Cục hàng hải Việt Nam

Quyết liệt khơi thông hàng hóa tại cảng biển khu vực phía nam

- Thứ Ba, 17/08/2021, 10:49 - Chia sẻ
Những ngày qua, do thực hiện áp dụng giãn cách xã hội để chặn nguy cơ lây lan của dịch Covid-19 nên tỷ lệ khách hàng lấy container ra khỏi Cảng Cát Lái - cảng biển đang đảm nhận 40% hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam - đứng trước nguy cơ tắc nghẽn do khó khăn trong công tác giải phóng hàng nhập và kéo theo sự ảnh hưởng xấu có khả năng gây “ùn ứ” hàng hóa tại Khu cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải thuộc địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, khiến “đứt gãy” chuỗi cung ứng vận tải trong khu vực …
Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang và các thành viên Sở chỉ huy tiền phương đi thị sát và đánh giá tình hình tại cảng
Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang và các thành viên Sở chỉ huy tiền phương đi thị sát và đánh giá tình hình tại cảng

Đồng bộ, hiệu quả và linh hoạt giải pháp để “hạ nhiệt”…

Trước tình hình trên, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang đã thành lập Sở chỉ huy tiền phương của Cục Hàng hải Việt Nam để tháo gỡ ách tắc, đảm bảo duy trì hoạt động của các cảng biển khu vực phía Nam và trực tiếp kiểm tra hiện trường, khảo sát năng lực các cảng, ICD … tại khu vực TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Đồng Nai và trực tiếp chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ quan quản lý về hàng hải triển khai giải pháp đồng bộ, hiệu quả và linh hoạt các giải pháp trong xử lý tình huống. Nhờ đó, tình hình sản xuất tại các cảng biển nơi đây đã diễn ra thuận lợi, thông suốt; các chỉ số giao nhận, tồn bãi cơ bản được kiểm soát tốt; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hàng xuất nhập khẩu thông qua cảng…

Cảng Cát Lái tạm nhận dừng nhiều loại hàng hoá
Do dịch Covid-19 nên tỷ lệ khách hàng lấy container ra khỏi Cảng Cát Lái đứng trước nguy cơ tắc nghẽn, kéo theo sự ảnh hưởng xấu có khả năng gây ùn ứ hàng hóa tại Khu cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải

Từ việc lắng nghe tình hình thực tế ở các bến cảng, đến thường xuyên cùng ngồi họp với các chủ hàng có hàng tồn ở Cảng Cát Lái để thống nhất phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc… theo đó, các nhóm giải pháp đã được lãnh đạo ngành hàng hải đưa ra. Trong đó, tập trung vào 4 nhóm doanh nghiệp: Nhóm ngưng sản xuất, không nhận hàng; Nhóm ngưng sản xuất nhưng vẫn nhận hàng; Nhóm áp dụng 3 tại chỗ và đang bị ảnh hưởng; Nhóm áp dụng 3 tại chỗ và vẫn hoạt động bình thường. Hàng ngày công tác rà soát nắm bắt và trao đổi thông tin với khách hàng và hãng tàu được duy trì để hỗ trợ sớm giải phóng hàng ra khỏi cảng.

Cùng với đó, Cục Hàng hải Việt Nam còn ban hành nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo đến doanh nghiệp cảng, chủ tàu và chủ thể liên quan để phối hợp có hiệu quả, đồng bộ các giải pháp đã được nghiên cứu, thống nhất: văn bản số 3173 gửi các hãng tàu container nước ngoài đề nghị hỗ trợ điều chỉnh thông tin cảng đích giao hàng là cảng Cát Lái về các cảng khu vực Cái Mép – Thị Vải; văn bản số 3197 yêu cầu các Cảng vụ hàng hải rà soát năng lực các bãi container tại cảng để chủ động điều tiết hàng hóa, tàu biển, xây dựng Phương án điều phối tàu thuyền, hàng hóa tại cảng trong thời gian dịch bệnh Covid-19; xây dựng Quy trình vận tải hàng hải trong điều kiện phòng chống dịch Covid - 19…

Với mục tiêu tăng tốc độ giải phóng container hàng nhập ra khỏi cảng, Tổ công tác đã khuyến khích 43 khách hàng có 666 Teus tồn trên 15 ngày nhanh chóng lấy hàng ra khỏi cảng; đã vận chuyển được 144 Teus hàng tồn đọng trên 90 ngày từ cảng Tân Cảng - Cát Lái đi Tân Cảng - Hiệp Phước. Đồng thời, giảm mức tồn container rỗng tại cảng Tân Cảng - Cát Lái từ 15.715 Teus xuống mức 12.300 Teus trong tuần đầu tháng 8.

Hiện nay, bên cạnh việc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn tăng cường tối ưu hóa hiệu quả sử dụng bãi cảng, tìm thêm các bãi chứa container khu vực ngoài cảng thì các hãng tàu cũng đã chủ động điều tiết, cơ cấu lại các chuyến tàu phù hợp với tình hình tại cảng bằng các giải pháp chủ động giãn tiến độ hàng nhập cho phù hợp với tình hình sản xuất.

Cùng với đó, tại các cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải và các hãng tàu, chủ hàng cũng đồng loạt thực hiện các giải pháp chuyển hướng luồng hàng hạn chế qua Cảng Cát Lái, tăng dung lượng chứa container ở các bãi và đưa ra các chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích các chủ hàng lấy hàng nhanh khỏi cảng.

Vào cuộc quyết liệt, hàng tồn tại cảng đã giảm mạnh

Với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan và địa phương, sự chia sẻ của khách hàng và hãng tàu, đặc biệt là sự quyết liệt của Cục Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và các cơ quan, đơn vị có liên quan đến khó khăn, vướng mắc tại Cảng Cát Lái về vấn đề hàng tồn đã được tháo gỡ kịp thời. Hiện nay, hoạt động khai thác cảng và xuất nhập khẩu hàng hóa đã bình thường trở lại.

Cụm cảng Cái Mép-Thị Vải đã chung tay giảm tải ùn ứ hàng ở Cảng Cát Lái
Cụm cảng Cái Mép-Thị Vải đã chung tay giảm tải ùn ứ hàng ở Cảng Cát Lái

Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cũng đã tổ chức Hội thảo đối thoại khách hàng theo hình thức trực tuyến với hơn 1.200 người tham dự để cập nhật tình hình, thông báo các chính sách của cảng cũng như giải đáp thắc mắc khách hàng. Tại đây, lãnh đạo Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, tính toán mới nhất dung lượng tồn bãi tại cảng Cát Lái chỉ còn khoảng 80%.

 “Đến nay, tình hình sản xuất tại các cảng biển của khu vực nói chung và Cảng cát Lái nói riêng diễn ra thuận lợi, thông suốt; các chỉ số giao nhận, tồn bãi cơ bản được kiểm soát tốt; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hàng xuất khẩu thông qua cảng” - Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang thông tin.

Trước diễn biến phức tạp và lây lan nhanh của dịch bệnh Covid-19 phạm vi toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục đối diện với nguy cơ ngừng, thu hẹp sản xuất. Do đó, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và các cảng biển trên cả nước luôn chủ động sẵn sàng đối phó với các tình huống; nghiên cứu và áp dụng các nhóm giải pháp tại Cảng Cát Lái, tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, phục vụ sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch.

Bảo Ngân