Sổ tay

Quy định vênh, khó xử phạt

- Thứ Sáu, 30/07/2021, 06:13 - Chia sẻ
Đánh giá 12 năm thi hành Nghị định số 55/2009/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới cho thấy, văn bản này không đồng nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) như: mức phạt tiền tối đa, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, việc phân định thẩm quyền xử phạt; đồng  thời một số quy định tại nghị định nằm rải rác và có sự trùng lặp ở các văn bản quy phạm pháp luật khác trong nhiều lĩnh vực nhưng lại không thống nhất về mức phạt.

Đơn cử, Khoản 7, Điều 40 Luật Bình đẳng giới quy định “Lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức hoặc xúi giục, ép buộc người khác phá thai vì giới tính của thai nhi” là hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, Nghị định số 55/2009/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới lại không quy định chế tài đối với hành vi “Lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức” mà chỉ quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi “Xúi giục người khác phá thai vì giới tính của thai nhi”.

Hiện, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang xây dựng Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới. Dự thảo có 4 chương, 23 điều (giảm 1 chương, 5 điều so với Nghị định số 55/2009/NĐ-CP), trong đó xác định những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới, những hình thức xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả, cũng như quy định rõ thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân và tổ chức trong lĩnh vực bình đẳng giới.

Cụ  thể, đối với các nhóm hành vi vi phạm trong lĩnh vực bình đẳng giới liên quan đến một nội dung đã được quy định cụ thể trong các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khác, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất bổ sung quy định viện dẫn việc áp dụng sang các nghị định quy định xử phạt hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan như: các hành vi vi phạm quy định riêng đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới bị xử phạt theo quy định tại nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…

Đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực bình đẳng giới đang được quy định trong các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khác, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất tách thành hành vi riêng và bổ sung vào dự thảo, chẳng hạn: phân công công việc mang tính phân biệt đối xử giữa nam và nữ dẫn đến chênh lệch về thu nhập hoặc chênh lệch về mức tiền lương, tiền công, cơ hội đào tạo thăng tiến của những người lao động có cùng trình độ, năng lực vì lý do giới tính... 

Ngoài  ra, dự  thảo cũng đề xuất điều chỉnh nâng mức phạt tiền, đồng thời bỏ hình thức xử phạt cảnh cáo đối với một số hành vi nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa chung. Chẳng  hạn, tại  Điểm c Khoản 2, dự thảo quy định: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi: Tự mình hoặc xúi giục người khác thực hiện hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu mang tính phân biệt đối xử về giới dưới mọi hình thức.

Bảo Anh