Quyết sách đúng là nền tảng để phục hồi kinh tế

- Thứ Ba, 09/11/2021, 06:15 - Chia sẻ
Đứng trước thử thách, chúng ta tiếp tục chứng kiến một đất nước Việt Nam đoàn kết, kiên cường, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn với sự đồng sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị. Trong đó, theo nhiều đại biểu Quốc hội, để đồng hành với Chính phủ, Quốc hội kịp thời ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 cho phép Chính phủ quyết định một số cơ chế đặc biệt, đặc thù đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch. Trên cơ sở này, Chính phủ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch. Đây là những quyết sách đúng đắn, là nền tảng quan trọng để phục hồi kinh tế những tháng cuối năm 2021 và năm 2022.

ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình): Sớm ban hành chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 

Đứng trước khó khăn chồng chất, chúng ta tiếp tục chứng kiến một đất nước Việt Nam đoàn kết, kiên cường, đồng sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị; sự lãnh đạo kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, sự chủ động linh hoạt và thích ứng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng với cách điều hành quyết liệt, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chính quyền các cấp và đặc biệt là sự chung sức, đồng lòng của các doanh nghiệp, mọi tầng lớp nhân dân đã giúp đất nước ta cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiều mục tiêu, chỉ tiêu năm 2021.

Để đồng hành cùng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch, Quốc hội kịp thời ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 cho phép Chính phủ quyết định một số cơ chế đặc biệt, đặc thù đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch. Trước yêu cầu của tình hình thực tiễn, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch như Nghị quyết số 128/NQ-CP với chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả chống dịch Covid-19; triển khai quyết liệt, kịp thời các gói hỗ trợ về an sinh - xã hội; tập trung tìm kiếm, mua, kêu gọi tài trợ và tiêm vaccine, góp phần nâng tỷ lệ bao phủ vaccine trong cả nước, với quyết tâm thực hiện phương châm “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”. Đây là những quyết sách đúng đắn, là nền tảng quan trọng để phục hồi kinh tế những tháng cuối năm 2021 và năm 2022.

Để kiềm chế lạm phát, thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2021 và năm 2022 trong khi sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút, tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm ban hành Chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch; sớm quyết định các gói hỗ trợ tài chính, thúc đẩy doanh nghiệp, người dân đầu tư phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; không để đứt gãy chuỗi cung ứng tạo đà vươn lên vượt qua giai đoạn khó khăn, thời gian thực hiện đến hết năm 2024.

Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành kịp thời hoàn thành các thủ tục hành chính để phân bổ nguồn vốn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2022.

Quốc hội, Chính phủ tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật hiện hành theo hướng đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho địa phương trong các lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng, quản lý bảo vệ rừng, thủ tục đầu tư… trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch đã được Trung ương phê duyệt. Đồng thời, tiếp tục cải cách hành chính, trong đó tập trung rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, phân cấp cho địa phương. Sớm phân cấp cho địa phương được điều chỉnh quy hoạch cục bộ, quy hoạch phân khu trong quy hoạch đô thị...

ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai): Triển khai ngay giải pháp phục hồi hoạt động tại các khu công nghiệp

Tôi đề nghị cần tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển KT - XH; huy động tối đa nguồn lực cho chống dịch và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách khác. Nguồn lực chi cho phòng, chống dịch và an sinh đến nay đã gần 100.000 tỷ đồng. Đây là con số rất lớn, NSNN thời gian qua đã phải lo chi cho chống dịch. Do đó, cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý chặt chẽ thu chi ngân sách, chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá, trốn thuế, chống gian lận thương mại, phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước. Nếu cần thiết thì tăng hợp lý sản lượng khai thác dầu thô do giá dầu thế giới đang tăng. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát ngân sách, tài sản công. Triệt để tiết kiệm các khoản chi, tiết kiệm ngay từ khi lập giao và thực hiện dự toán. Trong lúc này ta phải thực sự tiết kiệm, thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”.

Cùng với đó, cần có cơ chế để huy động tối đa nguồn lực từ xã hội, từ người dân và hoạt động kinh tế. Triển khai ngay các giải pháp phục hồi hoạt động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu chế xuất, nhất là các địa phương trọng điểm như Đồng Nai. Nhằm tháo gỡ các khó khăn, giúp cho doanh nghiệp giữ đơn hàng, duy trì chuỗi cung ứng, có các chính sách hỗ trợ trực tiếp mạnh mẽ hơn để không để xảy ra tình trạng đứt gãy, thiếu hụt lao động và chuyên gia. Cần thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc một cách an toàn, không để xảy ra tình trạng người lao động ở lại quê, người nghèo thì lại phải nuôi người nghèo.

Cần có các gói kích thích kinh tế với liều lượng hợp lý, hỗ trợ trực tiếp có hiệu quả cho hệ thống doanh nghiệp. Doanh nghiệp là linh hồn của nền kinh tế, nhưng thực tế sự quan tâm thời gian qua vẫn còn chưa đủ. Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm, tuy nhiên lợi nhuận của các ngân hàng thương mại vẫn còn cao, chưa hài hòa với khó khăn của doanh nghiệp và người dân. Doanh nghiệp vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng ưu đãi. Vai trò của ngân hàng đối với các doanh nghiệp cần phải đánh giá kỹ hơn, nhất là khi mà đầu vào cho hoạt động của các doanh nghiệp đang có xu hướng cái gì cũng tăng.

ĐBQH Đỗ Đức Hiển (TP. Hồ Chí Minh): Hoàn thiện quy định pháp luật về phòng, chống dịch bệnh 

Với quan điểm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả, việc hoàn thiện một cách căn cơ các quy định của pháp luật, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác phòng, chống, thích ứng với dịch là rất cần thiết. Theo đó, cần khẩn trương rà soát các biện pháp chống dịch đã thực hiện trong thời gian qua để trên cơ sở đó đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Trong đó, cần chú trọng trao quyền mạnh mẽ hơn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch, UBND các cấp để quyết định kịp thời các biện pháp cần thiết, linh hoạt, bao gồm cả các biện pháp về y tế, hành chính, an sinh xã hội và các hình thức ban hành văn bản. Các biện pháp này phải dựa trên mức độ nguy cơ rủi ro của dịch bệnh. Trong trường hợp đặc biệt hết sức cấp bách có thể khác với quy định của luật hoặc chưa được luật quy định nhưng phải bảo đảm sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền và bảo đảm nguyên tắc thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Trên cơ sở Kết luận số 19 của Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội đã phê duyệt Đề án 292 về định hướng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Khóa XV với 137 nhiệm vụ lập pháp. Trong quá trình triển khai, các cơ quan cần chú trọng đến các quy định để áp dụng trong điều kiện cấp bách về dịch bệnh, thiên tai. Các quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc chuyển trạng thái từ tĩnh sang động, từ trực tiếp sang gián tiếp. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét chủ trương cho phép tổ chức phiên tòa trực tuyến. Tới đây, cần tiếp tục lưu ý một số công việc, như việc học, thi của học sinh, sinh viên, việc đăng ký kết hôn, công chứng hợp đồng giao dịch... Bên cạnh đó, cũng cần cân chỉnh các quy định về thời hạn, thời hiệu giải quyết các thủ tục hành chính, dịch vụ công bảo đảm hợp lý, khả thi.

Trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu và các yếu tố an ninh phi truyền thống khác dự báo sẽ diễn biến khó lường, để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục các tình huống này trên cơ sở Hiến pháp năm 2013 cần nghiên cứu xây dựng một đạo luật về tình trạng khẩn cấp để thay thế pháp lệnh hiện hành. Luật này ngoài quy định về tình trạng khẩn cấp cũng cần thể chế hóa bằng luật các quy định để điều chỉnh các biện pháp xử lý các tình huống cấp bách, đặc biệt nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp. Các biện pháp hỗ trợ, bảo vệ người dân, doanh nghiệp bị tác động, nhất là nhóm yếu thế dễ bị tổn thương...

ĐBQH Lê Hoàng Anh (Gia Lai): Quan tâm đầu tư và chi tiêu nhà nước

Mặc dù trong những tháng cuối năm và sang năm dự báo còn rất nhiều khó khăn, thách thức rất lớn, nhiều yếu tố khó lường, chúng ta vừa phải bảo đảm sức khỏe, tính mạng người dân, vừa phải phục hồi và phát triển KT - XH. Trong khi đó, nội lực của nền KT - XH bộc lộ không ít khuyết thiếu, yếu kém. Nhưng đây cũng là thời điểm nhân dân tin vào Chính phủ sẽ thành công trong việc đưa nước ta chuyển sang trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phục hồi và phát triển KT - XH.

Với niềm tin cũng như tinh thần đồng hành của Quốc hội, Chính phủ cần quyết liệt chỉ đạo rà soát, xác định chính xác các dữ liệu, số liệu cơ bản để phục vụ hoạch định chính sách và điều hành của Chính phủ. Qua đại dịch, chúng ta đã thấy rõ một bộ phận lớn người dân phụ thuộc vào nền kinh tế phi chính thức đã gây khó khăn cho Chính phủ trong việc thống kê, đưa ra và thực hiện các gói chính sách. Và điều quan trọng nhất là cần tiếp tục đổi mới tư duy cán bộ từ Trung ương đến cơ sở. Mấy chục năm đất nước ta thực hiện công cuộc đổi mới, mang lại nhiều thành tựu to lớn cũng xuất phát từ đổi mới tư duy, từ mở cửa và lưu thông. Tuy nhiên, qua phòng chống dịch Covid-19 đã cho thấy không ít cán bộ đã hiểu sai lệch. Mỗi xã, phường là một "pháo đài", chưa vượt qua được tư duy "hàng rào dây thép gai" là dựng rào chắn bằng đủ các loại ống, cống bê tông.

Để tăng GDP, đây là thời điểm Chính phủ cần tăng tổng cầu, trải qua 4 làn sóng dịch trong 2 năm liên tiếp, cầu của nền kinh tế đã giảm rất thấp. Việc tăng cầu có thể làm tăng lạm phát. Tuy nhiên, việc tăng lạm phát ở một mức độ phù hợp và trong ngắn hạn trong kiểm soát là cần thiết. Để tăng tổng cầu, tôi cho rằng Chính phủ cần quan tâm đẩy mạnh đầu tư và chi tiêu nhà nước. Khi Chính phủ đẩy mạnh và hoàn thành sớm việc bao phủ tiêm phòng vaccine Covid-19, thì việc đẩy mạnh chi tiêu nhà nước cho giáo dục, y tế, hỗ trợ an sinh xã hội là cần thiết.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tập trung tháo gỡ các nút thắt về đấu thầu để việc mua sắm công, nhất là mua sắm công xanh được đẩy mạnh. Chính phủ cần quyết liệt, hiệu quả trong việc đẩy mạnh đầu tư, bao gồm cả đầu tư công và đầu tư tư nhân, đầu tư công trong lúc khó khăn này lại càng đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy sự phục hồi KT - XH, phải thực sự dẫn dắt và "vốn mồi" để huy động các nguồn lực khác. Chính phủ cần tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh các dự án công trình trọng điểm quốc gia, đặc biệt là công trình giao thông, thủy lợi, công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo. Các dự án đầu tư công thuộc các lĩnh vực này chiếm tỷ trọng rất lớn trong vốn đầu tư công đã bố trí. Kiên quyết điều chuyển vốn từ các dự án, lĩnh vực địa phương, bộ, ngành chậm giải ngân sang các dự án địa phương, bộ, ngành giải ngân tốt. Đi đôi với xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu đối với những nơi giải ngân thấp, đồng thời cần giải ngân cho được vốn mà Quốc hội đã bố trí cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Cùng với đó, cần thiết phải thúc đẩy đầu tư vào khu vực tư nhân để mang lại sự phát triển cũng như cần tạo ra cơ chế, chính sách mới để khu vực tư nhân đầu tư vào các công trình dự án cho nền kinh tế, phục vụ các lợi ích công cộng và tư nhân, nhất là 5 lĩnh vực giáo dục, y tế, công nghệ, năng lượng tái tạo và giao vận bên cạnh hạ tầng giao thông.

T. Chi - H. Ngọc - T. Thành - H. Long ghi - Ảnh: Quang Khánh