Quy định chưa rõ, gây khó cho doanh nghiệp

- Thứ Hai, 30/08/2021, 07:12 - Chia sẻ
Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Thông tư quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu, chuyển cửa khẩu (Dự thảo) trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển nơi thực hiện giãn cách xã hội. Trong đó, quy định về cơ sở để xác nhận hàng hóa nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển và quy trình vận chuyển hàng hóa nhập khẩu.

Việc giãn cách xã hội kéo dài đã phần nào làm ảnh hưởng đến tình hình phát triển KT - XH, trong  đó  có hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng hải. Đơn cử, là một trong những cảng quan trọng nhất tại TP. Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam, nhưng cảng Cát Lái lại đang gặp nhiều khó khăn, khâu tiếp nhận hàng hóa bị ngưng trệ, ảnh hưởng đến các khâu còn lại, nhất là tình trạng tồn đọng lượng lớn hàng hóa, container tại cảng. Nếu không kịp thời có những tháo gỡ, tình trạng này sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa phía Nam.

Trong bối cảnh đó, việc Bộ Tài chính xây dựng Dự thảo được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là một trong những biện pháp nhằm giải quyết kịp thời tình trạng ùn tắc tại các cảng biển. Tuy nhiên, góp ý vào Dự thảo, nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc quy định chưa chặt chẽ về cơ sở xác nhận hàng hóa nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển và quy trình vận chuyển hàng hóa nhập khẩu sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình áp dụng sau này.

Cụ thể, Điều 3, Dự thảo quy định về cơ sở xác định hàng hóa nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển như sau: “Sản lượng hàng nhập tồn bãi vượt sức chứa thiết kế tối đa cho phép của cảng biển; Có văn bản của doanh nghiệp kinh doanh cảng biển về việc sản lượng hàng tồn bãi vượt sức chứa thiết kế tối đa cho phép của cảng biển được Cảng vụ Hàng hải xác nhận”. Tuy nhiên, có thể thấy quy định này chưa đủ rõ để xác định tình trạng hàng hóa nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển. Bên cạnh đó, việc không quy định về trình tự, thủ tục để các doanh nghiệp kinh doanh cảng biển được Cảng vụ Hàng hải xác nhận về việc sản lượng hàng tồn bãi vượt sức chứa thiết kế tối đa cho phép của cảng biển sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện. Trong khi đó, hiện nay việc điều chuyển hàng hóa để giảm tải ùn tắc là hoạt động cần phải thực hiện nhanh vì vậy các thủ tục trong Dự thảo cần được xây dựng theo hướng tinh gọn, thuận lợi để bảo đảm tính hiệu quả.

Liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa, điểm b, Khoản 1, Điều 5 Dự thảo quy định doanh nghiệp kinh doanh cảng biển nơi hàng hóa vận chuyển đi “Chỉ được thực hiện vận chuyển hàng hóa nhập khẩu khi có sự chấp thuận của hãng tàu/đại lý hãng tàu hoặc chủ hàng và kế hoạch vận chuyển hàng hóa đã được Chi cục Hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đi phê duyệt”. Song, Khoản 1, Điều 6, Dự thảo quy định hãng tàu/đại lý hãng tàu có trách nhiệm “tiếp nhận danh sách hàng hóa dự kiến vận chuyển đi do doanh nghiệp cảng biển gửi đến và phải phản hồi cho doanh nghiệp kinh doanh cảng biển trong thời hạn không quá 02 giờ kể từ khi nhận được danh sách hàng hóa dự kiến vận chuyển đi”.

Vậy, chi phí vận chuyển hàng hóa nhập khẩu sẽ do doanh nghiệp cảng biển hay hãng tàu/đại lý hãng tàu hoặc chủ hàng chi trả hay hai bên tự thỏa thuận? Cần quy định rõ vấn đề này để bảo đảm thuận lợi trong quá trình thực hiện tránh phát sinh những tranh chấp giữa các bên.

Nguyễn Ngân