Dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025

Quan trọng là xác định được giải pháp cụ thể

- Chủ Nhật, 26/09/2021, 06:36 - Chia sẻ
Tại Hội thảo tham vấn về dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, các đại biểu thống nhất cho rằng, cơ sở pháp lý cho khu vực kinh tế tư nhân hoạt động và phát triển đã được hoàn thiện một bước trong nhiệm kỳ vừa qua, góp phần quan trọng để khu vực kinh tế này đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhưng, tác động của dịch bệnh Covid-19 đã và sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu này trong giai đoạn tới. Do vậy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn đặt vấn đề, cần cân nhắc việc điều chỉnh mục tiêu số lượng doanh nghiệp đang hoạt động đến năm 2025 hay đầu tư xác định giải pháp hữu hiệu để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Đạt kỷ lục cả về số lượng và số vốn đăng ký mới

Số lượng doanh nghiệp đang hoạt động thực chất trong nền kinh tế là một trong 5 mục tiêu không hoàn thành khi thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2020 có ít nhất một triệu doanh nghiệp thực tế đang hoạt động trong nền kinh tế, song theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì mới đạt khoảng 812 nghìn doanh nghiệp.

Tuy nhiên, với việc hoàn thiện cơ sở pháp lý cho khu vực kinh tế tư nhân hoạt động, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần ghi nhận việc số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục cả về số lượng và số vốn đăng ký trong giai đoạn vừa qua. Cụ thể, theo dự thảo Kế hoạch, số doanh nghiệp thành lập mới trong giai đoạn 2016 - 2020 mỗi năm khoảng 130 nghìn doanh nghiệp. Doanh nghiệp ngoài nhà nước thu hút 20,2 triệu tỷ đồng vốn cho sản xuất, kinh doanh, chiếm 56,3% vốn của toàn bộ các doanh nghiệp trong nước, tăng 116,7% so với giai đoạn 2011 - 2015.

Xét về chất lượng hoạt động của khu vực doanh nghiệp này, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Hoa Cương cho biết, khu vực kinh tế tư nhân có đóng góp quan trọng trong sự phát triển của một số ngành, lĩnh vực như du lịch, sản xuất ô tô, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại hiện đại, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục và các khu đô thị. Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp tư nhân trong nước quy mô lớn ngày càng nhiều hơn, khi năm 2017 có 286 doanh nghiệp và năm 2019 có 291 doanh nghiệp tư nhân nằm trong Danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Trong khi đó, năm 2007, số lượng doanh nghiệp tư nhân nằm trong Danh sách này chỉ đạt 103 doanh nghiệp.

Những kỷ lục về số lượng và số vốn của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt được, theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là do có nhiều chính sách, giải pháp cụ thể, thiết thực thúc đẩy kinh tế tư nhân, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số. Trong đó, các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được báo cáo của bộ quản lý ngành nhận định “đã phát huy tác dụng, tạo được niềm tin của nhà đầu tư, từ đó thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân, cải thiện hiệu quả chung của nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng”.

Bên cạnh những hoạt động thực tế nhằm cải thiện xếp hạng môi trường đầu tư kinh doanh của cơ quan thực thi pháp luật, nhiều chuyên gia tham dự Hội thảo cho rằng, việc Quốc hội ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Đầu tư theo phương thức hợp tác công tư (PPP)... đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn nhận định, các đạo luật này đã góp phần xây dựng môi trường cạnh tranh minh bạch, công bằng, bình đẳng, thuận lợi, giảm chi phí liên quan đến quản lý nhà nước, giảm rủi ro thể chế đối với khu vực doanh nghiệp.

Toàn cảnh hội thảo    

Đại dịch Covid-19 có tác động không nhỏ

Bên cạnh việc chưa hoàn thành chỉ tiêu về số lượng doanh nghiệp hoạt động thực chất trong nền kinh tế, thì khu vực tư nhân chưa đáp ứng được vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế. Dù đã có những doanh nghiệp quy mô lớn, song, nhìn chung doanh nghiệp tư nhân chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trình độ quản trị và công nghệ lạc hậu. Doanh nghiệp tư nhân có khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động thấp, mức độ sẵn sàng liên kết với khu vực đầu tư nước ngoài hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của chuỗi giá trị sản xuất khu vực và toàn cầu.

Sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân cũng đứng trước một thách thức mới, khi đợt bùng phát thứ tư của đại dịch Covid-19 ở nước ta đã tác động đến nhiều trung tâm kinh tế, đô thị lớn, ảnh hưởng đến quá trình cơ cấu lại các ngành nghề, lĩnh vực và các chủ thể, trong đó có khu vực này. Dịch bệnh và việc áp dụng các biện pháp giãn cách để chống dịch đã làm gián đoạn chuỗi sản xuất, đặc biệt ở khu vực các tỉnh phía Nam. Nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất không thể hoạt động, hoặc hoạt động một phần, hạn chế năng lực sản xuất. Doanh nghiệp trong nhiều ngành bị ảnh hưởng nặng nề, đòi hỏi phải được hỗ trợ kịp thời để tồn tại, trước khi phục hồi và phát triển.

Trong bối cảnh đó, dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu: Phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025, trong đó, từ 60 - 70 nghìn doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn. Đồng thời, tăng cường chuyển đổi số trong các doanh nghiệp trên các ngành, lĩnh vực để nâng cao năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp, cũng như của cả nền kinh tế. Hình thành, phát triển một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh trong khu vực, quốc tế, dẫn dắt các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.

Do tác động của dịch bệnh Covid-19, dự kiến số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu nêu trên nếu dự thảo Kế hoạch được thông qua. Cảnh báo nguy cơ này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Minh Sơn cho rằng, cần làm rõ nguyên lý để đưa ra mục tiêu số doanh nghiệp hoạt động thực chất trong nền kinh tế, thậm chí có thể cân nhắc điều chỉnh mục tiêu này, cũng như số lượng doanh nghiệp quy mô vừa và lớn tương ứng.

Quan trọng hơn, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Minh Sơn, phải đưa ra được giải pháp cụ thể và hiệu quả để hiện thực hóa mục tiêu đề ra. Theo đó, phải xác định được giải pháp nào để thúc đẩy hệ thống sinh thái khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế? Giải pháp nào để nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, mức độ sẵn sàng liên kết với khu vực đầu tư nước ngoài, đáp ứng yêu cầu của chuỗi giá trị sản xuất khu vực và toàn cầu?...

Những câu hỏi này trên thực tế từng được đặt ra khi tổng kết, đánh giá giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của một số năm khi mà kinh tế trong nước và thế giới có biến động đặc biệt. Các đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), Vũ Tiến Lộc (Hà Nội), Nguyễn Văn Thân (Thái Bình)... từng nhiều lần đặt vấn đề về chính sách thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển và hội nhập tại các phiên họp toàn thể của Quốc hội. Tuy nhiên, trong dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2015 dường như mới nêu tên giải pháp. Các công việc cần thực hiện cả ở lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp, hay những nút thắt cần tháo gỡ... chưa được cụ thể rõ. Đây là những vấn đề cần được quan tâm, bổ sung, hoàn thiện trong thời gian tới để bảo đảm tính khả thi của Kế hoạch khi được thông qua.

Lê Bình