Quan trọng là đổi mới toàn diện

- Thứ Sáu, 02/10/2020, 21:02 - Chia sẻ
Hơn 4 năm trước, tại một buổi tổng kết, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông TP Hà Nội đã yêu cầu các đội rà soát, chấn chỉnh hình ảnh, trang phục của cảnh sát đang làm nhiệm vụ điều khiển giao thông. Đặc biệt, những cán bộ, chiến sĩ thấp bé, bụng phệ chuyển sang làm công tác văn phòng thay vì điều tiết giao thông để xây dựng hình ảnh đẹp của cảnh sát Thủ đô...

Và mới đây nhất, tại buổi thông tin về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại diện Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, Cục sẽ nghiên cứu, đưa ra các bài kiểm tra sức khỏe, năng lực, các tiêu chí về cân nặng, chiều cao và số đo vòng 2 của các chiến sĩ cảnh sát giao thông trước khi tuyển chọn làm nhiệm vụ ngoài đường. "Anh" nào vòng 2 to không cho ra đường, sẽ kiểm tra kiến thức từng cán bộ... Dù chưa thống kê nhưng trong thực tế đang có cán bộ, chiến sĩ vòng bụng to làm nhiệm vụ điều tiết, xử lý vi phạm trên đường. Việc này sẽ dẫn đến khó khăn trong những tình huống khẩn cấp như truy bắt tội phạm, giải cứu người gặp nạn hay giải quyết các công việc cần sức bền và sự nhanh nhạy... Khi được ban hành, quy định này sẽ áp dụng trên toàn quốc.

Chuyện bụng to, bụng nhỏ, bụng béo, bụng gầy... có nhiều nguyên nhân nhưng hầu hết được coi là bình thường, không mấy khi "đặt thành vấn đề". Nhưng với việc dự kiến những cán bộ, chiến sỹ vòng bụng to không được làm nhiệm vụ điều tiết, xử lý vi phạm trên đường, một số ý kiến cho rằng như vậy là cảm tính, có phần máy móc, không đánh giá được năng lực của cán bộ, chiến sĩ. Mỗi người có tính cách, cơ địa riêng nên chuyện béo hay gầy không nói lên được điều gì. Với cảnh sát giao thông, cái chính là xử lý giao thông tốt. Nếu người bụng bé xử lý không tốt, mà người bụng to xử lý tốt thì hiển nhiên người bụng to làm được việc hơn. Vậy nên phải nhìn vào việc họ xử lý công việc như thế nào; hành vi, thái độ và cách cư xử của họ với người dân khi tham gia giao thông ra sao mới là quan trọng.

Ở góc nhìn khác, có ý kiến cho rằng, tiêu chí cảnh sát giao thông bụng to không được ra đường làm nhiệm vụ của Bộ Công an cũng là một động lực để các chiến sĩ giữ gìn sức khỏe và chăm tập luyện thể dục thể thao...

Chức năng của cảnh sát giao thông là tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn, phân làn, xử phạt... Nhưng phải thẳng thắn rằng, trong quá trình thực thi nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát giao thông còn có không ít "điều tiếng", thậm chí có những vụ việc tiêu cực... Cũng bởi vậy, việc người dân ít có thiện cảm với cảnh sát giao thông là điều dễ hiểu chứ không hẳn do bụng to hay nhỏ. Mấu chốt của vấn đề ở đó. Cảnh sát giao thông dù bụng to nhưng cách xử lý công việc hàng ngày "chuẩn chỉ", có lý có tình, người tham gia giao thông "tâm phục, khẩu phục" thì dù có béo bụng hay không vẫn rất thiện cảm, vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Vậy nên cái chính ở đây là ngoài cải thiện hình ảnh bền ngoài, cần thiết phải có những thay đổi về "chất", đó là giải quyết những tồn tại gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp mới là quan trọng. Như ý kiến của đại diện Cục Cảnh sát giao thông là việc xây dựng tiêu chí về sức khỏe chỉ là nội dung nhỏ, quan trọng là việc đổi mới toàn diện, đặc biệt là văn hóa ứng xử, kỹ năng xử lý tình huống sao cho mềm mại, linh hoạt mà vẫn bảo đảm đúng pháp luật, được người dân ủng hộ, tuân thủ.

Khương Ninh