Quan tâm bảo vệ quyền của người mua bảo hiểm

- Thứ Năm, 09/09/2021, 13:52 - Chia sẻ
Sáng 9.9, tại Nhà Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Kinh tế tổ chức Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt đồng chủ trì hội thảo.
Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Ủy ban Kinh tế tổ chức Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến nhằm chia sẻ thông tin, đóng góp các ý kiến để Ủy ban Kinh tế hoàn thiện báo cáo thẩm tra, phối hợp với cơ quan soạn thảo hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội Khóa XV xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai tới.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt cho biết, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã được Quốc hội Khóa X thông qua tại Kỳ họp thứ Tám năm 2000, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.4.2001, sau đó được tiếp tục sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2010 và năm 2019 để đáp ứng các cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

Đến nay sau 20 năm thi hành, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã phát huy tác dụng trên thực tế và đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo khung khổ pháp lý cao cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm, góp phần thúc đẩy thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển và đóng góp cho nền kinh tế nói chung. Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật hiện hành đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện, bảo đảm phù hợp hơn với thực tiễn.

Quang cảnh hội thảo trực tuyến

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, với quá trình chuẩn bị công phu, tích cực, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã nhận được sự quan tâm, kỳ vọng của xã hội, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức, chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp. Với tinh thần cầu thị, mong muốn nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia, Ủy ban Kinh tế và Viện Nghiên cứu lập pháp mong muốn các chuyên gia sẽ có nhiều đóng góp cho cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo để hoàn thiện dự thảo Luật với chất lượng tốt nhất, có tính khả thi cao nhất, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Các đại biểu tham dự Hội thảo tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành, nhất là trong bối cảnh thị trường bảo hiểm nước ta đang phát triển, nền kinh tế có độ mở cao, hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới. Hoạt động bảo hiểm không chỉ là hoạt động kinh doanh rủi ro, mà có đóng góp tích cực cho nền kinh tế, góp phần tạo sự an tâm cho xã hội. Mặt khác, đây là hoạt động kinh doanh chứa đựng nhiều rủi ro, cần có những quy định để phòng ngừa tổn thất, gian lận trong các khâu, các nghiệp vụ và hành vi kinh doanh bảo hiểm.

Quan tâm đến các quy định về hợp đồng bảo hiểm, nhiều chuyên gia nhấn mạnh, trung tâm của hoạt động kinh doanh bảo hiểm là hợp đồng bảo hiểm, và hợp đồng này vừa có những tính chất chung của một hợp đồng dân sự, vừa có một số tính chất riêng biệt gắn liền với đặc trưng kinh tế - kỹ thuật của ngành. Đặc biệt, do hợp đồng bảo hiểm có tính chất là một hợp đồng gia nhập nên doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm là bên đưa các điều khoản mẫu, người mua không được đàm phán, thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung điều khoản tại hợp đồng này.

 Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Khóa XIV Đỗ Văn Sinh phát biểu tại Hội thảo

Tuy nhiên, một số chuyên gia lưu ý, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhóm dịch vụ bảo hiểm nhân thọ không còn thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Việc làm này giúp cải cách thủ tục hành chính và tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thực hiện quyền tự do kinh doanh. Thực tế, hợp đồng bảo hiểm vẫn là hợp đồng theo mẫu, trong quá trình thực hiện có thể phát sinh một số hệ lụy. Do vậy, một số chuyên gia đề nghị, dự thảo Luật cần bổ sung các quy định liên quan đến kiểm soát nội dung hợp đồng bảo hiểm, với tư cách một hợp đồng gia nhập, nhằm tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước, góp phần bảo vệ quyền lợi của cá nhân, đơn vị mua bảo hiểm (bổ sung quy định tại Điều 14 về nội dung của hợp đồng bảo hiểm, tại Điều 17 về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm).

Thanh Hải