Quảng Bình hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn

- Chủ Nhật, 07/11/2021, 18:33 - Chia sẻ
Trong khuôn khổ Dự án “Phòng ngừa thương tích và giảm thiểu những tác động bất lợi về kinh tế - xã hội của nạn nhân bom mìn” năm 2021, ngày 5 - 6.11 vừa qua, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình đã trao hỗ trợ sinh kế cho các gia đình nạn nhân bom mìn có hoàn cảnh khó khăn tại xã Duy Ninh và Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh).
Nguồn: ITN

Cụ thể, 10 hộ dân là nạn nhân bom mìn có hoàn cảnh khó khăn tại xã Duy Ninh và Vạn Ninh đã được hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ. Với số tiền này, các hộ gia đình sẽ mua trâu, bò giống phục vụ sản xuất theo hướng dẫn của Hội Chữ thập đỏ và ngành nông nghiệp. Con giống người dân chọn mua được ngành thú y địa phương kiểm tra và xác nhận khỏe mạnh, không có bệnh, có khả năng sinh sản…

Bà Đặng Thị Dung (sinh năm 1947, trú ở thôn Trung Quán, xã Duy Ninh) xúc động khi được nhận hỗ trợ sinh kế cải thiện cuộc sống từ Dự án “Phòng ngừa thương tích và giảm thiểu những tác động bất lợi về kinh tế - xã hội của nạn nhân bom mìn” năm 2021. “Từ món quà ý nghĩa này, gia đình đã chọn mua một con bò cái giống khỏe mạnh đáp ứng các tiêu chí yêu cầu. Rất may là con bò mới mua đã có bầu 3 tháng, chúng tôi sẽ cố gắng chăm sóc tốt cũng như thực hiện đúng theo cam kết và hướng dẫn”, bà Dung chia sẻ.

Bà Phạm Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Quảng Ninh cho biết, hoạt động hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom, mìn, vật liệu nổ sẽ góp phần tạo động lực, niềm tin giúp cho những hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi bom, mìn có điều kiện vươn lên phát triển sinh kế, từng bước tự tin hòa nhập cộng đồng, từng bước thoát nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Để phát huy hiệu quả, Hội Chữ thập đỏ huyện, xã đã có kế hoạch đồng hành với bà con trong quá quá trình chăn nuôi, bảo đảm công tác thú y lâu dài giúp các hộ chăm sóc và phát triển vật nuôi hiệu quả, đúng mục đích.

Công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Quảng Bình nói chun  và việc chung tay hỗ trợ, tạo sinh kế cho nạn nhân bom mìn nói riêng có ý nghĩa lớn trong ổn định tâm lý người dân, giúp bà con thực sự yên tâm phát triển sản xuất. Bởi lẽ, trong chiến tranh, Quảng Bình là trọng điểm của các trận đánh quyết liệt, vì vậy phải hứng chịu nhiều bom, mìn, vật nổ.

Theo số liệu điều tra của Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (Bộ Tư lệnh Công binh), toàn tỉnh Quảng Bình có 159/159 xã, phường, thị trấn bị ô nhiễm bom mìn, với tổng diện tích ô nhiễm lên tới gần 225 nghìn hecta (ước tính, mỗi 1m2 đất bị nhiễm khoảng 29kg vật liệu chưa nổ gây nguy hiểm cho người dân). Trong đó, TP. Đồng Hới 7.718ha, huyện Minh Hóa 39,2 nghìn hecta, huyện Tuyên Hóa 24,2 nghìn hecta, huyện Quảng Trạch 19,3 nghìn hecta (bao gồm cả thị xã Ba Đồn hiện nay), huyện Bố Trạch 38,4 nghìn hecta, huyện Quảng Ninh 46 nghìn hecta, huyện Lệ Thủy 49,8 nghìn hecta.

Từ sau hòa bình lập lại (năm 1975) đến nay, Quảng Bình có 5.847 người chết và bị thương. Trong 10 năm trở lại đây, toàn tỉnh xảy ra 164 vụ tai nạn do bom mìn, vật nổ gây ra, làm chết 49 người và bị thương 115 người. Phần lớn nạn nhân bom mìn, vật nổ đều là lao động chính trong gia đình hoặc lứa tuổi vị thành niên hoặc thanh niên, nhiều nạn nhân tuy sống sót nhưng trở thành gánh nặng suốt đời của gia đình và xã hội.

Chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình cùng một số tổ chức phi Chính phủ đã tiến hành hàng loạt các hoạt động thu gom, rà phá bom, mìn, vật nổ. Tuy nhiên, do thiếu các nguồn lực và trang bị nên mới chỉ dừng lại ở mức thu gom các loại bom mìn, vật nổ vương vãi trên mặt đất và rà phá ở một số nơi trọng điểm. Đến nay, cả đất đai và con người Quảng Bình vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh.

Đức Kiên