại của loài này. Rõ ràng nếu nhập ẩu, nhập mà không có căn cứ khoa học với những nghiên cứu cụ thể thì sinh vật ngoại lai hoàn toàn có nguy cơ xâm hại. Điều đó đòi hỏi việc nhập và nuôi đều phải có trách nhiệm.

Cùng với sự hạn chế từ chính sách pháp luật, thiếu kiến thức cơ bản về đa dạng sinh học cũng khiến công tác quản lý, kiểm soát sinh vật ngoại lai chưa đạt hiệu quả. Theo khảo sát của Tổng cục Môi trường, có tới 40% cán bộ ở cấp Trung ương, 60% cán bộ tại Sở Tài nguyên – Môi trường hay Sở NN và PTNT trả lời sai, chưa nắm được các nội dung quản lý sinh vật ngoại lai theo quy định của Luật Đa dạng sinh học 2008. Khoảng 85 - 100% ở cấp Trung ương, 90% cán bộ cấp địa phương nhận định, cơ quan nơi họ đang công tác chưa đủ năng lực quản lý sinh vật ngoại lai, do chưa có cán bộ hiểu biết sâu về lĩnh vực này hay thiếu kỹ thuật, tài chính. Hầu hết cán bộ cấp trung ương và địa phương được hỏi, đều chưa tham gia các đề tài, dự án về sinh vật ngoại lai.

Do đó, cùng với việc nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, bồi dưỡng kiến thức cơ bản về sinh vật ngoại lai cho cán bộ địa phương là điều vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, nếu thiếu đi trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ đa dạng sinh học thì việc kiểm soát tốt sinh vật ngoại lai du nhập vào nước ta vẫn là mơ ước xa vời của các nhà quản lý.

Tuyết Hoa