Tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV

Quốc hội luôn tự đổi mới, không ngừng hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu thực tiễn

- Thứ Năm, 20/01/2022, 05:57 - Chia sẻ
Khẳng định Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất đã thành công tốt đẹp trên mọi phương diện, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, việc tổ chức kỳ họp thành công cũng cho thấy sự tìm tòi, trăn trở, đổi mới của Quốc hội trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được Hiến pháp và luật pháp quy định, đúng như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, đó là Quốc hội phải luôn tự hoàn thiện, tự đổi mới, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đất nước.

Quyết đoán, quyết tâm và quyết định

“Đến thời điểm này việc quyết đoán, quyết tâm và quyết định tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất là hoàn toàn đúng đắn”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận định tại phiên họp sáng qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sự đổi mới này của Quốc hội được cử tri và nhân dân đồng tình, ủng hộ rất cao.

Trước đó, trình bày dự thảo Báo cáo tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, thành công của kỳ họp thể hiện tinh thần đổi mới, quyết liệt hành động vì lợi ích của nhân dân, luôn trăn trở, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri và nhân dân để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp. Thành công của Kỳ họp đã khẳng định hoạt động của Quốc hội ngày càng đi vào chiều sâu, đoàn kết, dân chủ, gần dân, sát với thực tiễn. Đồng thời, cũng là sự kế thừa những kinh nghiệm từ các kỳ họp trước, như: việc chuẩn bị từ sớm của các cơ quan hữu quan; sự chỉ đạo, điều hành rất sâu sát, quyết liệt, quyết đoán, linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức và tiến hành kỳ họp; việc tuyệt đối tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, nhạy bén, kịp thời, sát sao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất. Đây là tiền lệ tốt, cần được tiếp tục phát huy để hướng tới một Quốc hội hoạt động thường xuyên, chuyên nghiệp hơn, góp phần thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đáp ứng mục tiêu cao nhất là vì sự phát triển bền vững của đất nước, củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân vào các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, thích ứng linh hoạt và an toàn trong và sau đại dịch.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, "rất cần nhấn mạnh ý tưởng tổ chức kỳ họp đã được Chủ tịch Quốc hội nêu ra từ Kỳ họp thứ Hai - Chủ tịch Quốc hội nói cứ chuẩn bị Kỳ họp thứ Hai, nội dung nào chuẩn bị chưa kịp, cần thiết thì trình Bộ Chính trị, báo cáo Quốc hội có một kỳ họp bất thường, có thể tổ chức vào cuối năm”. Tức là quá trình chuẩn bị kỳ họp bất thường đã diễn ra song song với quá trình chuẩn bị Kỳ họp thứ Hai, rất sớm. Ý tưởng rất sát thực tiễn, sát yêu cầu, sát đường lối, chính sách. Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định cũng nêu rõ, "thành công của Kỳ họp phải nhắc đến sự điều hành của Đảng đoàn Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội rất linh hoạt. Lúc đầu, kỳ họp dự kiến thông qua 1 luật, 3 Nghị quyết, không có Nghị quyết kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, nhưng đến khi thống nhất ban hành nghị quyết chung, thì trong thời gian rất ngắn, nhưng đầu mối là Ban Thư ký Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã chỉ đạo xây dựng dự thảo Nghị quyết rất hay, rất đầy đủ, đi vào lòng dân. Một là khẳng định lại toàn bộ nội dung của kỳ họp, hai là về chương trình phục hồi phát triển kinh tế, ba là chương trình phòng, chống Covid-19, bốn là vấn đề phòng, chống tham nhũng, cụ thể hóa kết luận Bộ Chính trị và Kết luận của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương, trong đó có nhắc đến vụ Việt Á - nhân dân rất hài lòng, phấn khởi. Cuối cùng, Nghị quyết kêu gọi quốc dân đồng bào thực hiện. Một Nghị quyết ngắn gọn nhưng dày dặn và đầy đủ”.

Gấp gáp, áp lực nhưng rất bình tĩnh, sáng suốt

Vui mừng vì Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất đã thành công tốt đẹp trên mọi phương diện, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói “tổ chức kỳ họp thành công cũng cho thấy sự tìm tòi, trăn trở, đổi mới của Quốc hội đối với việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được Hiến pháp và luật pháp quy định, đúng như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV đó là Quốc hội phải luôn tự hoàn thiện, tự đổi mới, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đất nước”.

"Tính chủ động, tích cực thể hiện nếu cứ để “xuân thu nhị kỳ”, 2 kỳ họp trôi qua, đến tháng 5 (Kỳ họp thứ Ba - PV) chúng ta mới ngồi bàn thì lỡ hết thời cơ. Kỳ họp này rất cấp thiết, không chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt mà còn có ý nghĩa quan trọng, ý nghĩa chiến lược, căn cơ, lâu dài. Thế nhưng, cấp bách, cấp thiết gì cũng phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, đã rõ, đạt được sự thống nhất, đồng thuận cao, chứ không được nóng vội, nhất là trong xây dựng pháp luật. Cấp bách, cấp thiết nhưng chưa đủ rõ thì để lại", Chủ tịch Quốc hội nói. 

Đặt vấn đề, tại sao gói chính sách tài khóa, tiền tệ phức tạp như vậy, khó như thế mà đạt được sự đồng thuận cao, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, chúng ta đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, có rất nhiều cuộc tọa đàm kinh tế - xã hội đối với doanh nghiệp, các cơ quan, các hiệp hội nước ngoài; họp trực tuyến với Hội đồng Kinh doanh Thương mại Hoa Kỳ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Ủy ban Kinh tế chủ trì tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam... Trong quá trình chuẩn bị, triển khai, dù gói chính sách tài khóa, tiền tệ rất phức tạp, song đến bây giờ, Chủ tịch Quốc hội cho biết, không nhận được bất cứ đề xuất hay phản hồi, băn khoăn không đồng tình, không đồng thuận nào từ tất cả các giới, các hiệp hội doanh nghiệp trong nước, nước ngoài. Đó là bởi vì "Chính phủ cùng với Quốc hội đã làm đi làm lại rất nhiều lần, làm tới, làm lui, sau đó thống nhất với nhau, chuẩn bị rất kỹ lưỡng, suy nghĩ chín chắn và quyết định một cách quyết đoán". 

Hay như vừa rồi, các chuyên gia luật hàng đầu đánh giá rất cao khi Quốc hội sáng suốt không thông qua toàn văn sửa Điều 23, Luật Nhà ở, tương ứng với Điều 75 của Luật Đầu tư. "Đến phút chót, Quốc hội cương quyết không thông qua vì qua phát biểu của các đại biểu Quốc hội, chúng ta chưa biết đánh giá tác động đầy đủ của quy định đó như thế nào. Quốc hội cương quyết, dứt khoát, không có bất cứ sự nhượng bộ nào. Như tôi đã nhắc đi nhắc lại, “làm luật rất phức tạp, nóng nhưng không vội, rất gấp gáp, rất áp lực nhưng rất bình tĩnh và sáng suốt”. Khẳng định, việc gì cần làm, đáng làm Quốc hội đều làm hết sức mình, Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ, không chỉ chuyên viên, thường trực các Ủy ban mà lãnh đạo Quốc hội cũng trực cả đêm, văn bản đến lúc nào là xử lý lúc đó, 1 giờ, 2 giờ sáng vẫn làm, thứ Bảy, Chủ nhật vẫn làm cả ngày…

Dù vậy, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, thành công của Kỳ họp bất thường mới là bước đầu. Điều quan trọng là phải nhanh chóng triển khai, đưa luật, nghị quyết vào cuộc sống. Có phát huy được đúng mục tiêu, nguyên tắc, yêu cầu đặt ra trong nghị quyết hay không thì khâu tổ chức cực kỳ quan trọng, nhất là công tác chuẩn bị đầu tư. Nhất trí với quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, muốn Chính phủ tổ chức thực hiện tốt thì các cơ quan của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội phải giám sát ngay, giám sát nhanh và giám sát thường xuyên để đưa chính sách mà Quốc hội đã quyết định đi vào cuộc sống.

Sau Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội đã rút ra nhiều kinh nghiệm quý. Quốc hội bám sát chức năng, nhiệm vụ và quy định pháp luật để hành động linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống một cách cấp thiết. Tinh thần này nhiều nhiệm kỳ đã có rồi, nhưng Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XV phải làm tốt hơn, như Chủ tịch Quốc hội phát biểu, có kỳ họp bất thường lần thứ nhất thì có thể có kỳ họp bất thường lần thứ hai, thứ ba, nếu cần thiết chúng ta sẽ làm.

Anh Thảo