Quyết sách đúng đắn, kịp thời

- Thứ Ba, 10/08/2021, 06:33 - Chia sẻ
Trong thời khắc “nước sôi lửa bỏng” khi cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đang diễn biến cực kỳ phức tạp, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp khẩn chiều ngày 6.8 vừa qua là phản ứng nhanh rất cần thiết để xem xét, thống nhất ý kiến theo đề nghị của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Qua đó, thể hiện sự thống nhất ý chí và hành động giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước và trách nhiệm chính trị của cơ quan dân cử với Nhân dân. Tuy chưa có tiền lệ nhưng đây có thể coi là hành động theo tư duy “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, là quyết sách đúng đắn, kịp thời.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều ngày 6.8 Ảnh: Lâm Hiển
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều ngày 6.8
Ảnh: Lâm Hiển

Trước đó, Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28.7.2021 của Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương chủ động bám sát tình hình thực tế, tiếp tục tăng cường các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để vừa ổn định và kiểm soát tốt dịch Covid-19, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới.

Để thực hiện được yêu cầu trên, Quốc hội đã giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách; trường hợp cần thiết phải ban hành quy định về phòng, chống dịch Covid-19 khác với quy định của luật thì trong thời gian Quốc hội không họp, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn trước khi thực hiện.

Đồng ý 4 nội dung đề xuất của Chính phủ

Cử tri và Nhân dân đồng tình ủng hộ quyết sách đúng đắn, kịp thời của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi thông qua Nghị quyết đồng ý 4 nội dung đề xuất của Chính phủ khác với quy định của pháp luật hiện hành, hoặc thuộc thẩm quyền được Quốc hội giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Nghị quyết số 30/2021/QH15. Cụ thể:

Cho phép các Bộ Y tế, Quốc phòng, Công an, UBND các tỉnh quyết định thành lập cơ sở thu dung (khám và tiếp nhận bệnh nhân Covid-19), điều trị người nhiễm Covid-19 đồng thời là giấy phép hoạt động và đề nghị bổ sung thời hạn hiệu lực của nội dung này (đến hết năm 2022), chỉ áp dụng trong trường hợp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 theo kịch bản ứng phó dịch và điều kiện thực tiễn tại mỗi địa phương.

Giao Bộ Y tế được quy định các thủ tục hành chính trong thông tư theo thủ tục rút gọn để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch là khác với quy định tại khoản 4, Điều 14 và khoản 3, Điều 147 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chỉ giới hạn phạm vi ban hành thủ tục hành chính ở các nội dung được nêu trong dự thảo Nghị quyết.

Đồng ý với dự thảo Nghị quyết quy định: “Việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19 (bao gồm cả chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị Covid-19) do ngân sách nhà nước bảo đảm theo chi phí thực tế. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, đối với bệnh nhân mắc Covid-19 có các bệnh nền khác (như tiểu đường, tim mạch, thận...) thì việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh đối với các bệnh này phải thực hiện theo quy định Luật Bảo hiểm y tế và các quy của pháp luật khác có liên quan để bảo đảm khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước.

Đồng ý giao Thường trực HĐND quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất để bảo đảm phù hợp với bối cảnh rất nhiều địa phương đang phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt như hạn chế tập trung đông người, thực hiện giãn cách xã hội. Tăng cường sự lãnh đạo, kiểm tra chặt chẽ của cấp ủy ở các địa phương trong quá trình thực hiện, tránh việc lạm dụng quy định này để quyết định các nội dung không thực sự cấp bách, không trực tiếp liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương.

Dĩ bất biến, ứng vạn biến

Với 4 nội dung nêu trên, theo pháp luật hiện hành là những nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thẩm quyền của Chính phủ hoặc được quy định trực tiếp trong các luật chuyên ngành. Nay với nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sẽ được giao cho các bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an và UBND các tỉnh xem xét, quyết định.

Chẳng hạn, việc quy định các thủ tục hành chính trong thông tư là hành vi pháp luật nghiêm cấm theo quy định tại khoản 4, Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (trừ trường hợp được giao trong luật), nhưng nay giao cho Bộ Y tế thẩm quyền được ban hành loại văn bản thông tư để quy định các thủ tục hành chính theo thủ tục rút gọn, đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch. Một số vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND nay cũng được giao cơ quan Thường trực HĐND quyết định.

Tuy chưa có tiền lệ nhưng đây có thể coi là hành động theo tư duy “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, là quyết sách hợp hiến, hợp lòng dân của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, nhằm ứng phó kịp thời tình thế cấp thiết để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, hạn chế thấp nhất số ca tử vong khi mà các ca nhiễm Covid-19 trong nước, nhất là TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam đang có nguy cơ lan rộng và tăng nhanh.

Dư luận Nhân dân đánh giá cao tinh thần vì dân, toàn tâm, toàn ý, một lòng một dạ tận tụy phục vụ Nhân dân được thể hiện qua các giải pháp quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ. Đồng thời, tin tưởng “nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19 và phải chiến thắng cho bằng được” như Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19.

Thạc sĩ NGUYỄN VÂN HẬU