Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025

Quan tâm các lĩnh vực có tiềm năng trở thành mũi nhọn

- Chủ Nhật, 31/10/2021, 07:04 - Chia sẻ
Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 cần đồng bộ với kịch bản phòng, chống dịch Covid-19 và ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững và đa số người dân được hưởng lợi. Nhấn mạnh điều này tại phiên thảo luận trực tuyến sáng qua, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, trong bối cảnh nguồn lực hạn hẹp, cần tập trung cho những đối tượng thật chọn lọc, quan tâm đến các lĩnh vực có tiềm năng trở thành mũi nhọn.

Tập trung nguồn lực cho những đối tượng thật chọn lọc

Tác động của đại dịch Covid-19 thời gian qua đã làm bộc lộ những điểm yếu trong cơ cấu nền kinh tế về tính tự chủ, khả năng chống chịu, năng lực cạnh tranh quốc gia, song theo ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), cũng không thể phủ nhận tác động tích cực của đại dịch đến cơ cấu kinh tế Việt Nam. Số liệu thống kê tính đến hết tháng 9 vừa qua cho thấy, hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế, sản phẩm chủ lực đã phải chịu thiệt hại nặng nề, nhưng ở chiều ngược lại, vẫn có một số ngành, lĩnh vực tăng trưởng tốt như y tế, dược phẩm, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ thông tin và truyền thông. Chính điều này đã giúp thu ngân sách nhà nước không bị suy giảm, dự kiến thu ngân sách năm nay vẫn vượt kế hoạch đề ra.

Nhìn ra thế giới, chính đại dịch Covid-19 là nhân tố quan trọng, động lực đáng kể thúc đẩy xu hướng phát triển mới là tăng trưởng xanh, thương mại điện tử và kinh tế số, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi nghề tại nhiều quốc gia. Chính phủ cũng nhìn nhận đây là cơ hội cho những nước “đi sau” như Việt Nam. Việc lựa chọn đầu tư, sắp xếp lại chuỗi cung ứng và mạng lưới sản xuất toàn cầu tạo cơ hội cho chúng ta có điều kiện tham gia sâu hơn vào cấu trúc đầu tư, trật tự thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là chuyển đổi số, thu hút hợp tác về cơ sở hạ tầng, mở rộng thị trường xuất khẩu. Như vậy, phải chăng chúng ta nên chấp nhận một cuộc "lột xác" cho nền kinh tế? Chúng ta sẽ không phải giải cứu, hỗ trợ đại trà, dàn trải cho mọi doanh nghiệp? Thay vào đó, Chính phủ cần tập trung nguồn lực hạn hẹp cho những đối tượng thật chọn lọc nhằm đạt được những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể mà Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 đã đặt ra. Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh, chặng đường mới của cơ cấu lại kinh tế đứng trước nhiều khó khăn nhưng cuộc khủng hoảng này cũng là cơ hội để quyết tâm sàng lọc, đào thải và phát triển mới, để thúc đẩy các cuộc cách mạng mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực liên quan đến 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm đề ra trong Kế hoạch.

Đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng

Ảnh N.Thu 

Để ổn định nền kinh tế trước những biến động của kinh tế thế giới, tình hình dịch bệnh, thiên tai ngày một diễn biến phức tạp và trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, một số đại biểu nhấn mạnh, quan trọng nhất là cần nâng cao nội lực của nền kinh tế, phát huy, khai thác hiệu quả nguồn lực trong nước, đồng thời nâng cao vai trò, định hướng điều tiết nền kinh tế của Nhà nước bằng các công cụ chính sách. ĐBQH Đào Hồng Vận (Hưng Yên) đề nghị, việc xây dựng quy hoạch chung, quy hoạch chuyên ngành cần được triển khai đồng bộ, thống nhất, tránh sự chồng chéo, "quy hoạch này đợi quy hoạch kia". Với tinh thần “quy hoạch phải đi trước một bước”, việc xây dựng quy hoạch phải được thực hiện, triển khai sớm, tránh tình trạng một số địa phương, một số ngành đến thời kỳ triển khai thực hiện mới tổ chức quy hoạch và khi lập quy hoạch xong thì nhiều nhiệm vụ đã triển khai rồi hoặc phải đợi quy hoạch mới triển khai được. Đồng thời, việc triển khai sử dụng quy hoạch phải được quản lý một cách chặt chẽ.

Mặc dù Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế trình Quốc hội đã cơ bản bao trùm cơ cấu ngành, lãnh thổ, cơ cấu thành phần kinh tế, nhưng "trong phân tích cơ cấu nền kinh tế mà thiếu vắng khu vực kinh tế phi chính thức, một bộ phận cấu thành nền kinh tế của các quốc gia đang phát triển, là một thiếu sót", ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nêu vấn đề. Trong khi nếu tính được giá trị của toàn bộ khu vực phi chính thức có thể làm cho GDP tăng lên khoảng 30%. Như vậy, việc thiếu vắng bóng dáng khu vực này trong Kế hoạch liệu có làm cho kết quả cuối cùng của việc cơ cấu lại thực sự phản ánh hết hiện trạng và thực lực của nền kinh tế hay không, đại biểu Phạm Trọng Nhân đặt câu hỏi.

Nâng cao chất lượng dự báo, có kịch bản ứng phó phù hợp

Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế nước ta đã được thực hiện trong nhiều năm, đặc biệt kể từ khi kinh tế nước ta bị tác động, ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008 - 2009, khi đó kinh tế đã bị suy giảm, lạm phát ở mức rất cao. Đảng, Nhà nước đã có nhiều nghị quyết liên quan đến quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Quốc hội Khóa XIII có hai nghị quyết và Quốc hội Khóa XIV có một nghị quyết về cơ cấu lại nền kinh tế.

Và sau thời gian thực hiện, theo ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh), việc cơ cấu lại nền kinh tế đã đạt được những kết quả nhất định với 17/22 chỉ tiêu, mục tiêu về cơ cấu lại nền kinh tế theo Nghị quyết của Quốc hội và nhiều mục tiêu quan trọng đã được cải thiện. Đó là các kết quả về tăng năng suất lao động, tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo, tỷ trọng lao động trong nông nghiệp, kinh tế vĩ mô ổn định và nợ công được kéo giảm, tạo dư địa để thực hiện việc hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, rõ ràng quá trình cơ cấu lại nền kinh tế nước ta trong giai đoạn tới sẽ gặp nhiều thách thức. Một trong những thách thức đó là tình hình dịch bệnh Covid-19 sẽ còn diễn biến phức tạp và khó lường, có thể phát sinh nhiều biến chủng mới. Cho nên, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế không chỉ phải thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn phải thích ứng an toàn với việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Trước tình hình dịch Covid-19 ở các quốc gia trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp với những biến thể mới, trong khi nước ta đến nay vẫn chưa chủ động được nguồn vaccine phòng Covid-19 và cũng chưa đạt đến tỷ lệ miễn dịch cộng đồng, chúng ta không nên quá chủ quan. Cùng mối quan tâm, ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đề nghị, cần nâng cao chất lượng dự báo để có các kịch bản ứng phó phù hợp khi xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn tiếp theo. Vì nếu không dự báo tốt sẽ không thể đưa ra các kịch bản ứng phó với từng cấp độ dịch một cách tốt nhất, và chúng ta sẽ khó đạt mục tiêu đề ra trong Kế hoạch này.

Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế thời gian qua, chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu quan trọng và tích cực. Tuy nhiên, các đại biểu cũng nêu rất nhiều những hạn chế, như có chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ chưa hoàn thành hoặc rất chậm, chưa rõ nét, chưa thực chất và chưa hiệu quả. Ba lĩnh vực trọng tâm là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và tổ chức tín dụng đều chưa đạt hiệu quả như Kế hoạch đề ra. Đấy là chưa kể những thách thức mới đang đặt ra trong thời gian tới. Thừa nhận thực tế này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, những ý kiến đại biểu nêu chúng tôi thấy phải phân tích kỹ và sâu hơn nguyên nhân tại sao chúng ta không đạt được? Từ đó có những giải pháp xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ sát thực tiễn hơn, khả thi hơn, các giải pháp phải cụ thể hóa và quyết liệt hơn. "Chúng tôi sẽ nghiêm túc tiếp thu trong thời gian tới đây để có những kế hoạch hiệu quả hơn", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Nhật An