Nhịp cầu

Quy định hợp lý tỷ lệ đóng góp

- Thứ Hai, 09/11/2020, 06:29 - Chia sẻ
Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình của người dân, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Phú Yên giai đoạn 2016 - 2020 đã mang lại những hiệu quả thiết thực cho người dân các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của huyện Sơn Hòa. Chương trình góp phần làm thay đổi diện mạo nhiều thôn, buôn; giảm tỷ lệ hộ nghèo; giảm dịch bệnh; tăng số học sinh đến trường; thúc đẩy cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất với thị trường; kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được đầu tư xây dựng… Đến nay, có 2 thôn đặc biệt khó khăn đã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020 là thôn Đốc Cắt, xã Sơn Hà và thôn Hòa Ngãi, xã Sơn Định.

Tuy nhiên, tình trạng tái nghèo và cận nghèo còn cao; cơ sở hạ tầng thiết yếu tuy được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt và nước sản xuất, nhất là vào mùa nắng hạn còn xảy ra, trong khi đó, việc quản lý, sử dụng các công trình nước trên địa bàn ở một số nơi chưa phát huy hiệu quả; một số dự án có bố trí vốn những chậm triển khai thực hiện, hoặc giá trị giải ngân đạt thấp; chưa có nhiều mô hình để nhân rộng…

Giám sát nội dung này, Ban Dân tộc HĐND tỉnh Phú Yên đề nghị huyện Sơn Hòa cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong thực hiện chính sách giảm nghèo; đánh giá cụ thể hiệu quả các công trình dự án sau đầu tư, nhất là các công trình hạ tầng. Tập trung xác định đầu tư công trình, dự án nào để thúc đẩy phát triển đồng bộ tại địa phương; đẩy nhanh tiến độ thi công, quyết toán các công trình kịp thời; đồng thời, có kế hoạch duy tu, sửa chữa các công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng... Đặc biệt, cần có sự tham gia giám sát của người dân trong quá trình triển khai thực hiện các dự án. Tăng cường hướng dẫn chuyển giao công nghệ mô hình sản xuất cho người dân thay vì hỗ trợ sản phẩm trực tiếp; cùng với đó, cần có những mô hình sản xuất hiệu quả để nhân rộng đến các hộ dân...

Bên cạnh đó, một thực tế cũng được chỉ ra, đó là việc huy động đối ứng vốn từ nhân dân rất khó thực hiện, nhất là đối với hộ nghèo. Vì vậy, một vấn đề cũng cần được lưu ý nữa là quy định cụ thể, hợp lý hơn tỷ lệ huy động đóng góp trong nhân dân để tránh tâm lý tạo gánh nặng cho người dân, bởi trên thực tế chưa có công trình nào hoàn thành từ nguồn vốn huy động trong dân.

TUY AN