ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình):

Quy định chặt chẽ hơn hoặc nêu trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước

- Thứ Sáu, 29/10/2021, 11:58 - Chia sẻ
Sáng 29.10, tại điểm cầu Thái Bình, góp ý vào dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung cho rằng: Dự án Luật thể chế hóa chủ trương đường lối của Đảng; khắc phục hạn chế bất cập sau 20 năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000; bảo đảm sự thống nhất đồng bộ của hệ thống pháp luật. Qua đó kiến tạo thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững hiệu quả, tiệm cận với thông lệ quốc tế.
Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) góp ý vào Dự án Luật Bảo hiểm (sửa đổi)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Dung góp ý vào dự án Luật Bảo hiểm (sửa đổi) tại điểm cầu tỉnh Thái Bình

Đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo rà soát lại những điều khoản trùng lặp hoặc chưa thống nhất giữa dự án Luật với một số luật khác. Đồng thời, bỏ quy định tại Khoản 2, Điều 22 về “Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu từng phần khi một phần nội dung của hợp đồng bảo hiểm vô hiệu nhưng không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của hợp đồng” và áp dụng chung theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

Đối với các điều khoản quy định về bảo hiểm bắt buộc, đại biểu cho rằng: Thực tế có tình trạng lợi dụng các hình thức kinh doanh dịch vụ bảo hiểm để hình thành các loại huy động vốn, nhất là huy động vốn đa cấp thông qua nhiều kênh khác nhau. Trong quy định của Luật cũng ghi rõ tiêu chuẩn của đại lý bảo hiểm, phải có hợp đồng quy định rõ trách nhiệm của bên bán và bên mua nhưng hiện chỉ có loại hợp đồng chung, hợp đồng giao kết điện tử trên môi trường mạng. Đây chính là kẽ hở để các đối tượng kinh doanh đa cấp có thể lợi dụng, Vì vậy, đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung các điều khoản quy định chặt chẽ hơn hoặc nêu trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, cơ quan chức năng để bảo đảm quản lý và chế tài đối với các vấn đề nảy sinh nêu trên.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung cũng đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung quy định đối với bảo hiểm vi mô theo hướng triển khai bảo hiểm vi mô vừa là nghĩa vụ vừa là quyền lợi để khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai nhằm dự phòng rủi ro và có tích lũy hướng đến người nghèo, người có thu nhập thấp, người yếu thế trong xã hội.

Khánh Duy