Luật - Những điểm mới

Quy định rõ trách nhiệm quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia

- Thứ Ba, 05/01/2021, 06:28 - Chia sẻ
Bằng các điều khoản cụ thể, Luật Biên phòng Việt Nam quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị đối với sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Huy động các nguồn lực để bảo đảm tài chính, nhân lực, tài sản phục vụ cho sự nghiệp này trong tình hình mới, nhất là khi cạnh tranh chiến lược, tình hình thế giới, khu vực diễn biến rất khó lường.

Mở rộng phạm vi điều chỉnh

Luật Biên phòng Việt Nam với 6 chương, 36 điều, quy định cụ thể, rõ ràng hành lang pháp lý cho công cuộc xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến nêu rõ, luật có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội ở khu vực biên giới và mở rộng hơn so với Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến
Nguồn: ITN

Cụ thể, Luật quy định chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động, lực lượng, bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng. Trong khi đó, Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ quy định chức năng, nhiệm vụ của bộ đội biên phòng. Việc mở rộng phạm vi là cần thiết. Bởi hoạt động biên phòng có liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều chủ thể khác nhau và được cụ thể hóa tại nhiều văn bản pháp luật hiện hành như: Luật Biên giới quốc gia, Luật An ninh quốc gia, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Công an Nhân dân… Do vậy, điều khoản về phạm vi điều chỉnh của Luật Biên phòng Việt Nam đã được hoàn thiện sau khi rà soát, đánh giá tổng thể các quy định, tránh chồng chéo nhằm đáp ứng sự đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Luật cũng đưa ra khái niệm “Biên phòng”. Theo đó, “Biên phòng là tổng thể các hoạt động, biện pháp bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc”. Khái niệm này là vấn đề cơ bản quyết định đến kết cấu, nội dung, bố cục của luật. Ngoài ra, Luật cũng nêu rõ các khái niệm về nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân và một số khái niệm khác có liên quan.        

Chính sách của Nhà nước về biên phòng trong luật tiếp tục hướng đến mục tiêu thể chế đầy đủ đường lối đối nội, đối ngoại, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước về bảo vệ biên giới quốc gia; ghi nhận những chính sách lớn nhằm xây dựng, huy động tiềm lực mọi mặt của quốc gia, tăng cường quốc phòng, an ninh để bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, làm cơ sở để xây dựng những chính sách cụ thể.

Đáng lưu ý, Điều 3, Luật Biên phòng Việt Nam đã đưa ra 7 chính sách của Nhà nước về biên phòng, trong đó lưu ý đến Khoản 5 với sự bổ sung chính sách đặc thù phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đối ngoại ở khu vực biên giới. Bổ sung Khoản 7 về “khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân ủng hộ vật chất, tài chính, tinh thần cho thực hiện nhiệm vụ biên phòng trên nguyên tắc tự nguyện, không trái với pháp luật Việt Nam và phù hợp với luật pháp quốc tế” cho phù hợp với chính sách của Nhà nước về quốc phòng quy định tại Khoản 5, Điều 4, Luật Quốc phòng.

Thứ trưởng Hoàng Xuân Chiến khẳng định, “bằng các điều khoản cụ thể, Luật Biên phòng Việt Nam quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị đối với sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, huy động các nguồn lực để bảo đảm tài chính, nhân lực, tài sản phục vụ sự nghiệp này trong tình hình mới, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược, tình hình thế giới, khu vực diễn biến rất khó lường. Đây là một trong những điều kiện để góp phần xây dựng lực lượng vũ trang nói chung và lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ biên giới theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần sẽ được xây dựng tiến thẳng lên hiện đại”.

Nhân dân khu vực biên giới - chủ thể bảo vệ biên giới quốc gia

Luật cũng quy định nhiệm vụ biên phòng một cách toàn diện, bao gồm 3 nhóm nhiệm vụ: Xây dựng - quản lý - bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới. Đây là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, lực lượng, nhằm phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh về mọi mặt, xác định rõ nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, hòa bình, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, kinh tế, văn hóa, xã hội, tài nguyên, môi trường và bảo đảm việc thi hành pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế về biên phòng, đối ngoại biên phòng, đối ngoại Nhân dân, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng bao gồm, lực lượng trực tiếp thực thi nhiệm vụ biên phòng ở khu vực biên giới, cửa khẩu là các cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang Nhân dân ở khu vực biên giới, cửa khẩu và các cơ quan lãnh đạo, chỉ huy, quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang Nhân dân ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

Luật còn quy định về phạm vi, nguyên tắc và nội dung phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng. Theo đó, Chính phủ quy định chi tiết việc phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết việc phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng và các lực lượng khác thuộc Bộ Quốc phòng trong thực thi nhiệm vụ biên phòng. Quy định của Luật này chỉ mang tính nguyên tắc, còn việc xác định vai trò chủ trì căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan theo quy định của pháp luật; các nguyên tắc và nội dung phối hợp được áp dụng chung cho các lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng. Quy định như vậy để các chủ thể chủ động, linh hoạt trong việc phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Về việc tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng: Điều 7, Luật này đưa ra các quy định về trách nhiệm, chế độ và chính sách của cơ quan, tổ chức và công dân tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng. Trong đó, cần chú ý đến quy định về trách nhiệm của công dân về biên phòng. Đó là công dân ở khu vực biên giới có trách nhiệm tham gia xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân và các phong trào bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu. “Khoản này được xây dựng trong Luật Biên phòng Việt Nam nhằm thể chế quan điểm Nhân dân khu vực biên giới là chủ thể bảo vệ biên giới quốc gia tại Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28.9.2018 của Bộ Chính trị và quy định rõ trách nhiệm của công dân đối với nhiệm vụ biên phòng, làm căn cứ để quy định chế độ, chính sách cho phù hợp”, Thứ trưởng Hoàng Xuân Chiến nói.

Anh Thảo