Sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng

Quan tâm đến doanh nghiệp, doanh nhân

- Thứ Hai, 27/09/2021, 05:26 - Chia sẻ
Doanh nghiệp, doanh nhân là một trong những lực lượng đi đầu trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, có nhiều đóng góp cho ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho bộ phận lớn người lao động. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) lần này cần đặc biệt quan tâm, có những quy định cụ thể, phù hợp hơn với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân.
Bổ sung các quy định liên quan đến khen thưởng cho doanh nghiệp, doanh nhân
Nguồn: ITN

Vẫn còn “tư duy quản lý cũ”…

Thời gian qua đã có nhiều tập thể, cá nhân thuộc các doanh nghiệp trong và ngoài nhà nước, trong đó có cả các doanh nghiệp FDI được tặng thưởng các hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua, danh hiệu vinh dự Nhà nước. Song, theo đại diện Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, doanh nghiệp nhà nước đã có bề dày truyền thống, lại trực thuộc các bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố nên công tác khen thưởng đã thành nền nếp và được thực hiện bài bản hơn, tuyến trình khen thưởng được xác định rõ ràng. Khó khăn, vướng mắc chủ yếu đối với công tác khen thưởng cho tập thể, cá nhân thuộc doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.

Bên cạnh nguyên nhân do một bộ phận người đứng đầu doanh nghiệp ngoài nhà nước ít quan tâm đến công tác thi đua, khen thưởng, thì theo đánh giá của các bộ, ngành, địa phương một số nội dung hướng dẫn thi hành Luật Thi đua, Khen thưởng chưa phù hợp với thực tiễn. Trong thực tế, việc đề nghị khen thưởng cho các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân thuộc doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước (không tính đối với Quỹ Tín dụng nhân dân) theo quy định tại Điểm a, Khoản 6, Điều 46 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31.7.2017 của Chính phủ khó thực hiện, do số lượng doanh nghiệp trên địa bàn một tỉnh, thành phố khá đông, doanh nghiệp thành lập ở địa phương này nhưng lại hoạt động ở địa phương khác, cơ quan cấp phép (thường là Sở Kế hoạch và Đầu tư) cũng rất ít tiếp nhận đề nghị khen thưởng cho doanh nghiệp...

Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, thẩm quyền, điều kiện, tiêu chuẩn của các hình thức thi đua, khen thưởng đang được tập trung xây dựng theo đơn vị hành chính và cơ quan quản lý theo ngành, lĩnh vực nên việc phát hiện và khen thưởng cho doanh nghiệp, doanh nhân chưa kịp thời và gặp không ít khó khăn. Các doanh nghiệp hiện nay thường hoạt động đa ngành nghề, đa lĩnh vực, trên nhiều địa bàn trong và ngoài nước. Nếu quy định cơ quan, địa phương nào ra quyết định thành lập hoặc trụ sở chính của doanh nghiệp đóng trên địa bàn nào thì địa phương đó trình khen thưởng thì không phù hợp, sẽ phải qua rất nhiều cấp, mất rất nhiều thời gian.

Theo Khoản 1, Điều 46 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng: “Cấp nào quản lý về tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và quỹ lương thì cấp đó có trách nhiệm khen thưởng hoặc trình cấp trên khen thưởng đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý”. Hiện, các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, không có cấp quản lý nên việc trình khen thưởng theo quy định này không thực hiện được. (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Bộ Nội vụ)

Cần có những quy định cụ thể

Từ năm 2004, Chính phủ đã chọn ngày 13.10 là ngày Doanh nhân Việt Nam nhằm khẳng định, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân. Ngày 28.7.2010, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 51/2010/TTg ban hành Quy chế quản lý tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp.

Theo PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội, như vậy, ở mức độ nhất định đã có văn bản pháp quy điều chỉnh vấn đề thi đua, khen thưởng đối với doanh nghiệp, doanh nhân. Xu hướng quan hệ quốc tế cũng hình thành văn hóa khen thưởng đối với doanh nghiệp, doanh nhân nước ngoài. Vì vậy, trong lần sửa đổi này, cần pháp điển hóa các quy định về thi đua, khen thưởng đối với doanh nghiệp, doanh nhân, đảm bảo tương xứng với những đóng góp của lực lượng này trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

Đại diện Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương nhấn mạnh, mặc dù Luật đã quy định 5 hình thức khen thưởng (theo thành tích và công trạng, chuyên đề, đột xuất, đối ngoại, cống hiến) nhưng để khen thưởng cho doanh nghiệp và các tập thể, cá nhân thuộc doanh nghiệp cần có những quy định rõ ràng trong Luật, với điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng được cụ thể hóa trong các văn bản hướng dẫn thi hành. Hướng khen thưởng doanh nghiệp vào những hình thức cụ thể (chuyên đề, đột xuất) vì các doanh nghiệp được thành lập và tổ chức hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau, tiêu chí đánh giá đối với các tập thể và cá nhân sẽ có những nội dung khác nhau. Bên cạnh đó, cũng cần làm rõ đối tượng nào được coi là “doanh nhân” trong doanh nghiệp, vì còn nhiều cá nhân khác cũng đang làm việc đóng góp cho hoạt động của doanh nghiệp.

Hoàng Tuấn