Quảng Ngãi hỗ trợ nạn nhân bom mìn

- Thứ Năm, 11/11/2021, 06:57 - Chia sẻ
Gánh chịu hậu quả nặng nề bởi ô nhiễm bom mìn, thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ nạn nhân bom mìn có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời tổ chức các chương trình truyền thông phòng tránh và giảm thiểu tác hại của bom mìn bằng nhiều hình thức.

Trao sinh kế

Quảng Ngãi là một trong những địa phương gánh chịu hậu quả nặng nề bởi ô nhiễm bom mìn. Theo số liệu thống kê, tỉnh có trên 20% diện tích đất tự nhiên bị ô nhiễm với hơn 17.500 tấn bom còn sót lại trong lòng đất, ao hồ, ven biển. Tính từ năm 1975 đến nay, toàn tỉnh có gần 2.300 nạn nhân bị tai nạn do bom mìn sau chiến tranh, trong đó, có gần 1.400 người chết; gần 1.600 người bị thương tật. Phần lớn các nạn nhân là trụ cột chính đã trở thành gánh nặng cho gia đình, người thân; vì vậy, họ rất cần được sẻ chia để có thêm động lực vượt qua nỗi đau, mất mát, tiếp tục sống có ích.

	Các em điểm Trường Tiểu học xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành tham gia vở kịch kể chuyện về tai nạn bom mìn
Các em điểm Trường Tiểu học xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành tham gia vở kịch kể chuyện về tai nạn bom mìn

Trước thực trạng trên, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã có nhiều hoạt động nhằm trao sinh kế, giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn do bị ảnh hưởng bởi tai nạn bom mìn, vật liệu nổ gây ra có điều kiện phát triển sinh kế, từng bước vươn lên thoát nghèo. Mới đây nhất, trong khuôn khổ Dự án “Phòng ngừa thương tích và giảm thiểu những tác động bất lợi đối với nạn nhân bom mìn” năm 2021, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã trao hỗ trợ sinh kế cho 10 hộ gia đình nạn nhân bom mìn tại 2 xã Tịnh Sơn và Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh. Mỗi hộ gia đình được hỗ trợ 10 triệu đồng để chăn nuôi và buôn bán nhỏ.

Theo đại diện Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Quảng Ngãi có khoảng 500 nạn nhân bị tai nạn do bom mìn có hoàn cảnh khó khăn. Từ năm 2018 đến nay, Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp với Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế để trao sinh kế cho họ. Riêng năm 2020, đã hỗ trợ sinh kế cho 12 hộ, trị giá 12 triệu đồng/hộ. Việc trao sinh kế cũng được rà soát, xác minh đúng người, đúng đối tượng được thụ hưởng nên đã giúp cho rất nhiều nạn nhân gây dựng lại cuộc sống tốt hơn sau tai nạn do bom mìn.

Cùng với đó, Hội Hỗ trợ, khắc phục hậu quả bom mìn tỉnh Quảng Ngãi, bằng nhiều nguồn vận động, đã hỗ trợ cho 55 trường hợp là nạn nhân của bom mìn trong 3 năm 2016 - 2018. Năm 2019 - 2020, Hội cũng tiếp tục hỗ trợ cho 40 trường hợp là nạn nhân của bom mìn, giúp họ phát triển kinh tế. Tháng 4.2021, Hội hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho 20 nạn nhân do bom mìn bị thiệt hại do bão số 9 năm 2020; hỗ trợ sinh kế cho 20 hộ; tặng 50 chiếc xe đạp cho gia đình các nạn nhân; đồng thời phối hợp với các tổ chức thiện nguyện khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 500 nạn nhân do bom mìn trên địa bàn tỉnh. Từ khi được thành lập (2016) đến nay, Hội đã vận động được khoảng 1,3 tỷ đồng để hỗ trợ cho các nạn nhân bị bom mìn trên địa bàn tỉnh.

Tăng truyền thông

Song song với công tác hỗ trợ sinh kế, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã phối hợp với Văn phòng Điều phối dự án “Phục hồi môi trường và khắc phục hậu quả chiến tranh” tổ chức các chương trình truyền thông phòng tránh và giảm thiểu tác hại của bom mìn bằng nhiều hình thức; tập huấn phòng tránh và giảm thiểu tác hại của bom mìn trong trường học, khu dân cư...

Cụ thể, tháng 4 vừa qua, Hội đã tổ chức chương trình “Rung chuông vàng”, thi vẽ tranh về bom mìn và kết hợp các trò chơi dân gian cho các em học sinh 5 Trường Tiểu học trên địa bàn 4 xã Hành Thịnh, Hành Phước, Hành Đức và Hành Trung (huyện Nghĩa Hành), qua đó tạo không khí vui chơi sôi nổi cho các em háo hức tham gia tìm hiểu về tác động của bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh và cách phòng tránh.

Cùng với đó, Hội Chữ thập đỏ tỉnh cùng Ban quản lý dự án triển khai các hoạt động truyền thông tại 2 huyện Ba Tơ và Nghĩa Hành, với mục tiêu nâng cao nhận thức của trẻ em và người lớn về hiểm họa bom, mìn và trang bị hành vi an toàn; giảm thiểu tai nạn do bom, mìn gây ra thông qua việc duy trì mạng lưới báo cáo thông tin phát hiện bom, mìn tại cộng đồng và triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức về nguy cơ bom, mìn cho người dân, giúp thu thập thông tin phát hiện bom, mìn tại cộng đồng để chuyển đến cơ quan chức năng xử lý an toàn.

Đây là chương trình phù hợp với thực tế, nhằm tăng cường công tác giáo dục, truyền thông về tác hại của bom mìn trong cộng đồng dân cư và trường học, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người, về kinh tế - xã hội do bom mìn sau chiến tranh cho người dân và các em học sinh.

Đức Kiên