Xử lý, tái chế sản phẩm, bao bì thải bỏ

Quy định rõ trách nhiệm, lộ trình thực hiện

- Thứ Hai, 28/06/2021, 06:09 - Chia sẻ
Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, nhiều ý kiến cho rằng, để ngành tái chế, xử lý sản phẩm phát triển bền vững cần quy định rõ trách nhiệm của nhà sản xuất, tỷ lệ tái chế trong sản phẩm, cũng như lộ trình thực hiện tỷ lệ tái chế.
Cần tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì thải bỏ đúng cách

Lợi ích nhiều mặt

Một trong những chính sách lớn của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Theo đó, Luật Bảo vệ môi trường quy định nhà sản xuất có trách nhiệm tái chế chất thải (Điều 54) và xử lý chất thải (Điều 55). Cụ thể, ERR yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải, bao gồm: Thu gom; tiền xử lý như phân loại, tháo dỡ hoặc khử ô nhiễm; tái sử dụng; thu hồi (tái chế và thu hồi năng lượng) hoặc thải bỏ. Đây cũng chính là một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. 

Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt - đại diện Hiệp hội Cao su cho rằng, nếu thực hiện tốt tự tái chế sản phẩm, bao bì thải sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước so với các doanh nghiệp nhập khẩu không có trách nhiệm tự tái chế. Đơn cử, đối với sản phẩm tái chế săm lốp, việc tái chế, xử lý sản phẩm sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm nhờ tăng lượng gia công lốp ô tô đắp, phát triển thêm nhiều sản phẩm từ việc tận dụng các nguyên liệu sau tái chế; làm tăng giá thành phải nộp kinh phí vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm...

Để nâng cao hơn trách nhiệm thu hồi, xử lý của các tổ chức, cá nhân, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết tỷ lệ tái chế, quy cách tái chế, mức đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Cụ thể, “tỷ lệ tái chế bắt buộc của từng loại sản phẩm, bao bì được xác định trên cơ sở tỷ lệ tái chế thực tế của từng loại sản phẩm, bao bì".

Liên minh Không rác Việt Nam (VZWA) góp ý, cần khảo sát thực tế để xác định tỷ lệ tái chế. Tỷ lệ thu gom cao và khả năng tái chế của bao bì, sản phẩm hoàn toàn không đồng nghĩa với tỷ lệ tái chế cao. Do đó, cần định nghĩa rõ tỷ lệ tái chế bắt buộc của từng loại bao bì, sản phẩm, tỷ lệ tái chế thực tế và tỷ lệ mà các nhà sản xuất phải đóng phí. Đối với ngành bao bì nhựa, VZWA kiến nghị tính cả theo khối lượng và đơn vị. Nếu chỉ tính bằng khối lượng thì nhà sản xuất có thể lách luật, sử dụng bao bì nhựa nhẹ hơn (mà bao bì nhựa càng nhẹ thì càng khó thu gom và tái chế).

"Dự thảo Nghị định cần quy định lộ trình cho tỷ lệ tái chế bắt buộc, theo hướng tăng dần từng năm cho đến khi đạt được tỷ lệ tái chế cần thiết. Đối với tỷ lệ tái chế bắt buộc, chu kỳ điều chỉnh là 24 tháng/lần và được thông báo cho các doanh nghiệp liên quan trước ít nhất 6 tháng và xem xét không vượt quá 5% cho mỗi lần điều chỉnh".

Bà Chu Thị Vân Anh - Tổng Thư ký Hiệp hội Bia rượu và Nước giải khát Việt Nam

Không xử lý được thì phải đóng phí

Luật Bảo vệ môi trường quy định, để thực hiện trách nhiệm của mình, nhà sản xuất, nhập khẩu được lựa chọn 1 trong 4 hình thức: Tự mình thực hiện tái chế; thuê các đơn vị có chức năng tái chế; liên kết với nhau thành lập tổ chức đại diện thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất để tổ chức hoạt động tái chế; đóng góp kinh phí cho Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để tổ chức tái chế.

Hướng dẫn cụ thể vấn đề này, Dự thảo Nghị định nêu rõ: “Đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam của từng loại sản phẩm, bao bì được xác định theo công thức sau đây: Số tiền đóng góp của từng loại sản phẩm = Tỷ lệ tái chế (x) Lượng sản phẩm, bao bì (x) Định mực chi phí tái chế sản phẩm, bao bì (+) Chi phí quản lý, tổ chức tái chế”. Có thể thấy, đây là quy định theo hướng nâng trách nhiệm của các nhà sản xuất. Theo đó, nhà sản xuất phải đóng góp tài chính để hỗ trợ xử lý trong trường hợp sản xuất, đưa ra thị trường các bao bì chứa sản phẩm độc hại hoặc không có khả năng tái chế hoặc khó thu gom, xử lý.

PGS.TS. Phùng Chí Sỹ - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cho biết, việc các nhà sản xuất có trách nhiệm nộp vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam là điều cần thiết. Tuy nhiên, tính toán xác định tỷ lệ tái chế bắt buộc sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như công nghệ tái chế đối với từng loại sản phẩm, bao bì; giá cả thị thị trường nguyên vật liệu; chi phí điện, nước phục vụ quá trình tái chế. Vì vậy, phải tính toán cụ thể tránh trường hợp gây khó khăn, tranh cãi trong quá trình thực hiện.

Đồng quan điểm, theo văn bản góp ý của Liên minh Rác Greenhub, cần định nghĩa tỷ lệ tái chế bắt buộc của từng loại bao bì/sản phẩm; quy định trường hợp nào nhà sản xuất, nhập khẩu phải đóng góp tài chính cho Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Hiện, Dự thảo Nghị định chưa làm rõ, trong trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu chọn những phương án trực tiếp tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì thải bỏ hay thuê đơn vị chức năng xử lý, tái chế thì có phải đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam hay không. 

Nguyễn Ngân