Quy hoạch - công cụ để phát triển nhanh, bền vững

- Thứ Sáu, 26/11/2021, 04:53 - Chia sẻ
Tại Hội nghị báo cáo và tham vấn về Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra hồi cuối tháng 11.2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đưa ra 5 quan điểm cốt lõi khi quy hoạch vùng này.

Theo đó, việc phát triển bền vững trên cả ba trụ cột là kinh tế - xã hội - môi trường phải là quan điểm chủ đạo, lấy yếu tố con người làm trung tâm, trở thành chìa khóa cho tăng trưởng và phát triển, lấy thích ứng với biến đổi khí hậu làm cách thức phát triển phổ biến. Thứ hai là thúc đẩy đổi mới, sáng tạo nhằm biến thách thức thành cơ hội. Thứ ba là phải thay đổi mô hình phát triển theo hướng tập trung hơn, phát triển các trung tâm kinh tế, các đô thị động lực, tập trung nguồn lực để tạo các “quả đấm thép” cho sự phát triển của vùng. Thứ tư là tăng cường liên kết, xác định các định hướng và ưu tiên phát triển rõ ràng của toàn vùng và từng tiểu vùng. Và cuối cùng, đầu tư là giải pháp tối quan trọng trong giai đoạn đầu của quy hoạch vùng.

Thời gian qua, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên tốc độ phát triển chưa tương xứng, chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế. Bởi vậy, tại Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến hoàn thiện Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã nhấn mạnh, quy hoạch vùng là công cụ quan trọng hàng đầu để định hướng đầu tư phát triển nhanh và bền vững, trong đó ưu tiên cao nhất là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Hiện nay, 4 quy hoạch quốc gia của ngành giao thông vận tải đã được ban hành, quy hoạch hàng không đang trong quá trình phê duyệt. Do đó, cần tiếp tục cập nhật các quy hoạch ngành quốc gia này vào quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long, bởi muốn phát triển được thì việc đầu tiên mà các địa phương cần tập trung thực hiện là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, giúp tăng cường liên kết, phát huy vai trò, thế mạnh của vùng.

Tuy nhiên, có quy hoạch là một chuyện, điều quan trọng không kém là công tác lập kế hoạch triển khai như thế nào vì không tổ chức thực hiện có hiệu quả thì sẽ trở thành quy hoạch “treo". Do đó, sau khi có quy hoạch, các địa phương cần chủ động lên kế hoạch, phân kỳ đầu tư, huy động nguồn lực từ doanh nghiệp tham gia đầu tư các dự án. Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, các địa phương cần tập trung huy động nguồn vốn xã hội hóa để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Và để huy động được doanh nghiệp tham gia phải trên cơ sở đã có quy hoạch.

Bên cạnh đó, không gian phát triển vùng cần gắn với hệ thống các đầu mối về công nghiệp; chú trọng sâu phát triển không gian biển gắn với phát triển kinh tế biển, trước mắt là hệ thống đường ven biển, cảng biển, hệ thống logistics. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia nghiên cứu đề xuất các giải pháp, chương trình, dự án cụ thể bảo đảm hiệu quả, khả thi để có thể triển khai được ngay quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển; đồng thời là cơ sở để định hướng cho việc lập, triển khai các quy hoạch tỉnh một cách thống nhất, đồng bộ.

Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long sau khi được phê duyệt sẽ là cơ sở cho việc điều phối liên kết phát triển vùng và phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả. Vậy nhưng, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để bảo đảm thực hiện được đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong quá trình lập quy hoạch tỉnh để cụ thể hóa quy hoạch vùng cũng như trong huy động, phân bổ nguồn lực đầu tư của từng địa phương. Đặc biệt, phát triển hạ tầng phải đi trước một bước để tạo nền tảng cho tăng trưởng nhanh, ổn định, bền vững.

Ninh Hà