Quyền tiếp cận vaccine

- Thứ Tư, 24/02/2021, 05:50 - Chia sẻ
Bộ Y tế đã sẵn sàng để cuối tháng 2 này tiếp nhận hơn 204.000 liều trong tổng số 4,8 triệu liều vaccine phòng Covid-19 viện trợ từ cơ chế tiếp cận toàn cầu. Bộ cũng đã ban hành hướng dẫn nêu rõ có 11 nhóm đối tượng ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 đầu tiên.

Không phải bàn cãi về việc ưu tiên tiêm phòng trước cho nhân viên y tế, lực lượng bộ đội, công an, lực lượng lao động phục vụ ở khu cách ly, tuyến đầu chống dịch, người dân vùng có dịch và nhóm người cao tuổi, có bệnh nền… Nhưng về lâu dài, cần có những điều kiện gì để bảo đảm tính công bằng, để mọi người dân đều có thể tiếp cận vaccine?

Theo Bộ Y tế, ước tính năm 2021, để tiêm đủ dân số, Việt Nam cần tới 150 triệu liều vaccine. Nhưng đến nay, Bộ Y tế mới đàm phán chắc chắn được 60 triệu liều từ chương trình COVAX và từ Hãng AstraZeneca cam kết cung cấp cho Việt Nam. Bộ Y tế cho biết, bên cạnh nhóm ưu tiên trên, khi nguồn cung vaccine tăng lên, việc tiêm chủng sẽ mở rộng nhiều nhóm đối tượng và theo yêu cầu. Với hình thức tiêm dịch vụ, người dân có nhu cầu có thể tiếp cận vaccine một cách công bằng với tiêu chí công khai, minh bạch về chi phí, hiệu quả. Tuy vậy, với hình thức này, người nghèo có khả năng tiếp cận không?

Theo lý thuyết về dịch tễ học, tối thiểu cần trên 80% dân số được chủng ngừa để đạt miễn dịch cộng đồng. Cơ chế này sẽ làm tác nhân gây bệnh không thể tìm thấy đủ số lượng cá thể để trú ẩn, nhân lên và lây nhiễm, qua đó có thể sớm đẩy lùi đại dịch. Để có được tỷ lệ bao phủ như trên là thách thức vô cùng lớn của các quốc gia không riêng gì nước ta. Mới đây, Mexico đã lên tiếng về bất bình đẳng vaccine phòng Covid-19 ở khu vực Mỹ Latin khi Mexico và Brazil là hai quốc gia có số ca tử vong do Covid-19 cao thứ hai và thứ ba trên thế giới nhưng hiện nước này mới nhận được 750 nghìn liều vaccine, dù họ đã ký hợp đồng mua tới 230 triệu liều. Hiện các nước giàu có hơn như Mỹ, Israel, Trung Quốc và Anh đang dẫn đầu danh sách các quốc gia được tiêm nhiều vaccine nhất cho đến nay.

Thực tế, trong cuộc chạy đua sở hữu vaccine đến thời điểm này, có tới 90% số lượng vaccine được tiêm tại 11 quốc gia giàu có, trong khi tại các nước nghèo, vaccine còn chưa đủ cho cả những đối tượng cần ưu tiên. Mặc dù có hơn 20 loại vaccine Covid-19 đang được phát triển hoặc được chấp thuận sử dụng, các quốc gia có thu nhập thấp hơn vẫn đối mặt những thách thức lớn về hậu cần để mua sản phẩm chủng ngừa và cung cấp cho người dân.

Sự bất bình đẳng này còn tiếp diễn thì sẽ còn có hàng tỷ người trên thế giới không được tiêm phòng trong những năm tới. Dẫu nhiều lần WHO đã cảnh báo đại dịch Covid-19 là vấn đề của toàn nhân loại, việc các nước giàu, người giàu tìm cách sở hữu vaccine cũng không giúp họ an toàn nếu các nước nghèo, người nghèo vẫn đứng trước nguy cơ lây nhiễm. Vaccine Covid-19 sẽ không thể giúp chấm dứt đại dịch trừ khi tất cả các quốc gia được nhận sản phẩm nhanh chóng và công bằng.

Mặc dù vaccine là niềm hy vọng lớn nhất để đưa cuộc sống trở lại bình thường nhưng quan trọng hơn là phân phối thế nào hợp lý và công bằng giữa các địa phương, khu vực, đất nước. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó. Chúng ta đã được báo chí quốc tế ca ngợi về thành công trong chống Covid-19 dù là nước có thu nhập trung bình thấp, đầu tư cho y tế còn nhiều hạn chế, song đã phòng chống đại dịch Covid-19 hiệu quả nhờ sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời, “thần tốc và truy vết”, huy động được sự tham gia của toàn thể người dân. Vì vậy, tin tưởng rằng vaccine phòng Covid-19 khi về Việt Nam sẽ bảo đảm mọi người dân đều có quyền được tiếp cận. Cùng với đẩy mạnh hợp tác, đàm phán nguồn vaccine phòng Covid-19 từ bên ngoài, phải nỗ lực thúc đẩy quá trình nghiên cứu, phát triển vaccine phòng Covid-19 “made in Việt Nam”, phải đa dạng hóa nhiều nguồn cung ứng vaccine. Đó chính là chìa khóa giúp chúng ta an toàn trước đại dịch.

Không phải ngẫu nhiên mà cuộc đua tìm kiếm vaccine được coi là “cuộc đua của trách nhiệm”. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyeus nhấn mạnh rằng: “cuộc đua tìm kiếm vaccine là kết quả của sự đoàn kết quốc gia, đoàn kết toàn cầu và là chiến thắng của tinh thần nhân loại”. Dù tất cả mọi người đều cần vaccine nhưng giữa lúc lượng vaccine còn hạn chế, cần sự chia sẻ và hợp tác của các quốc gia, dân tộc để người dân có quyền tiếp cận công bằng với loại vaccine mới.

Chi An