Quyết sách hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, phát triển bền vững

- Thứ Năm, 20/01/2022, 06:02 - Chia sẻ
Trong các nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất của Quốc hội Khóa XV, các ĐBQH và cử tri đặc biệt quan tâm đến Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc chủ động phòng, chống dịch Covid-19; khắc phục thiệt hại, tạo đà phục hồi thị trường lao động; giải quyết các vấn đề an sinh xã hội; hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển bền vững.

Với tinh thần khẩn trương, khoa học, dân chủ, trách nhiệm cao, Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV đã thành công rất tốt đẹp. Các nghị quyết được ban hành kịp thời trong thời điểm này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhằm kịp thời thể chế các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách; tạo điều kiện giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 và tháo gỡ các vấn đề cấp bách của đất nước.

Sát thực tiễn, hợp lòng dân

Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV đã thành công rất tốt đẹp. Cử tri và Nhân dân đánh giá cao sự linh hoạt, chủ động vào cuộc “từ sớm, từ xa” của Quốc hội nhằm kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn hiện nay. Thành công của kỳ họp tiếp tục thể hiện tinh thần đổi mới, quyết liệt hành động vì lợi ích của Nhân dân, luôn trăn trở, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp; khẳng định hoạt động của Quốc hội ngày càng đi vào chiều sâu, đoàn kết, dân chủ, gần dân, sát với thực tiễn.

Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình tham dự Kỳ họp bất thường tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình
Ảnh: Trần Tâm

Tại kỳ họp, Quốc hội đã xem xét, biểu quyết thông qua 4 nghị quyết quan trọng với sự đồng thuận rất cao của các ĐBQH. Các nghị quyết được ban hành có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách để hỗ trợ Chương trình phòng chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của đất nước; tạo điều kiện để doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19.

Điểm tựa phát triển toàn diện kinh tế - xã hội

Trong các nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất của Quốc hội Khóa XV, các ĐBQH và cử tri đặc biệt quan tâm đến Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc chủ động trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; khắc phục thiệt hại, tạo đà phục hồi thị trường lao động; giải quyết các vấn đề an sinh xã hội; hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển bền vững. Qua đó, thích ứng linh hoạt với trạng thái bình thường mới và bắt kịp với xu thế phát triển của thế giới.

Thời gian thực hiện Nghị quyết chủ yếu trong 2 năm 2022 - 2023 với lộ trình thích hợp để nâng cao năng lực phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của giai đoạn 5 năm với những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, tạo tiền đề phát triển cho giai đoạn sau. Nghị quyết đã đưa ra các chính sách hỗ trợ với quy mô, nguồn lực đủ lớn, có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, xác định rõ đối tượng cần hỗ trợ. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực y tế, phòng chống dịch Covid-19; an sinh xã hội, lao động, việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển hạ tầng giao thông…

Đặc biệt, để giải quyết những vấn đề đang vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, Quốc hội đã xem xét, quyết định cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù đối với các dự án quan trọng để bảo đảm tiến độ thực hiện. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết sẽ có tác động tích cực đối với tăng trưởng kinh tế, góp phần tạo đột phá về cơ sở hạ tầng; đẩy nhanh tiến độ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nghị quyết đi vào cuộc sống sẽ giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh; giúp người lao động tìm kiếm việc làm; chuyển đổi nghề, bảo đảm an sinh xã hội, các chính sách sẽ góp phần tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách, ổn định tài chính quốc gia và kiểm soát lạm phát.

Cùng với nghị quyết quan trọng này, Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 cũng có vai trò, vị trí rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước. Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông được triển khai thực hiện sẽ tạo động lực, sức lan tỏa để phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng; kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu công nghiệp trọng yếu; thực hiện các Dự án sẽ là điều kiện để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, góp phần thực hiện phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội.

Với sự đổi mới không ngừng của Quốc hội, đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, để luôn đồng hành với Chính phủ trong nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 và những năm tiếp theo, rất mong Quốc hội sẽ tiếp tục có những chính sách kịp thời, linh hoạt trong từng giai đoạn, tạo ra động lực tăng trưởng mới để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giúp đất nước phát triển bền vững và hội nhập hơn trong tương lai.

ĐBQH ĐẶNG BÍCH NGỌC - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hòa Bình