Cơ chế kiểm tra tính hợp Hiến của luật ở Nhật Bản

Quan niệm về kiểm tra tính hợp hiến

- Thứ Sáu, 29/03/2013, 08:38 - Chia sẻ
Cũng như nhiều nước khác, ở Nhật Bản có cơ chế kiểm tra tính hợp Hiến của các văn bản pháp luật do các cơ quan nhà nước ban hành (gọi tắt là kiểm Hiến). Kiểm Hiến xuất phát từ quan niệm về tính quy phạm tối cao của Hiến pháp. Khoản 1 Điều 99 của Hiến pháp Nhật Bản quy định: Hiến pháp là văn bản pháp luật tối cao, có hiệu lực cao nhất, những văn bản quy phạm khác trái Hiến pháp thì sẽ bị vô hiệu lực. Vì vậy, khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phải bảo đảm phù hợp với Hiến pháp.

Không những thế, khi đề cập đến vấn đề kiểm Hiến trước khi ban hành luật, người Nhật còn mở rộng đến cả việc kiểm tra tính hợp lý của chính sách trong dự thảo luật, tính đồng bộ của pháp luật: bảo đảm tính tương thích, đồng bộ về mặt pháp luật, bảo đảm tổng thể của cả hệ thống, cả thông tư, văn bản khác; bảo đảm tính ổn định về mặt pháp luật; phải để người dân dự đoán trước về mặt pháp luật… Như vậy, ngoài việc kiểm tra xem văn bản pháp luật có phù hợp với Hiến pháp không (kiểm tra tương thích hàng dọc), cơ chế này cũng kiểm tra xem văn bản pháp luật có mâu thuẫn, xung đột với các luật khác không (kiểm tra tương thích hàng ngang). Việc kiểm tra tính hợp Hiến của luật được thực hiện theo cả bề rộng và bề sâu, dựa trên nhiều chiều khác nhau, nhiều tầm nhìn khác nhau, không chỉ Hiến pháp mà cả các đạo luật.

Vậy ai là người kiểm tra tính hợp Hiến? Trong một xã hội dân chủ, người có quyền kiểm tra tính hợp Hiến phải là người được trao quyền trực tiếp từ người dân thông qua bầu cử, ở đây chính là các nghị sỹ. Bên cạnh đó, còn có đội ngũ cán bộ, công chức (qua thi tuyển) làm việc trong Nội các, Nghị viện. Đặc biệt, sau khi luật được ban hành, tòa án là cơ quan thực hiện nhiệm vụ kiểm Hiến.

Quy trình kiểm Hiến ở Nhật Bản được chia làm hai giai đoạn: kiểm tra trước trong quá trình xây dựng dự thảo và thẩm định tại Nghị viện; kiểm Hiến sau khi văn bản được ban hành do tòa án thực hiện. Trong khi soạn thảo, cần thẩm định chi tiết về chính sách cũng như tính đồng bộ của dự án luật. Đến công đoạn tại Nghị viện, do hạn chế về thời gian, nên cơ quan lập pháp chỉ thẩm định tập trung vào chính sách. Đến giai đoạn phán xét, Tòa án sẽ xem xét tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

 Trong giai đoạn soạn thảo dự thảo luật, phần lớn các dự luật ở Nhật Bản do Nội các đệ trình. Những dự luật này phải được Cục Pháp chế Nội các thẩm định. Còn đối với những dự thảo luật do nghị sỹ đệ trình, Cục Lập pháp Hạ viện (và Thượng viện) sẽ thẩm định. Bên cạnh đó, công đoạn Ủy ban đóng vai trò trung tâm trong việc thẩm định cả các dự luật do Nội các trình và nghị sỹ trình. Tại phiên họp Ủy ban, các thành viên Ủy ban sẽ đặt câu hỏi với Bộ trưởng hoặc nghị sỹ trình dự án luật.

Sau khi luật được ban hành, cần có một cơ quan phán xét tính hợp Hiến của luật để bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp - đó là tòa án. Một quy phạm được coi là vi Hiến chỉ khi nào Tòa án ra phán quyết là vi hiến, sau đó, quy phạm này sẽ bị vô hiệu lực và mới được áp dụng hồi tố. Tuy nhiên, cũng như ở nhiều nước, Tòa án Nhật Bản không nhất thiết ra từng phán quyết về tính hợp Hiến hay không, mà áp dụng những nguyên tắc chung của Hiến pháp để giải quyết những vụ việc cụ thể. Ví dụ, nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật hoặc suy đoán vô tội.

Lê Anh