Quản lý việc cấp mã số vùng trồng nông sản

- Thứ Ba, 28/09/2021, 06:36 - Chia sẻ
Mã số vùng trồng được ví như tấm “hộ chiếu” cho nông sản xuất khẩu. Ở thị trường nội địa, sản phẩm có mã số vùng trồng cũng là lợi thế để các hệ thống siêu thị tiếp nhận. Tuy nhiên, tại một số địa phương, tình trạng doanh nghiệp sử dụng không đúng mã số, mạo danh mã số của nhau để xuất khẩu khiến hàng hóa bị trả về, nguy cơ mất thị trường của nông sản rất cao. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã và đang vào cuộc rà soát, chấn chỉnh kịp thời nhưng không thể thiếu vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra.

Bài 1: Rà soát và chấn chỉnh kịp thời

Dù mã số vùng trồng là điều kiện tiên quyết để xuất khẩu nông sản nhưng việc triển khai cấp quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói tại một số địa phương vẫn còn lỏng lẻo, chưa xây dựng kế hoạch và thực hiện công tác kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói sau khi được cấp mã số. Để khắc phục tình trạng này, Cục Bảo vệ thực vật đã và đang vào cuộc rà soát, chấn chỉnh...

Sử dụng tràn lan mã số vùng trồng

Tính đến hết tháng 7.2021, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp 3.624 mã số vùng trồng cho trái cây, cây thạch đen, rau, hạt giống xuất khẩu trong toàn quốc. Cục cũng đã cấp 1.826 mã số cơ sở đóng gói cho các loại quả tươi được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản… Trong đó, đồng bằng sông Cửu Long có số lượng vùng trồng và cơ sở đóng gói được cấp mã số lớn nhất, tập trung chủ yếu tại các tỉnh: Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An.  

Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, rất nhiều quốc gia trong quá trình đàm phán mở cửa thị trường đều đưa ra yêu cầu chỉ có nông sản được sản xuất từ vùng trồng, cơ sở đóng gói mới được phép xuất khẩu. Nếu không được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói thì nông sản không đủ điều kiện xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Tuy nhiên, nhiều địa phương khi đã được cấp mã số nhưng chưa chú trọng việc quản lý, kiểm tra, giám sát dẫn tới phía Trung Quốc hay Malaysia đã có thông báo về việc không tuân thủ.

Nhiều nơi vẫn để xảy ra tình trạng mạo danh mã số vùng trồng, sử dụng không đúng mã số để xuất khẩu. Năm 2020, phía Trung Quốc yêu cầu tạm ngưng xuất khẩu xoài từ 12 vùng trồng và 18 cơ sở đóng gói do phát hiện vi phạm về kiểm dịch thực vật. Trong số này, Tiền Giang là tỉnh có số mã vi phạm lớn nhất (15 mã số vùng trồng và nhà đóng gói), tiếp đó là An Giang (7 mã) và thấp nhất là Vĩnh Long (2 mã).

Theo ông Trung, nguyên nhân chính là do tình trạng doanh nghiệp đến vụ thu hoạch mới thu gom nông sản từ các vùng trồng mà chưa ký kết hợp đồng bao tiêu từ đầu vụ để định hướng tổ chức sản xuất cho phù hợp. Ngược lại, nông dân vẫn bán sản phẩm cho thương lái nên chưa thấy được lợi ích của mã số vùng trồng và chưa quan tâm tới việc quản lý mã số vùng trồng. Tồn tại này đã dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp sử dụng không đúng mã số, mua sản phẩm ở vùng chưa được cấp mã trà trộn với sản phẩm vùng trồng đã được cấp mã để xuất khẩu.

“Tình trạng này nếu không được giải quyết rốt ráo, không kiểm tra, giám sát tốt các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của hàng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế của người nông dân” - ông Trung nhấn mạnh.

	Cục Bảo vệ thực vật đã cấp 3.624 mã số vùng trồng cho nông sản
Cục Bảo vệ thực vật đã cấp 3.624 mã số vùng trồng cho nông sản

Có chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mà đầu mối là Cục Bảo vệ thực vật đã và đang vào cuộc rà soát, chấn chỉnh kịp thời tình trạng không tuân thủ, “mượn” mã số để xuất khẩu. Tuy nhiên, ông Hoàng Trung khẳng định, không thể thiếu vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói sau khi được cấp mã số. Thực tế, nhiều địa phương còn lúng túng, chưa theo dõi, giám sát, nắm được sản lượng các công ty, doanh nhiệp thu mua từ các vùng trồng khi xuất khẩu để kiểm tra đối chiếu đầu ra xuất khẩu.

Cục Bảo vệ thực vật đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất, thiết lập và quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói; đưa chỉ tiêu về thiết lập vùng trồng đủ điều kiện cấp mã số vào chỉ tiêu của Chương trình nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng trồng sản xuất tập trung.

Nhiều nơi cũng chưa phân công cho một cơ quan chuyên môn làm đầu mối để thực hiện quản lý, giám sát và hướng dẫn đối với việc kiểm tra và quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói. Điều này dẫn tới việc không thống nhất trong quá trình xử lý công việc, khiến sự liên kết giữa vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp mã với các cơ quản lý ở địa phương, Trung ương để kiểm soát hàng hóa xuất khẩu còn lỏng lẻo.

Nhiều chuyên gia cho rằng, phải có chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Đồng thời kết hợp cấp mã số vùng trồng với thực hiện truy xuất nguồn gốc điện tử cho nông sản cho các hợp tác xã, doanh nghiệp, nhà vườn, cơ sở đóng gói để ngăn chặn tình trạng đưa sản phẩm từ ngoài vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói chưa có mã số vùng trồng vào chuỗi sản phẩm và kiểm soát xuất khẩu. Đặc biệt, cần đẩy mạnh phân cấp và tăng cường năng lực cho địa phương về thiết lập và giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, thực hiện kiểm tra giám sát đánh giá định kỳ mã số vùng trồng 6 tháng/lần (1 lần/vụ).

Chi An