Quy hoạch, sử dụng đất hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí

- Thứ Năm, 14/10/2021, 06:32 - Chia sẻ
Chiều qua, cho ý kiến về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025 cấp quốc gia (Quy hoạch), các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, cần thống nhất mốc thời gian tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm quy hoạch đất đai phải đi trước một bước, làm cơ sở cho quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Đặc biệt phải quy hoạch, khai thác, sử dụng đất thực sự có hiệu quả, phòng chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực và lợi ích nhóm trong sử dụng đất.
Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Cần điều chỉnh tầm nhìn đến năm 2050 

Cho ý kiến về Quy hoạch, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, các danh mục hồ sơ đã được Chính phủ chuẩn bị khá đầy đủ. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chỉ rõ, xuyên suốt quá trình chuẩn bị hồ sơ Quy hoạch, Chính phủ đều xây dựng trên tinh thần tầm nhìn đến năm 2050, thể hiện thông qua Nghị quyết số 67/NQ-CP của Chính phủ ngày 12.5.2020 đã phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chỉ thị số 22/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 11.8.2021 về đẩy mạnh công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp cũng quy định, xây dựng kế hoạch sử dụng đất 5 năm, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Do vậy, cần điều chỉnh lại tầm nhìn của quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2050 thay vì 2045 như Tờ trình của Chính phủ, nhất là khi quy hoạch của Thủ đô Hà Nội, quy hoạch giao thông vận tải, quy hoạch của các tỉnh đều làm đến năm 2050. Hơn nữa, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, “theo Luật Quy hoạch, quy hoạch quốc gia phải có tầm nhìn từ 30 - 50 năm, nếu để tầm nhìn đến năm 2045, tức là chỉ có 25 năm, là chưa đúng luật”.

Bên cạnh đó, một vấn đề khiến các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn là Chính phủ đề nghị Quốc hội biểu quyết về việc UBND cấp tỉnh căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng mà không phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận theo quy định của Điều 58 của Luật Đất đai, đồng thời bãi bỏ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, thực hiện theo đề nghị của Chính phủ thì tại Nghị quyết của Quốc hội về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sẽ có nội dung khác với quy định của Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp hiện hành. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 15 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quốc hội có thể ban hành nghị quyết để “thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành”. Tuy nhiên, dự thảo Nghị quyết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia không được xây dựng theo trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, việc đề nghị bãi bỏ quy định của Luật Đất đai tại Nghị quyết về Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là không phù hợp.

Mặt khác, theo điểm b, khoản 1, Điều 58 quy định, đất trồng lúa dưới 10ha và đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ dưới 20ha, nếu địa phương quyết định chủ trương chuyển đổi phải báo cáo HĐND, sau đó UBND tỉnh mới triển khai. Theo đề nghị của Chính phủ, cho phép UBND cấp tỉnh thực hiện chuyển đổi mục đích trên 10ha đất trồng lúa và trên 20ha đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ mà không phải báo cáo Thủ tướng thì rõ ràng có độ "vênh" trong quy định của pháp luật.
Từ những phân tích trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cần hết sức cân nhắc đề xuất này. "Nếu Quốc hội chấp nhận kiến nghị này thì phải ban hành nghị quyết riêng với tinh thần thực hiện thí điểm", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh. 

Tránh tình trạng đầu cơ đất

Trong giải pháp về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đặc biệt chú trọng giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai để điều tiết nguồn thu. Cho rằng việc Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai là cơ sở quan trọng để bảo đảm sử dụng đất có hiệu quả, tiết kiệm trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn, “vừa rồi, sử dụng đất đai chưa tiết kiệm, chưa hiệu quả. Tới đây, chúng ta phải siết chặt chính sách về thuế đất. Thuế đất phải tăng lên, trừ thuế đất trong lĩnh vực nông nghiệp. Đối với đất phi nông nghiệp, việc tăng thuế nhằm tránh đầu cơ đất để giữ giá. Đất phải được đưa vào sử dụng, mới không lãng phí tài nguyên đất, chứ không phải cứ găm đất, để đó bao nhiêu năm, đợi lên giá rồi bán trao tay". 

Liên quan đến phân loại đất, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cũng đề nghị Chính phủ cần rà soát, đánh giá đúng hiện trạng sử dụng đất. Trong Tờ trình của Chính phủ dự kiến, đến năm 2030 đất nông nghiệp giảm 251.000ha, đất phi nông nghiệp tăng 965.000ha, đất khu kinh tế tăng 15,4 nghìn hecta, đất khu công nghệ cao tăng 510.000ha, đất đô thị tăng 925.000ha, đất chưa sử dụng giảm 715.000ha. Như vậy, tổng đến năm 2030 giảm 966.000ha, tăng hơn 1 triệu hecta. Nhưng thực sự đã cân xứng chưa? Dù chúng ta có mở thêm diện tích đất, bằng cách xét thêm diện tích đất lấn biển, cũng khó có thể tăng hàng triệu hecta. Do vậy, cần tiếp tục rà soát kỹ số liệu, thông qua đó để đánh giá, quy hoạch, sử dụng đất hiệu quả hơn.

Quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, trở thành công cụ để Nhà nước thống nhất quản lý đất đai, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên đất, phân bổ nguồn lực đất đai, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo việc làm mới, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an ninh quốc phòng, an ninh lương thực. Tuy nhiên, với việc nhìn lại những hạn chế trong kế hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 - 2015, 2016 - 2020) đã cho thấy thực tế việc phân bổ một số chỉ tiêu sử dụng đất theo vùng chưa hợp lý, làm ảnh hưởng đến việc khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, từng vùng. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chỉ ra, việc quản lý quy hoạch chưa tốt, điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, có nơi còn tùy tiện, có tình trạng quy hoạch treo, dự án treo đã gây ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân.

Trong Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) cấp quốc gia, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, phải thống nhất mốc thời gian tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm quy hoạch đất đai phải đi trước một bước, làm cơ sở cho quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Đặc biệt phải bảo đảm quy hoạch, khai thác, sử dụng đất thực sự có hiệu quả, phòng chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực và lợi ích nhóm trong sử dụng đất.

Anh Thảo