Quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng

- Thứ Hai, 06/12/2021, 05:53 - Chia sẻ
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những năm gần đây, ngành sản xuất nông nghiệp của Đồng Nai đã bị thiệt hại khá lớn. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Sỹ cho biết, giải pháp trọng tâm nhất hiện nay là phải quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp. Sử dụng các loại giống bản địa làm gốc ghép, giống lai có khả năng chống chịu sâu bệnh, điều kiện bất thuận; ứng dụng công nghệ sinh học để nâng cao chất lượng, chọn tạo giống đáp ứng yêu cầu.

Mất mùa, dịch bệnh do thời tiết biến đổi thất thường

 Dưới tác động của đô thị hóa, công nghiệp hóa và gia tăng dân số, các yếu tố như nhiệt độ, lượng mưa, hạn hán, xâm nhập mặn thay đổi tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tân Phú Nguyễn Nhật Hồng cho rằng, biến đổi khí hậu đang tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân. Sự gia tăng lượng mưa hằng năm là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở bờ sông, xói mòn đất đồi. Chu kỳ mùa mưa đến sớm và kết thúc muộn cũng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các loại cây trồng theo mùa vụ.

Ngược lại, lượng mưa giảm khiến nhiều khu vực tại huyện Cẩm Mỹ bị suy giảm nguồn nước ngầm nghiêm trọng. Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Cẩm Mỹ Chế Văn Thành cho biết, một số khu vực thuộc thị trấn Long Giao, các xã Xuân Đông, Xuân Tây không thể khai thác nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Một số khu vực khác người dân phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng với nguồn nước. Lượng mưa ít khiến nhiều hồ chứa thủy lợi bị cạn vào mùa khô, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác nước mặt phục vụ mục đích sinh hoạt về lâu dài.

Đối mặt với thách thức khác, tại huyện Nhơn Trạch, những năm gần đây, diện tích đất trồng lúa liên tục giảm do chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nhiều khu vực, người dân chủ động chuyển sang nuôi thủy sản và trồng cây ăn quả vì xâm nhập mặn và hạn hán. Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Khánh (huyện Nhơn Trạch) Bùi Văn Trung cho biết, trước đây xã chủ yếu trồng lúa nước. Sau này, do ảnh hưởng của xâm nhập mặn người dân chuyển sang trồng mía. Vài năm trở lại đây, cây mía không mang lại hiệu quả kinh tế nên người dân chuyển sang nuôi tôm và trồng cây ăn trái.

Ông Nguyễn Văn Lý (xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) cho hay, vài năm trở lại đây, nông dân trồng xoài thường thất thu do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết. Đây là cây trồng khá nhạy cảm với thời tiết nên rủi ro mất mùa, dịch hại tấn công ngày càng cao khi xảy ra biến đổi khí hậu.

Trên thực tế, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những năm gần đây, ngành sản xuất nông nghiệp của Đồng Nai đã bị thiệt hại khá lớn. Theo Sở NN-PTNT tỉnh này, năm 2017 có trên 40.000ha cây xoài, điều của Đồng Nai bị mất mùa, dịch bệnh do ảnh hưởng của mưa trái mùa, gây thiệt hại khoảng 1,4 nghìn tỷ đồng. Nhiều loại cây trồng như bưởi, xoài, thanh long... cũng gặp cảnh mất mùa, dịch bệnh tấn công do thời tiết biến đổi thất thường.

Trồng rau trong nhà kính tại Đồng Nai

Nguồn: ITN 

Đồng bộ các giải pháp công nghệ

Theo Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Sỹ, trong thực tế sản xuất nông nghiệp, người nông dân ngày càng phải quan tâm đến các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Ông Sỹ cho rằng, giải pháp trọng tâm nhất hiện nay là phải quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp như tăng tỷ lệ giống ngắn ngày. Sử dụng các loại giống bản địa đã phục tráng; sử dụng giống bản địa làm gốc ghép, giống lai có khả năng chống chịu sâu bệnh, chống chịu với điều kiện bất thuận (hạn, mặn, đổ ngã); ứng dụng công nghệ sinh học để nâng cao chất lượng, chọn tạo giống đáp ứng yêu cầu.

Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về sử dụng nước tưới, phân bón, luân canh, xen canh, che phủ đất, hạn chế dòng chảy, quản lý dịch hại và ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường nông thôn, sử dụng tiết kiệm tài nguyên cần được chú trọng.

Đến năm 2020, Đồng Nai đã đưa 64 dự án ứng phó với biến đổi khí hậu vào danh mục ưu tiên với tổng vốn đầu tư hơn 2,9 nghìn tỷ đồng. Các dự án này chủ yếu tập trung cho công tác chống ngập, thoát nước, các hồ đập thủy lợi và công trình chống xâm nhập mặn.

Đồng thời, tỉnh Đồng Nai cũng đã triển khai hàng loạt dự án điều tra, khảo sát, nghiên cứu đánh giá cơ bản về tiềm năng nguồn nước, hiện trạng và khả năng khai thác sử dụng tài nguyên nước phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội như dự án điều tra, đánh giá sơ bộ tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh. Điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt trên địa bàn tỉnh; điều tra, đánh giá xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất, lập danh mục khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất tỉnh Đồng Nai…

Có thể thấy, phần lớn các dự án trên đã được triển khai và hoàn thành. Căn cứ vào các kết quả này, tỉnh Đồng Nai đã đưa ra các định hướng trong việc hạn chế cấp phép khai thác nước dưới đất, bố trí và quy hoạch mạng lưới cấp nước nhằm bảo đảm cung cấp đủ nước sạch nhưng vẫn không làm cạn kiệt nguồn nước ngầm.

Được biết, Đồng Nai còn là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước đã lập quy hoạch tài nguyên nước đến năm 2020 với đầy đủ các nội dung quy hoạch phân bổ, bảo vệ và phòng chống tác hại theo quy định. Kết quả lập quy hoạch đã phân bổ tài nguyên nước mặt, nước dưới đất phục vụ 100% nhu cầu nước sinh hoạt, nước sản xuất nông nghiệp và bảo đảm dòng chảy môi trường, phòng chống ô nhiễm, xâm nhập mặn và khả năng khai thác bền vững nước dưới đất tại 12 tiểu lưu vực với trữ lượng 5,04 triệu mét khối/ngày.

Thảo Anh