Cải thiện chất lượng không khí ở Hà Nội

Quyết liệt từ nhiều phía

- Thứ Hai, 14/10/2019, 08:11 - Chia sẻ
Trước những thách thức về việc ngày càng gia tăng mức độ ô nhiễm không khí, trong đó có lượng bụi PM2.5, một trong những biện pháp cấp bách để cải thiện chất lượng không khí của Thủ đô ngày một tốt hơn, đó là cần sự nỗ lực, hành động nghiêm túc của các cấp chính quyền và người dân.

Từ hoạt động của con người

Phát biểu tại Hội thảo Hiểu đúng về ô nhiễm không khí do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp với Mạng lưới không khí sạch Việt Nam (VCAP) tổ chức, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam Kidong Park cho biết, trung bình mỗi năm có 7 triệu người chết vì các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí. Trong đó, người dân sinh sống tại các thành phố thu nhập thấp, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ, và công nhân là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Theo số liệu từ nhiều trạm quan trắc tự động trên địa bàn thành phố Hà Nội, từ trung tuần tháng 9 đến nay, chất lượng không khí Hà Nội nhiều ngày ở mức kém. Cụ thể, trong khoảng thời gian từ ngày 12 - 29.9.2019, nồng độ bụi PM2.5 đều có xu hướng tăng, đặc biệt từ ngày 15 - 17.9 và 23 - 29.9 có thời điểm tăng hơn 75%, trong đó giá trị PM2.5 trung bình 24 giờ đều vượt tiêu chuẩn quy chuẩn của Việt Nam. Tuy nhiên, các thông số khác (NO2, O3, CO, SO2) vẫn trong giới hạn cho phép. Các khoảng thời gian ghi nhận giá trị bụi mịn PM2.5 tăng/duy trì ở mức cao thường là đêm và sáng sớm.

Qua việc theo dõi, phân tích số liệu quan trắc trong nhiều năm qua và thời gian gần đây về chất lượng không khí trên địa bàn TP Hà Nội, các chuyên gia cũng như nhà khoa học trong lĩnh vực môi trường khẳng định: xu hướng biến động của PM10 và PM2.5 tại TP Hà Nội, phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết khí hậu, tiếp đó là do hoạt động phát thải của con người, trong đó phần lớn là từ hoạt động sản xuất tại các khu công nghiệp của Hà Nội và các khu vực lân cận.

GS. TS. Hoàng Xuân Cơ - giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đơn cử: mỗi kW/h điện người dân sử dụng mỗi ngày, km chạy xe, hay mỗi ngôi nhà, công trình xây dựng đều góp phần gây ô nhiễm không khí. Về nguyên lý, có mối quan hệ tương quan giữa các điều kiện bất lợi gây ra bởi quá trình tăng trưởng GDP ở các quốc gia, nhất là những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Phát triển, phải chấp nhận đánh đổi, song chọn cách đánh đổi ở mức độ chấp nhận được, vẫn kiểm soát được nguồn phát thải gây ô nhiễm mới quan trọng. Ví dụ: Điện, có thể lượng điện sẽ tăng lên, nhà máy nhiệt điện than sẽ phải tăng lên, nhưng nếu biết áp dụng công nghệ hiện đại thì có thể kiểm soát được. Tương tự trong lĩnh vực giao thông, có thể kiểm soát được chất lượng của xe. Thực tế trong thời gian qua, Nhà nước đã làm được nhiều việc để các nhà máy lớn quy hoạch không ở gần các thành phố lớn, như nhà máy xi măng, nhiệt điện cách thành phố vài chục km. Tuy nhiên, hệ thống kiểm soát, mạng lưới kiểm soát không khí, lượng phát thải còn hạn chế.


Ô nhiễm không khí Hà Nội ở mức báo động

Nhiều giải pháp đã được đưa ra

Với lượng bụi PM2.5, PM10 mà các trạm quan trắc tự động đo được, rồi những đám khói lơ lửng bụi trắng xóa xuất hiện tại nhiều khu vực nội đô, Hà Nội được ví như “ điểm nóng” về ô nhiễm không khí trong những ngày gần đây. Theo đó, đặt vấn đề về trách nhiệm của chính quyền cũng như người dân trong việc hành động như thế nào để giải quyết thực trạng này là điều dư luận quan tâm.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Lưu Thị Thanh Chi nhận biết, thời gian qua, TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện chất lượng môi trường nói chung, không khí nói riêng. Từ năm 2017, Hà Nội đã lắp đặt 10 trạm quan trắc không khí (trong đó có 2 trạm cố định và 8 trạm cảm biến). Hiện 10 trạm quan trắc này hoạt động ổn định, truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường hằng ngày và cập nhật công khai. Theo lộ trình, đến năm 2020, Hà Nội tiếp tục đầu tư thêm 33 trạm, xe quan trắc. Bà Chi cũng cho biết thêm, thành phố cũng tập trung đưa cơ giới hóa vào công tác vệ sinh môi trường như: Xe quét rác, xe gom rác làm giảm bụi và rác tồn đọng. Tại các khu xử lý chất thải rắn trong quá trình đóng bãi, thành phố đầu tư dự án đốt rác phát điện. Hà Nội cũng triển khai chương trình trồng 1 triệu cây xanh... Bên cạnh đó, xác định ô nhiễm không khí còn từ các nguồn dân sinh như: Đun bếp than tổ ong, đốt rơm rạ trên đồng ruộng, để giảm ô nhiễm không khí, Hà Nội đã xây dựng các chương trình hạn chế, tiến tới không đun than tổ ong, không đốt rơm rạ trên đồng ruộng đến 2020.

Tuy nhiên, theo bà Chi, việc giải quyết ô nhiễm không khí ở Hà Nội còn rất nhiều khó khăn, bền bỉ và lâu dài, cần nỗ lực hơn nữa từ cơ quan quản lý, trách nhiệm của mỗi cá nhân...

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh - TS. Hà Đăng Sơn cho biết: Thách thức lớn nhất của Việt Nam hiện nay, đó chính là nước đang phát triển và nhu cầu về nhiệt điện rất lớn. Vì sao chúng ta chưa thể loại bỏ điện than, chấp nhận điện than như yêu cầu để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để bảo đảm không gây phát thải nguồn ô nhiễm môi trường, cần có hệ thống kiểm soát, sử dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại để giảm phát thải.

Theo TS. Nguyễn Đăng Sơn, điều này đòi hỏi chính quyền cần có những hành động cụ thể, như Hà Nội đang là thành phố có mức độ cảnh báo về ô nhiễm không khí, nên chăng thời gian tới cần tăng cường hệ thống theo dõi và giám sát chất lượng không khí, rà soát cẩn thận nhằm phát hiện các nguồn phát thải khí ô nhiễm, đồng thời áp dụng các biện pháp nhằm giảm các chất ô nhiễm tại nguồn; tăng cường mở rộng nền tảng kiến thức, hiểu biết về ảnh hưởng sức khỏe của ô nhiễm không khí cho cộng đồng để có nhìn nhận đánh giá và có ứng xử đúng hơn; thúc đẩy ngành y tế nâng cao nhận thức về lợi ích sức khỏe từ các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí. Đối với người dân, cần trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ bảo vệ môi trường. Bởi đây chính là lúc, chính quyền và người dân cần phải tiến hành hành động quyết liệt để làm sạch không khí vì sức khỏe con người.

Bài và ảnh: Bảo Hân