Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước

Quyết liệt, kiên trì, linh hoạt, hiệu quả

- Thứ Hai, 26/07/2021, 06:23 - Chia sẻ
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước trong phiên họp ngày hôm qua, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá, đồng hành Chính phủ, với tinh thần trách nhiệm, sáng suốt và kịp thời, Quốc hội đã có nhiều quyết định quan trọng trong gần 2 năm qua để phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt, ngay tại Kỳ họp thứ Nhất này, Quốc hội đã bổ sung nhiều biện pháp chưa có tiền lệ vào Nghị quyết chung của kỳ họp về chống dịch Covid-19, làm cơ sở pháp lý cho Chính phủ và toàn dân chống dịch hiệu quả.

ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum): Quốc hội đã và đang đồng hành với Chính phủ

Ảnh: Lâm HIển
Ảnh: Lâm Hiển

Dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp, Quốc hội đã và đang đồng hành với Chính phủ trong quá trình phòng, chống dịch. Tôi thống nhất cao với việc Quốc hội cần xem xét, quyết định một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch, thể hiện trong nghị quyết của Quốc hội với nội dung cốt lõi là "cho phép Chính phủ áp dụng một số biện pháp đặc biệt khác với quy định của luật hoặc chưa có trong luật". Song, cần phải xác định rõ giới hạn, phạm vi và thời gian đủ để Chính phủ thực hiện phòng, chống dịch bệnh có kết quả.

Xây dựng, cải cách, hoàn thiện thể chế nhằm cụ thể hóa kịp thời đường lối của Đảng có ý nghĩa quyết định cho sự thịnh vượng của nước ta. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ vấn đề và coi đó là một trong những đột phá chiến lược và đã tổ chức thực hiện có hiệu quả. 6 tháng đầu năm đã thực hiện việc kiện toàn tổ chức bộ máy, đã ban hành 60 nghị định, các bộ đã ban hành nhiều thông tư và trong 5 năm qua Quốc hội đã ban hành 73 luật, 2 pháp lệnh, Chính phủ đã ban hành khoảng 737 nghị định, công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật như thế kể cũng đã công phu. Cùng với việc đơn giản hóa 1.000 thủ tục hành chính gồm 3.900 điều kiện kinh doanh, 6.700 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành đã tạo khung pháp lý thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, việc xây dựng, cải cách thể chế hành chính vẫn còn bộc lộ những hạn chế như: Số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhiều nhưng vẫn còn những nội dung chồng chéo, trùng lặp, chưa thật ổn định. Thủ tục hành chính vẫn còn yếu tố gây phiền hà, nhũng nhiễu, diện mạo, quy mô của hệ thống thể chế trong thời kỳ chuyển đổi và hoàn thiện cơ chế thị trường định hướng XHCN có lúc chưa thật đồng bộ. Quan điểm công tác làm luật phải hướng vào cải cách thể chế và quan điểm Chính phủ cần tập trung vào cải cách thể chế, cho thấy sự coi trọng và thúc đẩy mục tiêu hoàn thiện thể chế và Quốc hội luôn đồng hành với Chính phủ trong quá trình này. Đây cũng là yếu tố quyết định cho sự hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021-2025.

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội): Khẩn trương là cần thiết, nhưng cần đúng đối tượng

Ảnh: Quang Khánh
Ảnh: Quang Khánh

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ quyết định nhiều kế hoạch quan trọng, bao gồm kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công, kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia.

Trong Báo cáo số 231 Chính phủ đã trình ra những kế hoạch, các ngành kinh tế quan trọng, trong đó có những ngành như thủy điện, khai khoáng, vật liệu xây dựng, đó là điều hoàn toàn đúng đắn. Cũng tại kế hoạch đầu tư công trung hạn tới đây sẽ có 4.479 dự án. Tuy nhiên, tất cả những kế hoạch, chương trình này ở các mức độ khác nhau đều có tác động ít nhiều đến môi trường.

Để giảm thiểu tất cả những tác động tiêu cực, tôi xin phép kiến nghị 2 vấn đề. Thứ nhất, Chính phủ chỉ đạo tất cả các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá tất cả những tác động môi trường và đề cao tính thực chất của báo cáo đánh giá tác động môi trường, tránh hời hợt, hình thức. Thứ hai, cần có cơ chế xác định trách nhiệm cụ thể, nhất là trong trường hợp để xảy ra thiệt hại, tuyệt đối không đổ lỗi cho thiên nhiên.

Liên quan đến các gói hỗ trợ trong đại dịch Covid-19, đối với gói 62.000 tỷ đồng, chúng ta thực hiện chưa kịp thời và kết quả chưa được như mong muốn. Rút kinh nghiệm ở gói cứu trợ này thì gói thứ hai là 26.000 tỷ đồng được xây dựng trên tinh thần hết sức thông thoáng. Tôi nghĩ đổi mới là điều hết sức trân trọng nhưng nếu không thận trọng, chúng ta sẽ chuyển từ thái cực này sang thái cực khác. Tôi muốn nói rằng, khẩn trương là cần thiết nhưng nhất định phải đúng đối tượng, không phô trương, không hình thức.

Liên quan đến áp dụng cơ chế hậu kiểm đối với gói cứu trợ, cần cân nhắc tính hợp lý của cơ chế này. Bởi khi kê khai thì người dân chỉ biết nộp hồ sơ, việc xác nhận tính đúng đắn đó là trách nhiệm quản lý nhà nước, của cơ quan công quyền trong thi hành công vụ, khi đã xuất tiền cho người dân thì mặc nhiên là công nhận tính đúng đắn. Mặt khác, chính sách hỗ trợ là thể hiện tính nhân văn cao cả, là hình ảnh của Chính phủ đưa bàn tay để cùng người dân đi qua khó khăn. Do vậy, việc hành xử cũng cần hết sức nhân văn.

ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai): Vaccine - chìa khóa chiến thắng đại dịch

Ảnh: Quang Khánh
Ảnh: Quang Khánh

Với chủ trương hành động "chống dịch như chống giặc", có thể thấy thời gian này đất nước ta như đang trong thời chiến, đang phải chiến đấu với đại dịch, do đó mọi hành động, mọi quyết sách cần phải có sự quyết liệt, quyết tâm cao, kịp thời, linh hoạt, sáng tạo và đồng bộ. Với tinh thần đó, việc Quốc hội bổ sung ngay vào chương trình kỳ họp để xem xét, quyết định một số biện pháp cần thiết chưa có tiền lệ để đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch là việc làm hết sức cần thiết, mang ý nghĩa chính trị, pháp lý rất cao.

Về vaccine, đây sẽ là “chìa khóa” để ta chiến thắng đại dịch. Mặc dù đã rất cố gắng, chủ động vận động mọi kênh, mọi cấp nhưng hiện nay số vaccine chúng ta thực nhận và số người được tiêm còn rất hạn chế. Đến thời điểm này, chúng ta mới có khoảng 10 triệu liều vaccine về tới Việt Nam trên tổng mục tiêu là 150 triệu liều. Chúng ta mới có khoảng 4,5 triệu người được tiêm, trong đó số được tiêm đủ 2 mũi mới chỉ khoảng 1% dân số. Tôi đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế cần đẩy mạnh hơn nữa trong việc đưa vaccine về nước, trong đó có việc khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận, chung tay cùng Chính phủ để đưa vaccine về Việt Nam.

Ở Đồng Nai nơi tôi ứng cử và một số địa phương khác có những doanh nghiệp đã chủ động liên hệ, tiếp cận được nguồn vaccine. Đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ và rất mong được Bộ Y tế quan tâm, hướng dẫn để nhân dân ở các vùng tâm dịch như Đồng Nai chúng tôi sớm được tiêm vaccine. Đặc biệt, cần tập trung nghiên cứu để cấp phép khẩn cấp cho vaccine Nano Covax, chúng ta cần có vaccine “made in Việt Nam” càng sớm càng tốt và hiện nay thì Nano Covax đã thử nghiệm ở giai đoạn 3 và cho kết quả rất khả quan. Do đó, tôi đề nghị Bộ Y tế tiếp tục quan tâm đến vấn đề này.

Về nguồn lực, nước ta đang ở giai đoạn “tiền làm ra thì khó, chi lại phải thật nhiều”, nhất là chi cho chống dịch. Do đó, cần tập trung tối đa nguồn lực cho các nhiệm vụ chi cấp bách. Tôi đề nghị tiếp tục thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí cắt giảm chi thường xuyên. Đề nghị rà soát các dự án đầu tư công để tránh dàn trải, tập trung vốn ngân sách cho công trình trọng điểm, an sinh xã hội và chống dịch.

Cùng với đó, phải tăng cường công tác quản lý thuế, chống thất thu, nợ đọng thuế. Số liệu về nợ đọng thuế đến nay là theo báo cáo đến 116.000 tỷ đồng, tôi cho rằng đây là một câu chuyện rất lớn. Cần tập trung giải ngân các gói hỗ trợ bảo đảm đúng, đủ cho các đối tượng thụ hưởng, nhất là đối với các đối tượng công nhân, người lao động bị mất việc làm, thu nhập. Đến nay số liệu cho thấy giải ngân của gói 62.000 tỷ đồng của chúng ta là rất thấp. Có những nội dung chúng ta chỉ đạt có 0,26%. Đề nghị cần phải rút kinh nghiệm cho gói 26.000 tỷ đồng chúng ta mới được triển khai.

Anh Phương lược ghi