Quốc hội Khóa XIV - một nhiệm kỳ thành công

- Thứ Ba, 16/03/2021, 08:41 - Chia sẻ
Cho ý kiến về dự thảo Báo cáo tổng kết hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XIV tại phiên họp sáng 15.3, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định: Quốc hội đã có một nhiệm kỳ thành công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó. Thực tiễn hoạt động của Quốc hội cũng cho thấy, tính dân chủ đã được phát huy mạnh mẽ, Quốc hội đã chuyển mạnh từ tham luận là chủ yếu sang thảo luận và tranh luận đúng như thông điệp mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đưa ra ngay từ đầu nhiệm kỳ.

Chuyển mạnh từ tham luận sang thảo luận, tranh luận

Đánh giá lại nhiệm kỳ hoạt động của Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặc biệt quan tâm đến công tác lập pháp. Trình bày dự thảo Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ Khóa XIV của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, xác định hoạt động lập pháp là nhiệm vụ trọng tâm, Quốc hội Khóa XIV đã tập trung ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và tiếp tục cụ thể hóa, đưa Hiến pháp năm 2013 vào đời sống.

Trong 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật đã được thông qua, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, có những đạo luật giữ vị trí, vai trò nền tảng trong hệ thống pháp luật, có những luật hoặc chính sách mới lần đầu tiên được ban hành, tác động lớn, toàn diện, sâu sắc đến đời sống kinh tế - xã hội, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn; nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách mang tính đột phá, thể hiện tính kịp thời, sự quyết liệt, tạo hành lang pháp lý về đổi mới tổ chức bộ máy, phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết vướng mắc, bất cập trong thực tiễn. 

Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở những con số nêu trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý, cần làm rõ hơn hoạt động lập pháp của Quốc hội thời gian qua đã góp phần khẳng định được yếu tố hoàn thiện thể chế và là một khâu đột phá của quá trình phát triển đất nước như thế nào. Đồng thời, hoạt động lập pháp đã góp phần tiếp tục thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 trên 4 định hướng lớn gồm: Hoàn thiện thể chế của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; hoàn thiện tổ chức, bộ máy của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân; hội nhập quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh. “Với các hướng này, phải đánh giá những cái được, chưa được. Những đổi mới về quy trình lập pháp thế nào thì được thể hiện qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cách làm luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Về đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội, nhiều cử tri, người dân và đại biểu Quốc hội có nhận định giống như dự thảo Báo cáo đưa ra, đó là, có nhiều cải tiến mạnh mẽ từ cách thức tổ chức đến tiến hành các kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội có bước tiến đột phá. Với Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy, đổi mới để lại ấn tượng sâu sắc nhất đến từ việc thực hiện thông điệp được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đưa ra từ đầu nhiệm kỳ: Chuyển từ Quốc hội tham luận là chủ yếu sang một Quốc hội thảo luận và tranh luận.

Khẳng định đây không phải là một nhận xét chủ quan, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy nhấn mạnh, quá trình chuyển từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội thảo luận và tranh luận cũng đã để lại nhiều ấn tượng với đại biểu Quốc hội các nhiệm kỳ trước. Nhiều đại biểu Quốc hội các khóa trước chia sẻ, họ rất bất ngờ khi từ Kỳ họp thứ Hai, các đại biểu, kể cả đại biểu lần đầu tham gia Quốc hội cũng đã thảo luận, tranh luận rất tích cực, sâu sắc, như các đại biểu đã dày dạn kinh nghiệm. "Tranh luận ngày càng gọn, rõ. Thảo luận sâu sắc, hỏi ngắn gọn, rõ ràng”, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp  

Ảnh: Lâm Hiển 

Đáp ứng mong mỏi và nguyện vọng của Nhân dân 

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã phân tích, làm rõ hơn các kết quả nổi bật trong thực hiện chức năng giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia, phương thức hoạt động, trong mối quan hệ công tác của Quốc hội. Trong quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia, không chỉ đưa ra công trình quan trọng, có tầm ảnh hưởng lâu dài với quá trình phát triển đất nước, điểm mới nổi bật hơn, rõ hơn, khác biệt hơn các khóa trước là ngay từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội đã đưa ra thảo luận, xem xét, quyết định Chương trình đầu tư công trung hạn 5 năm. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, việc Quốc hội xem xét, quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn giúp chúng ta hình thành được những dự án, công trình quan trọng quốc gia, những dự án mà Nhà nước phải đầu tư ngân sách trong cả nhiệm kỳ. Qua đó, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, công bằng, công khai, minh bạch, có sự giám sát của 63 Đoàn đại biểu Quốc hội, tức là của cử tri và Nhân dân, chống được những hiện tượng như cơ chế xin - cho và cả những tồn tại mà trước đây cử tri, Nhân dân chưa bằng lòng.

Đánh giá khái quát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nhiệm kỳ Khóa XIV là một nhiệm kỳ thành công và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao cho. Điều này có thể thấy trọn vẹn qua 10 kỳ họp vừa qua của Quốc hội, cũng như các phiên họp hàng tháng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Có những lúc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải họp đột xuất để giải quyết những nhu cầu đột xuất của đất nước, yêu cầu của Chính phủ để bảo đảm cho sự vận hành của Nhà nước, của đất nước không bị ách tắc.

Ngoài ra, theo Chủ tịch Quốc hội, thành công này cũng thể hiện qua việc tính dân chủ được phát huy rất mạnh mẽ, dân chủ trong kỷ cương, theo quy định của Hiến pháp, pháp luật. Trong các nhiệm kỳ trước đã có những ý kiến tranh luận, song thể hiện chưa rõ bằng nhiệm kỳ này. Trước đây, đại biểu Quốc hội muốn tranh luận lại sẽ phải đăng ký, khi đó, tên nằm cuối ở bản danh sách đăng ký phát biểu sẽ khó có cơ hội để thực hiện. Nhưng trong nhiệm kỳ Khóa XIV, các đại biểu Quốc hội được tạo điều kiện đăng ký tranh luận ngay, giúp không khí hội trường rất cởi mở. Từ không khí làm việc dân chủ, cởi mở tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, đã có nhiều ý kiến phân tích rất sâu sắc, đáp ứng được sự mong mỏi và nguyện vọng của Nhân dân được đưa ra. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là những ý kiến chứa hơi thở cuộc sống, được đại biểu Quốc hội nắm bắt qua những lần tiếp xúc cử tri, trong hoạt động thường xuyên của các cơ quan Quốc hội.

Đất nước phát triển như hôm nay có sự đóng góp rất lớn của hoạt động dân cử nói chung và của Quốc hội, trong đó có Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XIV. Nhưng không chỉ dừng lại ở việc đưa ra các kết quả đã đạt được, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các thành tựu, dấu ấn của nhiệm kỳ Khóa XIV cần đánh giá sâu sắc hơn, qua đó rút ra các bài học kinh nghiệm cho nhiệm kỳ tới tiếp tục đổi mới và phát triển hơn.

Lê Bình