Rác thủy tinh trong bài toán môi trường

- Thứ Tư, 24/04/2024, 08:28 - Chia sẻ

Một trong hai vấn đề vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn để đề xuất Quốc hội quyết định giám sát tối cao hoặc giám sát chuyên đề trong năm 2025 là việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Không phải ngẫu nhiên mà đây là chủ đề “nóng” nhất hiện nay. Đông Nam Á đang trải qua một trong những năm nắng nóng nhất lịch kể từ khi quan trắc khí hậu ra đời. Quan tâm đến môi trường đương nhiên là thiết yếu, nhưng hiểu biết về môi trường vẫn còn hạn chế, đơn cử như vấn đề rác thủy tinh - một vật dụng gắn với đời sống hàng ngày của chúng ta.

Báo cáo nghiên cứu năm 2022 của Eunomia Research & Consulting - Công ty tư vấn quản lý môi trường và chất thải tại Anh Quốc, cho biết bao bì bằng thủy tinh trên thị trường đồ uống chiếm 11% trong tổng số lượng và 62% tổng trọng lượng hàng hóa tiêu thụ. Xét về lượng rác thải thì bao bì đồ uống chiếm khoảng 20% tổng lượng rác bao bì được tạo ra tại Việt Nam. Mặc dù vậy, tỷ lệ thu gom hiện tại khá thấp và dao động theo loại vật liệu. Tỷ lệ tái chế cho chai thủy tinh là thấp nhất, ước tính chỉ 15%. Trong khi đó, lon nhôm có tỷ lệ tái chế cao hơn 70% do giá trị kinh tế cao hơn, chai nhựa có tỷ lệ tái chế tổng thể thấp hơn, dao động từ 32% đến 45%. Vấn đề càng nguy hiểm hơn ở chỗ, rác thải thủy tinh tồn tại vĩnh viễn trong môi trường nếu không được tái chế, tái sử dụng.

Nhìn kỹ hơn vào thực trạng Việt Nam, Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á, cho biết khối lượng rác thải rắn của nước ta tăng đáng kể, từ 10% đến 16% mỗi năm và TP. Hồ Chí Minh là nơi tạo ra nhiều nhất. Thành phần chính của rác thải đô thị là rác hữu cơ, chiếm 67% và rác từ thủy tinh chiếm 4% tổng trọng lượng rác thải rắn đô thị. Chất thải rắn, đặc biệt là rác thải thủy tinh, thường không được phân loại tại nguồn. Chai, lọ thủy tinh không màu chủ yếu được thu gom bởi các công nhân của công ty thu gom rác tư nhân hoặc doanh nghiệp về công ích môi trường đô thị và được bán lại cho vựa ve chai để tăng thêm thu nhập.

Người lao động trong chuỗi thu gom cũng không quan tâm đến việc thu mua rác thủy tinh do thu nhập từ loại phế liệu thủy tinh thấp hơn so với các loại phế liệu khác như giấy, nhựa, và nhôm. Chỉ có 6% vựa phế liệu mua chai lọ thủy tinh đã qua sử dụng; chỉ có 5% người thu mua phế liệu mua thủy tinh; 8% người thu gom rác và người nhặt phế liệu thu gom phế liệu thủy tinh. Ngoài ra, việc vận chuyển và bốc xếp rác thải thủy tinh thường gặp nhiều khó khăn như dễ vỡ và gây nguy hiểm.

Nguyên nhân quan trọng nhất gây khó khăn lớn trong việc thúc đẩy tái chế, tái sử dụng rác thải thủy tinh đó là chi phí thu gom quá lớn, thậm chí cao hơn chi phí nhập khẩu sản phẩm thủy tinh hoặc nhập khẩu vụn thủy tinh để sản xuất.

Giá của vụn thủy tinh không màu tại những nhà máy thủy tinh này thường dao động từ 2.250 đến 2.500 đồng/kg. Tuy nhiên, nguồn cung cho vụn thủy tinh không màu nội địa không ổn định và tương đối thấp. Ngược lại, giá vụn thủy tinh không màu nhập khẩu với số lượng lớn lại rẻ hơn, khoảng 1.800 đồng/kg vào năm 2019 và khoảng 2.100 đồng/kg vào năm 2020. Do đó, các nhà sản xuất thủy tinh quy mô lớn lựa chọn nhập khẩu vụn thủy tinh từ nước ngoài do giá đầu vào rẻ hơn.

Dù việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường có được Quốc hội lựa chọn hay không lựa chọn giám sát tối cao, các nhà hoạch định chính sách cần dành mối quan tâm lớn hơn với rác thải thủy tinh. Bên cạnh nỗ lực truyền thông để người dân chú ý hơn đến rác thải thủy tinh, phải thiết kế được những giải pháp chính sách để thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nâng tỷ lệ tái sử dụng và tái chế thủy tinh. Bảo vệ môi trường vừa bắt nguồn từ những hành động nhỏ nhất của người dân, nhưng đồng thời cũng từ những quyết sách như nói trên của những người làm luật.

Hà Lan
#