Kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (23.10.1961 - 23.10.2021)

Quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo

- Thứ Bảy, 23/10/2021, 05:18 - Chia sẻ
Đường Hồ Chí Minh trên biển là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tài thao lược, sự sáng tạo độc đáo trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân của Đảng và Bác Hồ, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Con đường huyền thoại ấy được xây đắp bằng công sức, trí tuệ, xương máu của đồng bào, chiến sĩ cả nước, trong đó Quân chủng Hải quân vinh dự là lực lượng nòng cốt, luôn trong tâm thế vững vàng, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.
Lữ đoàn 125 hiệp đồng đổ bộ trong diễn tập bảo vệ chủ quyền
Ảnh: Trọng Thiết

Linh hoạt phương thức hoạt động

Cách đây 60 năm, thực hiện chủ trương chi viện cho cách mạng miền Nam của Trung ương Đảng, ngày 23.10.1961, Bộ Quốc phòng thành lập Đoàn 759, còn gọi là “Đoàn tàu không số”, tiền thân của Đoàn 125, nay là Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân. Đoàn có nhiệm vụ mở tuyến vận tải chiến lược trên Biển Đông mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, chi viện sức người, sức của cho quân dân miền Nam đánh Mỹ - ngụy giành thắng lợi, nhất là ở những chiến trường nằm sâu trong lòng địch, nơi mà Đường Hồ Chí Minh trên bộ không thể vươn tới.

Theo Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Chuẩn Đô đốc Trần Thanh Nghiêm, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng mà trực tiếp là Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân, trong 14 năm làm nhiệm vụ (1961 - 1975), Đoàn 759/Đoàn 125 đã vượt mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, vận chuyển hàng trăm nghìn tấn vũ khí, hàng chục nghìn lượt người chi viện cho chiến trường miền Nam, lập nên kỳ tích Đường Hồ Chí Minh trên biển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc.

Kỳ tích đó bắt nguồn từ sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, tài tình của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; là kết quả phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, tinh thần đoàn kết, sát cánh chiến đấu của quân dân hai miền Nam - Bắc, trong đó Quân chủng Hải quân làm nòng cốt, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 là những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ.

Với vai trò là lực lượng tác chiến chủ yếu trên hướng biển, Quân chủng Hải quân đã được Bộ Quốc phòng tin tưởng, giao trọng trách tổ chức vận chuyển bằng đường biển chi viện cho chiến trường miền Nam. "Thực tiễn cho thấy, sau 9 năm thành lập (1955 - 1964), với tên gọi ban đầu là Cục Phòng thủ bờ biển, Hải quân đã có sự trưởng thành nhanh chóng về mọi mặt. Từ một cơ quan tham mưu, giúp Bộ chỉ đạo bộ đội phòng thủ bờ biển, xây dựng lực lượng thủy quân bàn giao cho các quân khu, Hải quân đã phát triển thành một quân chủng của quân đội, trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy xây dựng lực lượng và hoạt động tác chiến, làm nòng cốt của thế trận chiến tranh nhân dân trên chiến trường biển đảo...”, Chuẩn Đô đốc Trần Thanh Nghiêm phân tích.

Quán triệt sâu sắc chủ trương chi viện cách mạng miền Nam, Quân chủng Hải quân chủ động đề xuất Bộ Quốc phòng tổ chức tuyến đi và sử dụng phương tiện vận tải phù hợp, vận dụng linh hoạt các phương thức hoạt động, phát huy cao nhất hiệu quả con đường chi viện huyết mạch trên biển. Ngay từ khi thành lập Đoàn 759, Quân chủng đã tham gia nghiên cứu, khảo sát chiến trường, giúp Bộ chỉ đạo các chuyến tàu trinh sát mở đường, thử nghiệm phương án vận chuyển, góp phần khai thông Đường Hồ Chí Minh trên biển (10.1962). Sau khi nhận bàn giao Đoàn 759 (9.1963) và đổi tên thành Đoàn 125 (1.1964), Quân chủng trực tiếp chỉ đạo, dẫn tàu đi trên 5 cung đường, gồm 2 tuyến gần bờ và 3 tuyến xa bờ, tuyến gần nhất khoảng 1.000 hải lý, xa nhất lên tới 3.500 hải lý.

Sau sự kiện tàu C143 bị lộ ở Vũng Rô, Phú Yên (2.1965), con đường chi viện trên biển bị địch phát hiện, Quân chủng đã táo bạo tổ chức tuyến đi vòng ra vùng biển quốc tế, đồng thời chỉ đạo Đoàn 125 trong từng chuyến đi xác định rõ tuyến chính, tuyến dự bị, tuyến nghi binh, vu hồi nhằm đối phó với hoạt động ngăn chặn của địch, đưa hàng đến đích an toàn. Bộ Tư lệnh Quân chủng tích cực tham mưu, đề xuất với thủ trưởng Bộ sử dụng các loại phương tiện vận chuyển phù hợp theo từng thời điểm, từ thô sơ, nửa hiện đại tiến dần lên hiện đại, từ tàu vỏ gỗ đến tàu vỏ sắt...

Con đường của ý chí và sáng tạo Việt Nam

Chuẩn Đô đốc Trần Thanh Nghiêm khẳng định, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy, điều hành, xây dựng và tổ chức hoạt động của lực lượng vận tải đường biển chiến lược; là trung tâm phối hợp, hiệp đồng với đơn vị bạn, địa phương làm nhiệm vụ chi viện chiến trường. Cụ thể, từ tháng 9.1963, Bộ Quốc phòng giao cho Quân chủng Hải quân trực tiếp quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo về mọi mặt đối với Đoàn 759, sau này là Đoàn 125. Từ đây, Đường Hồ Chí Minh trên biển bước vào thời kỳ phát triển rực rỡ nhất, phát huy hiệu quả chi viện cao nhất. Mặc dù phải đối mặt với muôn vàn gian nan, thử thách ác liệt; song với ý chí quật cường, tinh thần dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, sẵn sàng hy sinh quên mình vì miền Nam ruột thịt, cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Với vai trò trung tâm hiệp đồng các lực lượng vận tải trên biển và bốc xếp ở hai đầu bến bãi; Quân chủng Hải quân đã cùng các bộ, ngành, quân khu, địa phương ven biển tổ chức khảo sát các tuyến đảo, khu vực cửa sông, bờ biển để bố trí bến bãi, sửa chữa cầu cảng, triển khai phương án bảo vệ, phòng gian, giữ bí mật nhiệm vụ. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Quân chủng Hải quân với các lực lượng đã góp phần bảo đảm cho Đường Hồ Chí Minh trên biển hoạt động thông suốt, vận chuyển nhanh gọn, đúng thời cơ, hiệu quả cao, hạn chế hy sinh, tổn thất.

Tham gia vận chuyển trên Đường Hồ Chí Minh trên biển gồm nhiều lực lượng (các bộ, ngành, quân khu ven biển, Nhân dân địa phương), trải qua nhiều công đoạn (đưa hàng đến bến tập kết ở miền Bắc, vận chuyển hàng bằng đường biển vào bến tiếp nhận ở miền Nam, chuyển tiếp hàng đi các chiến trường). Trong đó Quân chủng Hải quân mà trực tiếp là Đoàn 125 là đơn vị chủ công, nòng cốt, đảm nhiệm những khâu quan trọng nhất, khó khăn, gian khổ nhất, quyết định thành công của nhiệm vụ chi viện. Ngoài ra, để Đoàn 125 hoạt động hiệu quả, Quân chủng huy động rất nhiều lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất bảo đảm khác.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân, giai đoạn 1961 - 1975, Đoàn 125 đã tổ chức gần 2.000 lượt chuyến tàu vượt biển, chở trên 100 nghìn tấn hàng, hàng chục nghìn lượt người, chiếm phần lớn trong tổng số hàng và người chi viện cho chiến trường. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã anh dũng hy sinh, bị thương, bị địch bắt; hàng chục con tàu bị hư hỏng, phá hủy để cùng quân dân cả nước dệt nên huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển - con đường của ý chí và sức sáng tạo Việt Nam trong thế kỷ XX, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước...

Đường Hồ Chí Minh trên biển và truyền thống anh hùng của “Đoàn tàu không số” mãi mãi là niềm tự hào của quân và dân ta nói chung, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân nói riêng. Những giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm của Đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn đang được gìn giữ, phát huy, vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng Quân chủng Hải quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, làm nòng cốt bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc trong tình hình mới.

Hương Sen