Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch Covid-19

Quy mô bao nhiêu cho đủ?

- Thứ Sáu, 05/11/2021, 06:49 - Chia sẻ
Chính phủ đang hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh Covid-19 trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua, trong đó có đề xuất quy mô gói hỗ trợ. Vấn đề rất được quan tâm hiện nay là quy mô gói hỗ trợ này nên bao nhiêu cho đủ?
	Quy mô gói hỗ trợ mới nên từ 8 - 10% GDP mới đủ sức tạo tác động. Ảnh: Đan Thanh
Quy mô gói hỗ trợ mới nên từ 8 - 10% GDP mới đủ sức tạo tác động.
Ảnh: Đan Thanh

Dư địa để hỗ trợ rất lớn

Nhìn vào thực tế triển khai các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu tác động của đại dịch Covid-19 thời gian qua, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho rằng “còn rất khiêm tốn” và mới chỉ dừng ở việc giảm thuế, gia hạn thời gian nộp thuế, tức mới chỉ giúp giảm bớt phần nào khó khăn và hầu như chưa có tác động trực tiếp. “Nếu ví nền kinh tế đang như người ốm do Covid-19, các gói hỗ trợ trước đó mới chỉ giúp họ có thể đứng dậy đi lại chậm chạp. Bây giờ, muốn nền kinh tế phục hồi nhanh, thúc đẩy tăng trưởng thì nhất thiết phải có gói hỗ trợ với quy mô lớn hơn trước rất nhiều mới đủ sức tạo tác động”, ông Sinh nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, chúng ta có đủ dư địa để thiết kế gói hỗ trợ này nếu không muốn nói dư địa vẫn rất lớn. Trước hết, trần nợ công hiện xuống thấp với khoảng 44% GDP, thấp hơn nhiều so với ngưỡng cảnh báo 55%. Mặt khác, tiềm lực ngoại hối của Việt Nam hiện khá lớn với khoảng 100 tỷ USD dự trữ. Cùng với đó, Việt Nam cũng đã có kinh nghiệm từ việc thực hiện gói hỗ trợ khủng hoảng kinh tế giai đoạn 2008 - 2009.

Còn theo TSKH. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, các gói hỗ trợ lần trước được đưa ra để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp không những rất nhỏ mà thủ tục còn phiền hà khiến triển khai chậm, chưa được như mong muốn. Trong khi đó, các nước đều đã có gói hỗ trợ với quy mô rất lớn, thường ở hai con số so với GDP. “Nếu Việt Nam không sớm có gói hỗ trợ với quy mô đủ lớn sẽ cực bất lợi trong cuộc đua phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Song, trước khi thiết kế gói này, cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm của việc thực hiện các gói hỗ trợ từ năm 2020 đến nay cũng như tham khảo kinh nghiệm của thế giới cả về quy mô, cách làm, để bảo đảm gói hỗ trợ lần này phải thực sự thúc đẩy nền kinh tế phát triển”, ông Lược nhấn mạnh.

Dự kiến Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch Covid-19 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng sẽ thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2023, gồm 4 chương trình thành phần: Chương trình tổng thể mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh Covid-19; Chương trình an sinh xã hội và việc làm; Chương trình phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Khi triển khai sẽ giúp tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 6,4 - 6,8%/năm, cao hơn khoảng 1 điểm % so với kịch bản không thực hiện, cơ bản đạt mục tiêu đề ra (6,5 - 7%/năm).

Ít nhất phải đạt 8 - 10% GDP

Vấn đề được dư luận quan tâm là gói hỗ trợ này nên có quy mô thế nào mới thực sự tạo tác động tích cực với nền kinh tế? Nhiều chuyên gia cho rằng, gói hỗ trợ nên vào khoảng 800.000 tỷ đồng, tương đương 35 tỷ USD (9 - 10% GDP).

Dẫn kinh nghiệm thế giới, ông Cao Viết Sinh cho biết, nhiều nước đặt ra quy mô gói hỗ trợ lên tới 15 - 20% GDP, thậm chí cao hơn. Ngay như với các nước trong khu vực ASEAN cũng đều trên 10% GDP, chẳng hạn Thái Lan với hơn 14%. Do đó, “Việt Nam không thể hỗ trợ thấp ở mức một vài phần trăm GDP mà ít nhất phải đạt từ 8 - 10% GDP mới đủ sức để tạo ra sự thay đổi, khôi phục và thúc đẩy kinh tế”, ông Sinh nhấn mạnh.

Về nguồn lực thực hiện, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, có thể từ nguồn tiền vay trong dân (cách mà nhiều nước thường làm), hoặc vay từ ngân hàng (Bộ Tài chính vay từ việc mua trái phiếu của ngân hàng) và phải có lộ trình trong năm 2022 - 2023 theo tiến độ thực hiện các chương trình, dự án. Chẳng hạn, nếu làm hạ tầng thì thời gian đầu năm 2022 sẽ chuẩn bị dự án, cuối năm 2022 - đầu năm 2023 giải ngân. “Nguồn vốn phải tập trung vào các dự án trọng điểm, chứ không phải phân tán, chia đều cho các bộ ngành một cách rời rạc”, ông Cao Viết Sinh lưu ý.

TSKH. Võ Đại Lược bổ sung, Chính phủ xác định đẩy mạnh đầu tư công là một trong những động lực quan trọng để khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế. Do đó, cần triển khai tích cực công tác này.

Riêng với gói hỗ trợ doanh nghiệp, “quan sát đa số các nước làm nhưng hiệu quả không cao”, ông Lược thông tin. Theo ông, cần đặt đại dịch Covid-19 cũng là cơ hội để sàng lọc những doanh nghiệp yếu kém. Do vậy, cần tập trung hỗ trợ những doanh nghiệp có khả năng vươn lên, bứt phá thay vì hỗ trợ doanh nghiệp đang “ngắc ngoải”. “Hỗ trợ quan trọng nhất là phải tạo việc làm cho doanh nghiệp, bằng cách gia tăng đầu tư công, đầu tư kết cấu hạ tầng, chuyển đổi số sẽ tạo cơ hội trực tiếp cho doanh nghiệp; đồng thời phải đẩy mạnh cải cách, bao gồm đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, cải cách doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt, phải xóa bỏ cơ chế xin cho”, ông Lược đề xuất.

Các chuyên gia cũng lưu ý, cần sớm ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch, bảo đảm triển khai nhanh chóng, quyết liệt, có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên để không bị lỡ nhịp so với thế giới.

Đan Thanh