Quốc hội Khóa XIV - Những con số "biết nói"

- Chủ Nhật, 28/03/2021, 04:24 - Chia sẻ
Ts. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Trong gần 5 năm qua của nhiệm kỳ Khóa XIV, Quốc hội đã thực thi một khối lượng công việc cực kỳ lớn với kết quả tốt đẹp, để lại những ấn tượng khó quên trong lòng đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước. Rất nhiều con số "biết nói" đã cho thấy một nhiệm kỳ Quốc hội thực sự sôi động và hiệu quả.

Cũng như các nhiệm kỳ trước đây, hoạt động của Quốc hội Khóa XIV bắt đầu từ sự gắn bó chặt chẽ với cử tri, gắn bó mật thiết với Nhân dân, tiếp nhận những thông tin tươi mới của cuốc sống sinh động trong công cuộc đổi mới ở giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để phục vụ cho những quyết sách tại nghị trường. Tính đến sau Kỳ họp thứ Mười, các Đoàn đại biểu Quốc hội đã tổ chức gần 12.700 cuộc tiếp xúc cử tri, với gần 1,6 triệu lượt cử tri trong cả nước tham dự. Bình quân mỗi Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp xúc hơn 201 cuộc, mỗi cuộc có trên 120 cử tri tham gia với 6 - 7 kiến nghị trong mỗi cuộc.

Trong đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đã tiến hành 641 cuộc tiếp xúc cử tri, có 64.100 lượt cử tri tham dự và ghi nhận 891 ý kiến, kiến nghị. Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội đã tiến hành tới 566 cuộc tiếp xúc cử tri, có 67.900 lượt cử tri tham gia với 3.462 ý kiến, kiến nghị. Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh tiến hành 367 cuộc, có 93.914 lượt cử tri tham gia với 3.961 ý kiến, kiến nghị. Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng tiến hành 107 cuộc, có 32.000 lượt cử tri tham gia với 1.296 ý kiến, kiến nghị. Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ tiến hành 217 cuộc, có 36.360 lượt cử tri tham gia với 572 ý kiến, kiến nghị... Các ý kiến, kiến nghị của cử tri trong toàn quốc là những căn cứ thực tiễn, góp phần đắc lực vào việc xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia và lựa chọn địa bàn giám sát, quyết định chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội. 

Về công tác lập pháp, tính đến hết Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV đã thông qua 72 luật, bộ luật (năm 2016 thông qua 3 luật; năm 2017: 18 luật, bộ luật; năm 2018: 16 luật; năm 2019: 18 luật, Bộ luật; năm 2020: 17 luật) và cho ý kiến 6 dự án luật khác. Cùng với đó, Quốc hội đã ban hành 135 nghị quyết, trong đó phần lớn các nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật (năm 2016: 33 nghị quyết; năm 2017: 23 nghị quyết; năm 2018: 18 nghị quyết; năm 2019: 27 nghị quyết; năm 2020: 34 nghị quyết). 

Trong số 135 nghị quyết đã được Quốc hội ban hành, có nhiều nghị quyết quyết định những vấn đề đặc biệt quan trọng của đất nước. Đó là: Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và kế hoạch hàng năm; Kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 (đối với lĩnh vực tài chính - ngân sách thì đây là kế hoạch lần đầu tiên được thông qua); Quyết định xây dựng các cung đường cao tốc (đường bộ) Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020; Quyết định các Dự án thành phần của Dự án xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; Quyết định phê duyệt Đề án tổng thể và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền Núi giai đoạn 2021 - 2030...

Trong 5 năm, Quốc hội đã tổ chức 8 kỳ chất vấn (trong đó có 5 kỳ, mỗi kỳ có thời lượng 3 ngày và 3 kỳ, mỗi kỳ có thời lượng 2,5 ngày). Trong 8 kỳ họp tổng cộng đã có 1.773 câu hỏi chất vấn; kỳ ít nhất có 163 câu, kỳ nhiều nhất tới 254 câu. Riêng Kỳ họp thứ Chín không tổ chức hoạt động chất vấn vì bùng phát đại dịch Covid-19, Quốc hội thử nghiệm tổ chức kỳ họp trực tuyến, chia làm 2 đợt (đợt 1 từ ngày 20 - 29. 5 và đợt 2 từ ngày 8 - 18.6 năm 2020). Kỳ họp thứ Mười vẫn chia ra 2 đợt, nhưng ở đợt 2, (từ ngày 2 đến 17.11.2020) họp tập trung, Quốc hội vẫn tiến hành hoạt động chất vấn với hầu hết những người đứng đầu các cơ quan nhà nước ở Trung ương đều đăng đàn trả lời chất vấn như luật định.

Quốc hội Khóa XIV là nhiệm kỳ tiến hành nhiều chuyên đề giám sát nhất với 7 chuyên đề, tập trung vào các vấn đề hết sức hệ trọng của đất nước như: việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 - 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016; việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018...

Quốc hội tiến hành giám sát tối cao bằng hình thức lấy phiếu tín nhiệm theo Điều 12 Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành (tại Kỳ họp thứ Sáu) đối với 48 chức danh lãnh đạo nhà nước ở Trung ương do Quốc hội bầu, phê chuẩn với mức độ tín nhiệm của từng chức danh bảo đảm sự khách quan. 

Các cơ quan hữu trách đã gửi tới Quốc hội 113 báo cáo, trong đó có 26 báo cáo được Quốc hội giám sát tại các phiên họp toàn thể ở hội trường. Trong đó các báo cáo kinh tế - xã hội hàng năm của Chính phủ thường có thời lượng giám sát dài hơn (từ 2,5 ngày đến 3 ngày) với trung bình trên dưới 100 đại biểu phát biểu và có từ 12 - 16 ý kiến tranh luận và tranh luận lại. Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ Mười, giám sát báo cáo kinh tế - xã hội năm 2020, với thời lượng 2,5 ngày mà có đến 122 ý kiến phát biểu (4 đại biểu phát biểu 2 lần) và 18 đại biểu tranh luận và tranh luận lại.

Các cơ quan của Quốc hội đã tiếp 7.445 lượt công dân với 5.823 vụ việc (trong đó: khiếu nại 4.026; tố cáo 491; khiến nghị, phản ánh 1.306). Kết quả: đã hướng dẫn trực tiếp 2.946 vụ việc; hướng dẫn bằng văn bản 1.118 vụ việc; có văn bản chuyển đến các cơ quan giải quyết theo thẩm quyền 1.343 vụ việc... Tiếp nhận, xử lý 137.361 đơn thư của công dân, trong đó có 44.666 đơn thư trùng lặp nội dung. Các Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương đã tiếp 38.710 lượt công dân với 23.186 vụ việc (trong đó tiếp thường xuyên 15.955 lượt công dân với 9.307 vụ việc); tiếp nhận, xử lý 69.591 đơn thư các loại.

Quốc hội tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển quan hệ nghị viện với các nước. Đến nay, Quốc hội Việt Nam đã thiết lập quan hệ với 180 quốc gia có chủ quyền và là thành viên của nhiều tổ chức, nhiều diễn đàn Liên Nghị viện khu vực và thế giới. Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã tổ chức thành công: Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26); Đại Hội đồng lần thứ 41 của Hội đồng Liên Nghị viện các quốc gia ASEAN (AIPA 41) bằng hình thức trực tuyến, và đảm nhiệm rất thành công vai trò Chủ tịch AIPA 41 và Năm Chủ tịch AIPA 2020. 

Những con số nêu trên, tuy chưa phải là tất cả, cũng chưa tính đến nhiều công việc khác được các cơ quan Quốc hội thực hiện trong gần 5 năm qua nhưng đã cho thấy khối lượng công việc đồ sộ mà Quốc hội đã hoàn thành. Tất cả những công việc ấy đều nhằm thực hiện có hiệu quả cao Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, phục vụ đắc lực cho quốc kế dân sinh, cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân. Đúng như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phát biểu tại Phiên họp thứ 54 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15.3 vừa qua: Từ những chất liệu thông tin thực tiễn nắm bắt được qua những lần tiếp xúc cử tri, từ phát huy cao độ tính dân chủ đi đôi với tinh thần trách nhiệm cao, giữ vững kỷ cương phép nước theo Hiến pháp, Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XIV đã thành công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.