Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)

Quy định rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp

- Thứ Tư, 09/12/2020, 08:25 - Chia sẻ
Trong phiên họp sáng nay, 9.12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm khi thảo luận về dự luật này tại Kỳ họp thứ Mười là quy định về cơ quan chủ trì, lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy. Nhiều ý kiến đề nghị, cần quy định rõ trách nhiệm, mối quan hệ chủ trì, phối hợp của lực lượng công an với các ngành hữu quan trong lĩnh vực này.

Bảo đảm quyền chủ động cho các lực lượng

Trách nhiệm phòng, chống ma túy được quy định tại Chương II của dự thảo Luật. Theo đó, ngoài việc sắp xếp lại các điều khoản của Luật hiện hành cho phù hợp, dự luật bổ sung nội dung quy định để cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an Nhân dân đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy xuyên quốc gia hiệu quả hơn. Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển, Hải quan trong phạm vi địa bàn, khu vực quản lý được phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy, bảo đảm đồng bộ với Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự. 

Ủy ban về các vấn đề Xã hội cho rằng, để công tác phòng, chống ma túy đạt hiệu quả, các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy (thuộc Công an Nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển, Hải quan) trong khu vực, địa bàn quản lý cần được giao quyền chủ động nhưng đồng thời cần phối hợp với nhau thực hiện các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hoạt động bất hợp pháp liên quan đến ma túy. Do đó, Ủy ban đề nghị giữ như quy định trong Luật hiện hành: cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an Nhân dân có trách nhiệm “chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện các hoạt động ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy”.

Tán thành quan điểm này, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chỉ rõ, với chức năng của mỗi ngành, các ngành hữu quan như Công an Nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan… đều thực hiện rất tốt và phát huy hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm về ma túy trong phạm vi lĩnh vực mỗi ngành phụ trách. Đặc biệt, thời gian qua, các lực lượng Bộ đội Biên phòng và Hải quan đã kiểm tra, ngăn chặn từ xa, giúp bắt giữ nhiều tổ chức, cá nhân vận chuyển, mua bán trái phép ma túy. Nếu Bộ Công an chủ trì thực hiện có thể chồng lấn nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng hoặc Hải quan trên địa bàn.

ĐBQH Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) cũng cho rằng, việc quy định như dự thảo Luật không bảo đảm tính chủ động cho các cơ quan, đơn vị như Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển và Hải quan trong công tác phòng, chống ma túy. Đại biểu lập luận, nếu quy định những lực lượng này là cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thì nhiệm vụ, quyền hạn phải như nhau. Để công tác phòng, chống ma túy đạt được hiệu quả, các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy trong khu vực, địa bàn quản lý cần được giao quyền chủ động trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; đồng thời, phối hợp với nhau thực hiện các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hoạt động bất hợp pháp liên quan đến ma túy. 

Công an tỉnh Điện Biên phá thành công Chuyên án 820M, bắt giữ đối tượng Sùng A Hừ và thu giữ 25,01 kg ma túy các loại tháng 8.2020  

Nguồn: congan.dienbien.gov.vn 

Công an phải là nòng cốt, chủ trì

Phòng, chống ma túy là cuộc chiến hết sức phức tạp, cam go và đầy rủi ro cho các lực lượng chuyên trách. Tuy nhiên, đây cũng là nhiệm vụ của toàn dân, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng chuyên trách là nòng cốt, có vai trò, vị trí hết sức quan trọng. Vì vậy, dự thảo Luật nhất thiết phải tạo hành lang pháp lý, chế tài, chính sách đủ mạnh để xây dựng lực lượng chuyên trách về phòng, chống ma túy mạnh hơn, chuyên nghiệp hơn. Có chính sách động viên tốt hơn để cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng yên tâm dấn thân cho sự nghiệp khó khăn và cao cả này.

Nêu quan điểm này, ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cũng kiến nghị, nên xây dựng một chương mới về lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy chứ không nên chỉ quy định đơn giản, hạn hẹp trong một điều như dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Mười. Theo đó, chương này phải định vị rõ địa vị pháp lý, định danh thống nhất lực lượng hay là cơ quan chuyên trách; tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế phối hợp, điều kiện bảo đảm và chính sách cho lực lượng này phải hết sức cụ thể.

Trong thực tiễn, các lực lượng Công an Nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển, Hải quan là những lực lượng chuyên trách, xung kích trên mặt trận phòng, chống ma túy. Vì vậy, cần quy định thật rõ về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của mỗi lực lượng; xác định rõ việc phân công vai trò chủ trì, cơ chế phối hợp giữa các lực lượng; quy định các biện pháp nghiệp vụ được pháp luật cho phép trong thực thi pháp luật nhằm bảo đảm hành lang pháp lý thuận lợi để phát huy tốt nhất sức mạnh, phương tiện, công cụ của các lực lượng chuyên trách trong đấu tranh phòng, chống, ngăn ngừa, ngăn chặn, trấn áp tội phạm ma túy.

Giải trình trước Quốc hội về các vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, thực tế, cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy thì rất nhiều. Đây là việc rất lớn của toàn xã hội, cả hệ thống chính trị phải làm, mức độ có khác nhau, có chủ trì, có chuyên trách, có phân công, có phân vai đúng chức trách, nhiệm vụ. Chuyên trách ở đây không phải chỉ có Bộ đội Biên phòng hay Cảnh sát Biển hay Hải quan mà còn các ngành lao động - thương binh và xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế, tòa án, viện kiểm sát, chính quyền địa phương các cấp, kể cả doanh nghiệp... Bộ trưởng Tô Lâm cũng nêu rõ sẽ tiếp thu ý kiến của các ĐBQH để chỉnh lý các nội dung này một cách rành mạch hơn.

Tuy nhiên, về cơ quan chủ trì, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, lực lượng Công an Nhân dân phải là nòng cốt, chủ trì trong công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Việc xây dựng dự thảo Luật theo quan điểm này là căn cứ theo các quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Công an Nhân dân năm 2018 đã quy định: "Công an Nhân dân là lực lượng vũ trang, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội".

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an Nhân dân được điều tra tất cả các tội phạm về ma túy. “Trong khi đó, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển cũng được tiến hành điều tra ban đầu một số tội phạm về ma túy nhưng không phải toàn diện trên tất cả công đoạn. Chỉ thị số 36 ngày 16.8.2019 của Bộ Chính trị về tăng cường nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy cũng xác định rất rõ lực lượng Công an Nhân dân là nòng cốt và chủ trì trong công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy”, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.

Nhật An