Chuyển đổi số trong giáo dục đại học

Quyết tâm cao, đầu tư tương xứng

- Chủ Nhật, 12/09/2021, 06:23 - Chia sẻ
Theo GS, TS. Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, một trong những điều tiên quyết để chuyển đổi số thành công là chúng ta sẵn sàng đón nhận thay đổi và chấp nhận toàn bộ đổi mới như thế nào. Giáo dục đại học của Việt Nam cần đầu tư xứng đáng và quyết tâm với công cuộc chuyển đổi số.

Khi thách thức là cơ hội

Đại dịch Covid-19 tác động chưa từng có đối với giáo dục đại học trên toàn thế giới trong hai năm qua. Khi các trường đại học buộc phải đóng cửa, việc dạy và học chuyển sang hình thức trực tuyến, giảng viên và sinh viên phải thay đổi và thích ứng với sử dụng công nghệ hơn bao giờ hết. Dạy và học trực tuyến còn nhiều thách thức nhưng cũng chính là cơ hội cho giáo dục đại học Việt Nam.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thu Thủy cho biết, đến thời điểm hiện tại, các trường đại học ở Việt Nam đã đầu tư hệ thống đào tạo trực tuyến, mua bản quyền/chuyển giao công nghệ phần mềm quản lý học tập, quản lý nội dung học tập, tập huấn giảng viên, số hóa học liệu... Một số cơ sở được sự đồng thuận cao của giảng viên trong triển khai đào tạo trực tuyến. Các cơ sở đào tạo đều xác định đây là cơ hội thúc đẩy số hóa học liệu để tất cả giảng viên, sinh viên và cán bộ quản lý khai thác được các yếu tố tích cực trong ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập; linh hoạt thời gian, không gian dạy và học mọi lúc, mọi nơi.

Theo nhiều chuyên gia, chuyển đổi số trong giáo dục Việt Nam đã được thực hiện từng bước từ nhiều năm qua và đặc biệt sôi nổi 2 năm gần đây. GS, TS. Nguyễn Thị Mỹ Lộc - Chủ tịch Hội đồng giáo sư ngành giáo dục học - dẫn chứng, hàng loạt chính sách thúc đẩy chuyển đổi số giáo dục đã được ban hành; các trường đại học chú trọng triển khai cơ chế đặc thù đào tạo nhân lực công nghệ thông tin. Đội ngũ nhà giáo toàn hệ thống giáo dục đại học được huy động tham gia, đóng góp chia sẻ học liệu vào kho học liệu số; đóng góp vào Hệ tri thức Việt số hóa gần 5.000 bài giảng điện tử chất lượng, gần 7.000 luận văn, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm với trên 31.000 câu hỏi…

Tuy vậy, GS, TS. Nguyễn Thị Mỹ Lộc cho rằng, chuyển đổi số trong giáo dục đại học còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại, cần tiếp tục khắc phục, hoàn thiện. Đó là hạ tầng mạng, trang thiết bị công nghệ thông tin (như máy tính, camera, máy in, máy quét), đường truyền, dịch vụ internet cho nhà trường, giảng viên, sinh viên. Việc xây dựng học liệu số (như sách điện tử, thư viện điện tử, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, bài giảng điện tử, phần mềm học điện tử, phần mềm ứng dụng mô phỏng) phát triển tự phát, chưa thành hệ thống, khó kiểm soát chất lượng và nội dung học tập. Bên cạnh đó, dạy và học trực tuyến là mảnh đất màu mỡ cho nạn vi phạm bản quyền, nguy cơ phát sinh gian lận thi cử, vi phạm quyền riêng tư, tự do cá nhân...

Bảo đảm chất lượng, bình đẳng

Khẳng định chuyển đổi số trong giáo dục là xu thế tất yếu, PGS, TS. Ngô Minh Thủy, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển văn hóa, ngôn ngữ và giáo dục (ĐHQG Hà Nội) khẳng định, ngành giáo dục cần có chính sách, kế hoạch cụ thể và phù hợp để bảo đảm chất lượng giáo dục, sự bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đối với các đối tượng người học khác nhau. Tùy theo loại hình lớp học và yêu cầu môn học, có những quy định phù hợp, bảo đảm tính tương tác trong giờ học và quản lý tốt giờ học. Không cực đoan hóa vấn đề chuyển đổi số đối với công tác dạy và học.

Liên quan đến bản quyền học liệu, GS, TS. Nguyễn Thị Mỹ Lộc cho rằng, việc thu thập, chia sẻ, khai thác dữ liệu quản lý giáo dục và học liệu số cần hành lang pháp lý chung phù hợp với các quy định về bản quyền tác giả, sở hữu trí tuệ, an ninh thông tin, giao dịch điện tử và chia sẻ, cung cấp thông tin. “Trên cơ sở quy định pháp lý chung, cần hoàn thiện quy định chuyên ngành giáo dục, cụ thể như: Quy định chương trình học trực tuyến, thời lượng học, kiểm tra đánh giá trực tuyến, kiểm định chất lượng học trực tuyến, công nhận kết quả học trực tuyến; quy định điều kiện tổ chức lớp học, trường học trên môi trường mạng, kể cả ngắn hạn và dài hạn”.

Trong nghiên cứu, đánh giá của mình, GS, TS. Lê Anh Vinh khẳng định, để thực hiện chuyển đổi số giáo dục cần qua bốn động lực là: Nâng cao năng lực cạnh tranh, tối ưu hóa tài nguyên, nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm của học sinh và tạo ra văn hóa quyết định dựa trên số liệu. Tuy nhiên, “sự sẵn sàng thay đổi thực tế đối với đội ngũ giảng viên, nhà trường đôi khi lại khó hơn đối với sinh viên và học sinh. Như vậy trở ngại lớn nhất không phải về công nghệ mà là con người có sẵn sàng đón nhận thay đổi hay không, có cởi mở với sự thay đổi hay không” - GS, TS. Lê Anh Vinh nói.

Khải Minh