Quản lý và sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế

- Thứ Bảy, 30/10/2021, 06:08 - Chia sẻ
Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, việc xây dựng dự toán, tạm ứng, thanh quyết toán chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) luôn được thực hiện theo đúng quy trình, quy định chung. Trên cơ sở đánh giá tình hình chi khám, chữa bệnh năm trước, căn cứ mức lương, mức đóng BHYT, các yếu tố gia tăng chi khám, chữa bệnh… BHXH Việt Nam sẽ tổng hợp, rà soát và xây dựng dự toán gửi Bộ Tài chính, Bộ Y tế để thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Việc xây dựng dự toán, tạm ứng, thanh quyết toán chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế luôn được thực hiện theo đúng quy trình
Nguồn: ITN

Số giao dự toán năm sau cao hơn năm trước

BHXH Việt Nam cho biết, kết quả việc xây dựng dự toán chi khám, chữa bệnh BHYT các năm được thống nhất, trình Thủ tướng Chính phủ giao đến từng địa phương. Số dự toán Thủ tướng Chính phủ giao đều cao hơn quỹ khám, chữa bệnh BHYT theo số thu BHYT trong năm (năm 2018 cao hơn 10.495 tỷ đồng, năm 2019 là 8.737 tỷ đồng, năm 2020 là 6.158 tỷ đồng và năm 2021 là 4.461 tỷ đồng), cho phép địa phương sử dụng ngay một phần quỹ dự phòng tại Trung ương bù đắp phần chênh lệch do số chi khám, chữa bệnh BHYT lớn hơn số thu BHYT trong năm.

Cụ thể, năm 2018, số giao dự toán là 91.139 tỷ đồng, năm 2019 là 97.553 tỷ đồng, năm 2020 là 103.063 tỷ đồng, năm 2021 là 106.118 tỷ đồng. Hầu hết BHXH các tỉnh, thành phố đều có số giao dự toán năm sau cao hơn năm trước. BHXH Việt Nam chỉ thực hiện điều chỉnh dự toán chi khám, chữa bệnh BHYT giữa các tỉnh còn dư và vượt dự toán năm trước liền kề hoặc do yếu tố phát sinh bất khả kháng (như dịch Covid-19).  

Năm 2019, không có tỉnh, thành phố nào có số giao dự toán thấp hơn năm 2018; năm 2020, 2 tỉnh (Cao Bằng, Hà Nam) có số giao dự toán thấp hơn năm 2019 (trên cơ sở phân tích đánh giá chi của năm 2019, các yếu tố tăng giảm của năm 2020). Thực tế, theo số liệu quyết toán năm 2020 của BHXH tỉnh đề nghị BHXH Việt Nam thẩm định, các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh Hà Nam đều dư dự toán được Chính phủ giao. 

Cấp kinh phí đủ, đúng hạn

Theo quy định tại Điều 32 Luật BHYT, “trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo quyết toán quý trước của cơ sở khám, chữa bệnh; tổ chức BHYT tạm ứng một lần bằng 80% chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo báo cáo quyết toán quý trước của cơ sở”, nhưng không vượt quá kinh phí được sử dụng trong quý; trường hợp kinh phí tạm ứng vượt quá số kinh phí được sử dụng hàng quý, BHXH tỉnh báo cáo BHXH Việt Nam. 

BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh cấp đủ kinh phí, đúng thời hạn theo quy định (có sự theo dõi giám sát từ BHXH Việt Nam qua hệ thống phần mềm). Nguyên nhân của việc tạm ứng chậm do nhiều lý do, trong đó chủ yếu là cơ sở khám, chữa bệnh gửi báo cáo quyết toán của quý trước không đúng thời hạn. Trường hợp do dịch bệnh hoặc các nguyên nhân bất khả kháng, BHXH tỉnh đề xuất việc cấp ứng bổ sung kinh phí, bảo đảm cơ sở đủ kinh phí khám, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT. Theo đó, tính đến tháng 9.2021, BHXH Việt Nam đã cấp ứng 62.484 tỷ đồng, bằng 80% số chi của quý IV.2020 và 6 tháng năm 2021 (9 tháng). 

Về thanh quyết toán chi khám, chữa bệnh BHYT, BHXH Việt Nam cho biết, có tình trạng thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh còn chậm do một số nguyên nhân như chi phí đề nghị thanh toán chưa đầy đủ hồ sơ, thủ tục chưa rõ ràng. Cơ quan BHXH đã thực hiện thanh toán khi chi phí có đủ hồ sơ, chi đúng theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tăng cường phối hợp với cơ sở khám, chữa bệnh để xử lý các vấn đề còn vướng mắc, bảo đảm việc thanh quyết toán đúng tiến độ, đúng pháp luật. 

Đỗ Quyên