“Quốc hội đang sát cánh cùng doanh nghiệp”

- Thứ Hai, 25/10/2021, 07:02 - Chia sẻ
Trong chưa đầy một tháng (từ 24.9 - 19.10), Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên tiếp ban hành các nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Đại diện các doanh nghiệp nhìn nhận, Quốc hội đang thực sự sát cánh cùng doanh nghiệp.

Kịp thời “cung cấp oxy” cho doanh nghiệp

Hơn một năm nay, Công ty Du lịch quốc tế châu Á Thái Bình Dương (APT Travel) phải tái cấu trúc, cắt giảm tối đa chi phí và nhân viên để có thể trụ lại trong cơn bão Covid. Doanh thu không có, trong khi tiền lương trả cho mấy chục nhân viên để giữ chân họ chờ ngày tái hoạt động, tiền trả lãi và nợ gốc ngân hàng, chi phí thuê trụ sở… lên tới hàng tỷ đồng khiến Tổng Giám đốc Nguyễn Hồng Đài luôn phải căng mình tìm cách xoay xở. Thế nhưng, gần một tháng nay, “mớ bòng bong” cũng được gỡ phần nào.

	Liên tiếp các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động được ban hành cho thấy Quốc hội đang thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp. Minh họa ITN

Liên tiếp các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động được ban hành cho thấy Quốc hội đang thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp.

Nguồn: ITN

Ông Đài xác nhận: Hầu hết lao động trong công ty đều thuộc đối tượng nhận hỗ trợ từ nguồn 30.000 tỷ đồng kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 03/2021/UBTVQH15 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ban hành ngày 24.9 vừa qua.

Không những thế, doanh nghiệp sẽ được giảm 30% số thuế thu nhập năm 2021; giảm thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 1.11 - 31.12.2021; được miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và 2021 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo tinh thần Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch, ban hành ngày 19.10.2021 (Nghị quyết 406). “Đây là sự động viên rất có ý nghĩa đối với chúng tôi! Số tiền hỗ trợ chắc chắn giúp doanh nghiệp giảm tải phần nào gánh nặng tài chính và giúp người lao động có thêm thu nhập”, ông Đài chia sẻ.

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh Phạm Phú Trường cho biết, sau 5 tháng gần như “đóng băng” các hoạt động do Covid-19, hầu hết doanh nghiệp thành viên rơi vào tình trạng “thiếu oxy” bởi không có doanh thu hoặc doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, dòng tiền cạn kiệt. “Nghị quyết 03 và mới nhất là Nghị quyết 406 thực sự tạo nguồn oxy cho doanh nghiệp, giúp nhiều doanh nghiệp có cơ hội hồi sinh”, ông Trường tin tưởng.

Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam Cao Chí Công bình luận, trong bối cảnh chúng ta xác định “sống chung an toàn với Covid-19”, các doanh nghiệp rục rịch quay trở lại hoạt động nhưng thiếu hụt nguồn tiền nghiêm trọng. Các chính sách hỗ trợ như người sử dụng lao động được giảm mức đóng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống bằng 0% quỹ lương hàng tháng trong thời gian 12 tháng rất cần thiết. Điều này “không chỉ mang tính chất đồng hành với doanh nghiệp mà còn bảo đảm được vấn đề an sinh xã hội cho người lao động, bởi họ là yếu tố cốt lõi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh”.

Trước đó, ngày 6.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 268 cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, theo đó ngân sách sẽ chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh liên quan trực tiếp đến điều trị Covid-19. “Mặc dù nguồn lực của Nhà nước có hạn, song với những chính sách hỗ trợ này đã thực sự như liều thuốc giúp doanh nghiệp có thể duy trì mục tiêu kép. Đặc biệt, việc chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành liên tiếp các nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động chịu tác động của dịch Covid-19 cho thấy Quốc hội đang thực sự đồng hành với Chính phủ, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân”, ông Phạm Phú Trường nói.

Vẫn cần kế hoạch tổng thể

Dẫn kết quả khảo sát từ hơn 21.500 doanh nghiệp, hộ kinh doanh của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) công bố gần đây, ông Phạm Phú Trường cho biết: Có tới 69% cho biết phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh do dịch, phần lớn đây là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. 16% vẫn cố gắng duy trì sản xuất, kinh doanh một phần và còn lại đã giải thể. 40% đơn vị tạm dừng kinh doanh vì Covid-19 cho biết chỉ đủ tiền duy trì hoạt động dưới 1 tháng. Doanh nghiệp còn "đủ lực" để "sống" trong 1 - 3 tháng khoảng 46%...

Từ thống kê trên, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh cho rằng, vẫn cần một kế hoạch tổng thể để khôi phục, phát triển kinh tế, trong đó có các chính sách hỗ trợ mang tính dài hơi hơn đối với doanh nghiệp. “Tới đây, nhiều doanh nghiệp sẽ có nhu cầu vay vốn để tăng cường sản xuất kinh doanh. Nếu có một gói hỗ trợ cấp bù lãi suất, chắc chắn sẽ giúp giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt có tác dụng với những doanh nghiệp vay nhiều vốn”, ông Trường nêu ý kiến.

Còn theo ông Nguyễn Hồng Đài, tới đây, cần xem xét các chính sách về gia hạn nợ thuế cho doanh nghiệp ở thời điểm trước dịch. “Như doanh nghiệp của tôi vừa rồi nợ thuế tồn lại hơn 400 triệu đồng. Để xuất được hóa đơn buộc doanh nghiệp phải xoay xở trả hết nợ cũ, càng kẹt nguồn tiền hoạt động. Nếu được tháo gỡ gia hạn khoản nợ này doanh nghiệp sẽ bớt khó khăn. Đồng thời, cần bảo lãnh cho doanh nghiệp được vay kể cả khi có nợ xấu trong đại dịch từ năm 2020 hoặc ít nhất là trong năm 2021”.

Giám đốc Công ty Trà Vinh Farm Phạm Đình Ngãi bổ sung, nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ đang chật vật trụ lại. “Sản xuất là chìa khóa để phục hồi kinh tế. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác triển khai chính sách hỗ trợ tại các địa phương để hỗ trợ đúng người, đúng thời điểm”.

Đ. Thanh - M. Trang