Quan tâm kiện toàn lãnh đạo Thường trực, Ban HĐND cấp huyện, xã

- Thứ Hai, 17/01/2022, 07:15 - Chia sẻ
Cần bổ sung mối quan hệ công tác giữa HĐND các cấp trong tỉnh, nhất là chế độ thông tin báo cáo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ. Đối với các cấp ủy, cần tăng cường lãnh đạo về tổ chức và hoạt động của HĐND. Trong đó, quan tâm bổ sung, kiện toàn nhân sự là lãnh đạo Thường trực, các Ban HĐND cấp huyện, xã bảo đảm đầy đủ, đúng theo quy định; bố trí cơ cấu nhân sự HĐND bảo đảm trình độ chuyên môn, lĩnh vực công tác phù hợp.

Đó là những kiến nghị của Thường trực HĐND tỉnh Ninh Thuận qua giám sát tình hình, kết quả triển khai thực hiện Đề án số 01/ĐA-HĐND ngày 15.12.2016 của Thường trực HĐND tỉnh về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp tỉnh, cụ thể là hoạt động của HĐND cấp huyện, xã trên địa bàn.

Nhiều đổi mới thiết thực

Trên cơ sở Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 30.12.2016 của Tỉnh ủy, Đề án số 01/ĐA-HĐND ngày 15.12.2016 của Thường trực HĐND tỉnh, Thường trực HĐND cấp huyện, xã đã triển khai, tham mưu cấp ủy cụ thể hóa, lãnh đạo hoạt động của HĐND; đồng thời, chủ động bám sát nghị quyết của các cấp ủy, HĐND cấp trên để cụ thể hóa thành kế hoạch hoạt động.

Kết quả giám sát cho thấy, chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND cấp huyện, xã dần đi vào nền nếp, từng bước được nâng lên. Các kỳ họp HĐND, phiên họp Thường trực HĐND ngày càng được cải tiến, đổi mới. Các báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực và các Ban HĐND được trình kỳ họp xem xét; báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND đối với các báo cáo trình tại kỳ họp tạo điều kiện để đại biểu HĐND thực hiện chức năng giám sát chặt chẽ, chất lượng, hiệu quả hơn.

Hoạt động chất vấn dần được quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng. Công tác tổ chức các đợt giám sát chuyên đề ngày càng được quan tâm chuẩn bị sâu, kỹ. Các chuyên đề giám sát được lựa chọn thiết thực, liên quan đến các vấn đề an sinh xã hội, đời sống người dân, những vấn đề bức xúc, nổi cộm, được dư luận và cử tri quan tâm; công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội còn nhiều vướng mắc. Thường trực HĐND thành phố Phan Rang - Tháp Chàm chủ động hướng dẫn cách thức, quy trình thực hiện giám sát của Tổ đại biểu HĐND, qua đó, các tổ đã giám sát có hiệu quả việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Tại mỗi đợt TXCT, Thường trực HĐND phối hợp với UBND chỉ đạo, lãnh đạo cơ quan chuyên môn tham gia, trả lời trực tiếp với cử tri đối với các nội dung có liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý khi được mời; có huyện tổ chức đối thoại giữa Chủ tịch HĐND huyện với các ngành chức năng huyện, lãnh đạo chủ chốt địa phương để trực tiếp giải trình, làm rõ vấn đề cử tri quan tâm, bức xúc. Một số địa phương đã tổ chức TXCT chuyên đề. Một số địa phương cải tiến việc TXCT như Thường trực HĐND huyện Bác Ái xây dựng kế hoạch TXCT, đối thoại trực tiếp với Nhân dân tại xã Phước Tiến về giải quyết tranh chấp đất đai, trật tự xã hội. Một số địa phương đổi mới hình thức, thời gian tổ chức TXCT, tạo điều kiện để cử tri tham dự tiếp xúc đông đủ hơn.

Thường trực HĐND tỉnh Ninh Thuận làm việc với Thường trực HĐND 7 huyện, thành phố và Thường trực HĐND 65 xã, phường, thị trấn theo hình thức trực tuyến

Ảnh: Y. Thảo 

Bổ sung mối quan hệ công tác giữa HĐND các cấp

Qua giám sát, Thường trực HĐND tỉnh Ninh Thuận nhận thấy, việc bố trí các chức danh Thường trực, lãnh đạo các Ban HĐND ở một số huyện, xã chưa bảo đảm đầy đủ theo quy định pháp luật; một số Ban HĐND không có đại biểu chuyên trách; số lượng đại biểu chuyên trách ở cấp xã còn ít nên thời gian dành cho hoạt động của HĐND còn hạn chế. Đại biểu HĐND, lãnh đạo các Ban HĐND qua nhiệm kỳ hoạt động, đến giữa và cuối nhiệm kỳ có nơi biến động nhưng chưa được bổ sung, kiện toàn kịp thời.

Hoạt động giám sát ở một số nơi còn lúng túng. Phương thức giám sát chủ yếu vẫn là nghe trình bày báo cáo, hoạt động khảo sát, kiểm chứng việc thực hiện cụ thể chưa nhiều. Báo cáo kết quả giám sát, kết luận giám sát ở một số cuộc còn chung chung. Hoạt động giải trình tại các phiên họp Thường trực HĐND chưa được tổ chức nhiều, có nơi, có lúc còn chưa sâu, còn hình thức. Việc triển khai giám sát của các Ban HĐND cấp xã còn hạn chế do chỉ có một Phó chủ tịch HĐND là đại biểu chuyên trách, không có đội ngũ giúp việc chuyên trách như ở cấp tỉnh, cấp huyện.

Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của HĐND cấp huyện, xã chưa được đẩy mạnh. Chất lượng, hiệu quả các kỳ họp của HĐND chưa đồng đều ở các địa phương; chưa có cơ chế để khắc phục được tình trạng gửi tài liệu phục vụ kỳ họp đến đại biểu còn chậm. Hoạt động thẩm tra của các Ban HĐND, nhất là ở cấp xã chất lượng chưa cao; một số văn bản, nghị quyết của HĐND được ban hành chưa bảo đảm thẩm quyền, hình thức theo quy định. Hoạt động chất vấn có lúc chưa sôi nổi, chưa tranh luận thẳng thắn nên hiệu quả có lúc chưa cao; đại biểu ít đặt vấn đề chất vấn, việc chuẩn bị chất vấn chưa sâu, kỹ, việc đặt vấn đề chất vấn còn thụ động theo phân công của Thường trực HĐND.

Khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của HĐND cấp huyện, xã, Thường trực HĐND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Trung ương bổ sung mối quan hệ công tác giữa HĐND các cấp trong tỉnh, nhất là chế độ thông tin báo cáo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ… Đối với các cấp ủy, Thường trực HĐND kiến nghị tăng cường lãnh đạo về tổ chức và hoạt động của HĐND. Trong đó, quan tâm bổ sung, kiện toàn nhân sự là lãnh đạo Thường trực, các Ban HĐND bảo đảm đầy đủ, đúng theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương; quan tâm bố trí cơ cấu nhân sự công tác HĐND bảo đảm trình độ chuyên môn, lĩnh vực công tác phù hợp.

THẢO YẾN