Quản lý thị trường dịp Tết Tân Sửu 2021

Bài 1: Hàng giả, hàng nhái “đổ bộ”

- Thứ Ba, 05/01/2021, 06:52 - Chia sẻ

Cùng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covd-19 là tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đang có chiều hướng phức tạp trở lại trên tất cả các tuyến, lĩnh vực, địa bàn, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Điều này, đòi hỏi lực lượng quản lý thị trường cần triển khai đồng bộ các giải pháp, phối hợp nhịp nhàng với các cơ quan chức năng như Công an, Hải quan trong việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm.

Giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao cũng là lúc hàng giả, hàng nhái tìm cách trà trộn, thâm nhập thị trường mạnh mẽ. Nắm bắt tình hình, quy luật đó, những ngày qua, lực lượng quản lý thị trường và ngành chức năng như Công an, Hải quan đã đồng loạt ra quân kiểm tra, kiểm soát tại các chợ đầu mối, trung tâm thương mại...

Nhiều vụ vi phạm được phát hiện

Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng các mặt hàng thực phẩm của người dân tăng cao. Lợi dụng vấn đề này, các đối tượng xấu thường trà trộn các mặt hàng thực phẩm “bẩn”, thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn để “tuồn” ra thị trường, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng. Trên các tuyến quốc lộ huyết mạch đi qua địa bàn các tỉnh, các đối tượng thường vận chuyển hàng “bẩn”, hàng vi phạm vào ban đêm để tránh sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng.

Hình ảnh sản phẩm rượu mang nhãn mác xuất xứ nước ngoài
Nguồn: ITN

Thực hiện chỉ đạo từ Tổng cục Quản lý thị trường, các Cục Quản lý thị trường địa phương đã lên kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ nêu cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường kiểm tra, kiểm soát bất kể ngày, đêm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn nguy cơ thực phẩm “bẩn”, thực phẩm “độc hại” trà trộn vào mâm cơm của các gia đình. Nhờ đó, đã phát hiện, xử lý một số vụ việc, cơ sở gian lận thương mại, làm hàng giả, hàng nhái kém chất lượng để tung ra thị trường Tết Nguyên đán.

Vụ việc điển hình có thể kể đến là Cục Quản lý thị trường Bình Dương thu giữ được gần 430kg thực phẩm đông lạnh khi thực hiện kiểm soát vào ban đêm ở quốc lộ 14. Đáng chú ý, số lượng thực phẩm đông lạnh này lại được vận chuyển trên xe vận tải thông thường, không phải xe đông lạnh. Theo chủ hàng, do “số lượng ít” nên gửi xe khách cho tiện. Hoặc vụ Cục Quản lý thị trường Bắc Giang kiểm tra một xe ôtô vận chuyển 440 hộp chất bột (loại 0,5kg) có trọng lượng 220kg, được sản xuất từ nước ngoài nhưng không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Qua đấu tranh, chủ hàng khai nhận hàng hóa là chất phụ gia thực phẩm (chất điều vị hương và hương vị thịt).

Mới đây nhất, ngày 27.12.2020, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an TP Hà Nội đã tịch thu hơn 10 tấn bánh kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ, gồm các loại bánh, kẹo dẻo đủ màu sắc dành cho trẻ em có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng đều được in chữ nước ngoài trong đó có nhiều loại in chữ Thái Lan, Malaysia… Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa.

Trước đó, vào khoảng 11 giờ ngày 23.12, Đội 5, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 26 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) triệt phá cơ sở sang chiết, dán nhãn rượu giả xuất xứ nước ngoài tại phường Phúc La (quận Hà Đông, TP Hà Nội). Vào thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện rất nhiều can rượu loại 20 lít và vỏ chai rượu nhãn Back Lào đã được rút lõi; đồng thời thu giữ rất nhiều vỏ hộp, tem nhãn, chai lọ và hàng trăm sản phẩm rượu đã đóng chai chuẩn bị đưa đi tiêu thụ. Lực lượng chức năng đã tạm giữ 202 chai rượu hình con giáp, 300 chai rượu Black Lào, 1.000 nút chai, 6 vỏ chai sứ hình con Trâu. Chủ cơ sở khai nhận, sang chiết sang số rượu trong các bình 20 lít trên để cho vào các bình rượu có hình con linh vật khác nhau; kênh phân phối và tiêu thụ chính của những sản phẩm rượu linh vật chủ yếu diễn ra trên mạng xã hội zalo, facebook...

Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội, trong năm 2020, lực lượng Công an huyện Phúc Thọ phối hợp với các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý các cơ sở sản xuất kinh doanh về hành vi làm hàng nhái, giả mạo nhãn hiệu của nước ngoài, thu giữ hơn 5.700 bộ quần áo gắn nhãn mác Louis Vuitton, Adidas... Trong đó, điển hình là vụ vi phạm của cơ sở sản xuất kinh doanh quần áo Hải Hà.

Chặn hàng giả thông thương

Bên cạnh sản phẩm hàng giả, hàng nhái, hàng lậu như rượu, bia, bánh kẹo dịp cuối năm các mặt hàng sản phẩm như quần áo thời trang, thuốc tân dược, thuốc lá, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thực phẩm khô cũng là mục tiêu mà nhiều đối tượng vi phạm hướng đến. Theo Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, tính đến ngày 15.11, các lực lượng chức năng trên cả nước đã bắt giữ, xử lý 201.484 vụ vi phạm về chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; xử phạt và nộp ngân sách Nhà nước 20.065 tỷ đồng; khởi tố 1.766 vụ việc với 2.254 đối tượng. Đặc biệt, chỉ trong mấy ngày gần đây, qua kiểm tra của lực lượng chức năng  các địa phương cho thấy, nhiều vụ việc các đối tượng đã dùng thủ đoạn tinh vi để "tuồn" bánh kẹo, rượu lậu, pháo lậu, thực phẩm đông lạnh ra thị trường Tết. 

Cũng trong những ngày qua, ghi nhận của phóng viên tại các chợ đầu mối lớn ở Hà Nội như chợ Đồng Xuân, chợ đầu mối về thực phẩm rau củ quả Bắc Từ Liêm, chợ Mê Linh... cho thấy, cùng với thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô như nấm, miến, măng, thịt bò, gà, mực, cá khô tại các chợ này cũng khá dồi dào với nhiều mẫu mã, chủng loại. Tuy nhiên, sản phẩm thật giả lẫn lộn, có nhiều giá cho cùng một sản phẩm được niêm yết để phù hợp với từng đối tượng khách hàng.

Đơn cử, tại khu hàng chuyên đồ khô, chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm, Hà Nội), trong vai người đi mua sản phẩm thịt bò khô số lượng lớn, các chủ quầy hàng đã đưa cho tôi 5 - 7 loại sản phẩm thịt bò khô với các mức giá từ 150.000 - 350.000 đồng/ kg. Khi được hỏi, thịt bò tươi đã gần 300.000 đồng/kg, nhưng sạp bán có 150.000 đồng/kg bò khô thì đây là thịt bò hay thịt gì, ngay lập tức chủ cửa hàng đã tỏ vẻ không hài lòng và nói gắt gỏng: mua thì mua, không mua thì thôi, hỏi lắm!

Đối với sản phẩm quần áo, túi xách, tình trạng sản phẩm giả, kém chất lượng cũng được rao bán tràn lan, bất chấp các loại giá không chỉ tại các làng nghề chuyên may mặc như Làng nghề may mặc xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội), mà các sản phẩm giả, nhái thương hiệu cũng được rao bán khá nhiều tại hầu hết các khu chợ, trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Tại làng nghề Tam Hiệp những ngày cuối năm, trong vai người ngoại tỉnh đi nhập hàng Tết về buôn, hỏi mua sản phẩm quần áo có gắn nhãn hiệu nước ngoài, chúng tôi đã được chủ các tiệm hàng may mặc thời trang ở đây cho biết, bất cứ thương hiệu nào, mẫu mã nào cũng có thể gắn mác các thương hiệu nổi tiếng từ trong nước đến nước ngoài, chỉ cần khách hàng yêu cầu.

Để ngăn chặn tình trạng "thông thương" hàng giả, hàng nhái ra thị trường, tại các cuộc họp báo thông tin với báo chí, đại diện lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường các địa phương đều khẳng định, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường là hoạt động hàng ngày của lực lượng. Tuy nhiên, mỗi dịp Tết đến là thời cơ để các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng lậu, hàng gian lận thương mại tìm mọi cách để lưu thông hàng hóa, do đó công tác kiểm tra kiểm soát vào thời điểm này đều phải tăng cường gấp nhiều lần, bất kể ngày, đêm.

Bài và ảnh: Hải Thanh - Nguyễn Chung