Đồng Nai xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch

Quảng bá kết hợp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

- Thứ Tư, 28/10/2020, 06:56 - Chia sẻ
Thời gian qua, nhiều sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa sinh thái nông nghiệp vùng, miền độc đáo, chất lượng, đã được khai thác một cách bài bản, có định hướng, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách. Thực tế, ở Đồng Nai mô hình du lịch kết hợp sinh thái nông thôn đã được phát triển từ lâu và đã mang lại những hiệu quả nhất định.

Phát huy lợi thế sẵn có

Năm 2018, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới (NTM) Trung ương và Tổng cục Du lịch đã ký kết Chương trình phối hợp xây dựng Đề án và Bộ tiêu chí OCOP cho các sản phẩm dịch vụ du lịch, tiêu chí các làng Văn hóa du lịch, hướng dẫn các địa phương trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch, khẳng định vai trò quan trọng của du lịch với chương trình OCOP. Năm 2019, Đồng Nai bắt đầu triển khai, đến cuối năm 2019, toàn tỉnh Đồng Nai đã có 17 sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn OCOP, dự kiến cuối năm nay, Đồng Nai sẽ có trên 50 sản phẩm OCOP. Hiện nay, các sở ngành, địa phương tiếp tục hỗ trợ xây dựng, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Sản phẩm bột ca cao 3 trong 1 của Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán) là sản phẩm OCOP hạng 5 sao đầu tiên và cũng là sản phẩm nông sản du lịch tiêu biểu của Đồng Nai

Đồng Nai có thuận lợi về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên cũng như những giá trị văn hóa - lịch sử giàu bản sắc dân tộc kết hợp với các mô hình sản phẩm đặc trưng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách. Toàn tỉnh Đồng Nai có khoảng trên 60 điểm du lịch, trong đó các điểm du lịch sinh thái chiếm đa số. Du lịch sinh thái ở Đồng Nai đa dạng, phong phú về mặt tự nhiên và sinh học. Một trong những thế mạnh, sức hấp dẫn của du lịch sinh thái ở Đồng Nai là mỗi nơi đều có nét riêng của mình, vừa có sắc thái vùng sông nước miền Tây lại vừa có đặc trưng của miền Đông Nam Bộ.

Bên cạnh những lợi thế về tự nhiên, Đồng Nai còn là nơi hội nhập, dung hợp nhiều giá trị văn hóa, xã hội; tập trung nhiều di tích lịch sử, văn hóa và các điểm du lịch tiềm năng. Trong quá trình hình thành và phát triển, Đồng Nai có nhiều ngành nghề truyền thống với những sản phẩm mang đậm nét văn hóa - bản sắc dân tộc, nhiều làng nghề thủ công được phát triển và gắn với du lịch như nghề dệt thổ cẩm; nghề đúc gang, nghề làm gốm…

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường cho biết, thế mạnh của Đồng Nai là rừng, sông Đồng Nai cũng rất đẹp để phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu vui chơi của người dân trong tỉnh và lượng khách lớn từ TP Hồ Chí Minh từ đó kết nối, tổ chức sự kiện, hội chợ để quảng bá, tiếp thị để tạo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Đây được xem là phương thức “cộng sinh” phát triển sản phẩm tối ưu và truyền thông đồng thời cho nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh.

Tăng giá trị sản phẩm OCOP

Hiện nay, nhiều chủ thể, HTX nông nghiệp có sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) đã kết nối các điểm du lịch, trạm dừng chân để mở rộng các kênh tiêu thụ, quảng bá sản phẩm đến khách hàng.

Nhiều trạm dừng chân đã được đầu tư xây dựng trên các tuyến quốc lộ, các tuyến đường kết nối vào các khu, điểm du lịch của tỉnh. Điều này góp phần quảng bá, phân phối các sản phẩm đặc sản của địa phương, trong đó có sản phẩm OCOP. Để được chứng nhận sản phẩm OCOP, các sản phẩm phải đạt nhiều tiêu chí về sức mạnh cộng đồng, khả năng tiếp thị, chất lượng sản phẩm, môi trường, bảo đảm các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm... Động lực to lớn để các cơ sở sản xuất phấn đấu đạt chuẩn OCOP chính là đầu ra ổn định của nông sản.

Theo ông Trần Lâm Sinh - Phó Giám đốc Sở NN - PTNT Đồng Nai: “Hiện nay các sản phẩm OCOP rất đạt về mẫu mã, chất lượng ổn định và tiềm năng được khơi dậy rất tốt, có khả năng xuất khẩu, cạnh tranh với các thị trường trong khu vực. Ngoài những giải pháp lâu nay đã triển khai như thực hiện chu trình đánh giá hàng năm, tuyên truyền nhận thức, hướng dẫn các chủ thể triển khai thì sắp tới Sở NN - PTNT sẽ đề xuất với UBND tỉnh triển khai nội dung tư vấn, hỗ trợ chuyên sâu về quảng bá, giới thiệu sản phẩm với định hướng xây dựng thương hiệu toàn quốc và được thị trường quốc tế công nhận nhằm mang lại hiệu quả kinh tế bền vững”.

Quốc lộ 20 là tuyến đường huyết mạch kết nối từ TP Hồ Chí Minh đi Đà Lạt. Các huyện trải dài theo tuyến quốc lộ này cũng có nhiều điểm du lịch thu hút khách như: Vườn quốc gia Cát Tiên, công viên Suối Mơ (huyện Tân Phú), thác Mai, quần thể Đá ba chồng (huyện Định Quán)... Dọc theo tuyến quốc lộ này “rộ” các trạm dừng chân thu hút khá đông du khách trong và ngoài tỉnh. Nắm bắt được điều này, nhiều cơ sở, doanh nghiệp đã phát triển hệ thống phân phối các sản phẩm để cung ứng phục vụ khách du lịch. Một số doanh nghiệp còn chủ động xây dựng các điểm dừng chân để vừa quảng bá sản phẩm, vừa phát triển du lịch sinh thái vườn ở địa phương. Ông Đặng Tường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (xã Phú Hòa, huyện Định Quán) đã mở Khu dịch vụ thương mại, du lịch Thế giới ca cao.

“Đây là điểm dừng chân phục vụ du khách tham quan vườn ca cao, trực tiếp được giới thiệu quá trình từ khâu thu hái trái, các bước sơ chế đến khâu chế biến rượu, chocolate và các sản phẩm khác từ trái ca cao; thưởng thức những món đặc sản chế biến từ trái ca cao, mua quà tặng... Đồng thời, đây còn là nơi để quảng bá các sản phẩm đạt chuẩn OCOP của công ty. Hiện nay, vào những mùa cao điểm du lịch, mỗi tháng điểm tham quan, du lịch Thế giới ca cao của công ty thu hút khoảng 40 nghìn lượt khách” - ông Khanh chia sẻ.

Ông Võ Tuấn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú nhấn mạnh, một trong những định hướng của huyện trong thời gian tới để phát triển du lịch là phát triển các sản phẩm nông nghiệp như trồng rau sạch, vườn trái cây chất lượng cao, các sản phẩm OCOP để đáp ứng nhu cầu mua sắm và kích cầu du lịch, gắn phát triển du lịch cộng đồng với hoạt động xây dựng nông thôn mới nâng cao, kết nối nông sản địa phương với các khu, điểm du lịch trên địa bàn. Việc kết nối sản phẩm OCOP vào hoạt động du lịch vừa góp phần phát triển du lịch của địa phương, vừa xây dựng, quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của các huyện.

Ông Lê Văn Lộc - Phó Giám đốc Sở Công thương Đồng Nai cho biết, bên cạnh xây dựng showroom trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh; thí điểm mở gian hàng dành cho sản phẩm OCOP của tỉnh tại siêu thị, trung tâm thương mại, trong thời gian tới, Sở dự kiến sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan mở các gian trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

Phát triển du lịch gắn với chương trình OCOP là bước đi đúng cần được nhân rộng để từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc. Chính vì vậy mô hình này cần được sự quan tâm hơn nữa từ các cơ quan, ban, ngành đồng hành người dân, doanh nghiệp trong tháo gỡ những khó khăn từ thủ tục, nguồn vốn… để cùng phát triển nội lực và gia tăng giá trị của các sản phẩm nông nghiệp.

Việt Anh