Quý trọng mỗi đơn hàng đến dân !

- Thứ Bảy, 28/08/2021, 16:00 - Chia sẻ
Tại livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời" tối ngày 26.8, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Quang Tự Do cho biết, sau khi báo chí phản ánh có người dân nhờ cán bộ đi chợ hộ nhưng sau đó không nhận hàng, nhiều phường ở TP. Hồ Chí Minh cũng đã xác nhận có tình trạng này.

Từ ngày 23.8, TP Hồ Chí Minh triển khai thực hiện đi chợ giúp người dân. Đây là một trong những giải pháp nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu trong giai đoạn thành phố thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt, cấp bách phòng chống dịch Covid - 19. Theo đó, việc cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân được thực hiện qua phương thức đi chợ hộ do tổ hậu cần địa phương, tổ Covid-19 cộng đồng, các lực lượng tình nguyện tại địa phương và lực lượng công an, quân đội với tần suất 1 lần/tuần, phân phối trực tiếp đến người dân và người dân trả tiền.

Số liệu thống kê của Sở Công thương cho thấy, trong ngày 24.8, đã có 74.033 trên tổng số 2.183.247 hộ dân hộ dân của thành phố đăng ký đơn hàng. Các hệ thống phân phối đã cung ứng được 70.337 đơn, số còn lại sẽ được phân phối trong ngày 25/8. Ngoài ra, đã có 274.633/590.859 hộ đăng ký túi an sinh. Đây là nỗ lực rất lớn của các cơ quan chức năng. Vậy nhưng đáng tiếc, đã có những hành động khó chấp nhận như "đặt thử xem có đi mua thật không".

Có thể những người "thử đặt hàng" này có nhu cầu nhưng vẫn còn "hoài nghi". Nhưng cũng rất có thể những người này không có nhu cầu - và khả năng này cao hơn. Vậy nhưng trong trường hợp nào thì hành động này cũng đã gây khó khăn cho lực lượng chức năng, thậm chí gián tiếp ảnh hưởng đến những người đang có nhu cầu, đang cần được giúp đỡ thực sự bởi nhân lực để đi chợ hộ cho người dân không nhiều, trong khi nhu cầu thực tế rất lớn. Những người đi chợ hộ, nhưng người lính "vì nhân dân quên mình" đã phải căng mình để để kịp đáp ứng nhu cầu người dân, cho nên, lời giải thích "thử cho biết" là không thể chấp nhận.

Mô hình đi chợ hộ đã được triển khai tại nhiều địa phương là phù hợp với thực tế, mang lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên, do đặc thù của của mỗi địa phương nên trong quá trình thực hiện cần thiết phải có những điều chỉnh để nắm bắt đúng, trúng, kịp thời nhu cầu của người dân. Đặc biệt với hành vi đặt hàng nhưng khi cán bộ giao hàng lại không nhận, các cơ quan chức năng cần có biện pháp ngăn chặn kịp thời chứ không thể giải thích đơn giản là "thử cho biết" là xong. Trong khó khăn là lúc ý thức tránh nhiệm cộng đồng cũng chia sẻ những hạn chế nguồn lương thực, thực phẩm ; cũng  khắc phục hạn chế không mong muốn; quý trọng mỗi đơn hàng đến dân;  không thể là lúc " bông đùa" với các biện pháp giúp dân có nguồn lương thực, thực phẩm trong giãn cách nghiêm ngặt  chống dịch bùng phát trở lại  nguy hiểm !

Hiện nay, kênh phân phối của TP. Hồ Chí Minh gồm 76 siêu thị, 1.687 cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm bình ổn, 502 điểm tạp hóa, chợ. Sau khi siết chặt việc giãn cách xã hội, nhiều siêu thị đã tạm dừng dịch vụ bán hàng lẻ trực tiếp, bán hàng giao hàng tận nơi để tập trung nhân lực cung ứng hàng hóa cho khách hàng thông qua các ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính quyền với các hình thức đi chợ giúp, mua chung... Nhưng khó khăn hiện nay là chỉ có 10% nhân sự ở các siêu thị được đi làm nên dẫn đến thiếu hụt, nhiều thời điểm bị quá tải.

 

Khương Ninh