Triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế, xã hội vùng DTTS và MN:

Quyết tâm giữ nguyên tiêu chí phấn đấu

- Thứ Bảy, 03/07/2021, 05:36 - Chia sẻ
Thừa nhận có độ trễ trong việc triển khai thực hiện các Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 120 của Quốc hội về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, song tại phiên họp của Thường trực Hội đồng Dân tộc sáng qua 2.7, Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc khẳng định sẽ quyết tâm giữ nguyên các tiêu chí phấn đấu đã được Quốc hội giao.

“Thật sự rất sốt ruột”!

Tại phiên họp thẩm tra Báo cáo kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN) do Thường trực Hội đồng Dân tộc tổ chức, lãnh đạo Ủy ban Dân tộc nêu rõ, nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới là tập trung tổ chức triển khai có hiệu quả Đề án tổng thể phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội (Chương trình).

Là năm đầu tiên thực hiện hai Nghị quyết đặc biệt quan trọng này, nhưng theo ghi nhận của Thường trực Hội đồng Dân tộc, đến tháng 7.2021 kết quả triển khai thực hiện còn rất chậm. Mới có 8/11 đầu việc được hoàn thành, trong khi đó, nguồn vốn lẽ ra phải bố trí từ năm 2020, nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định bố trí vốn.

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân, kế hoạch phân bổ vốn ngân sách nhà nước năm 2021 đã được Thủ tướng giao cho các bộ, ngành từ cuối năm 2020, chỉ còn lại 3,4% vốn dành cho các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng DTTS và MN chưa được Thủ tướng phê duyệt vốn đầu tư. Dù rất chia sẻ với Ủy ban Dân tộc do có một giai đoạn chuyển giao lãnh đạo nên có “điểm nghẽn” khi triển khai công việc, nhưng bà Cao Thị Xuân cho biết “thật sự rất sốt ruột” và lo ngại việc trình Thủ tướng phê duyệt nguồn vốn trong tháng 7 có bảo đảm kịp tiến độ triển khai chương trình hay không. 

Đáng lưu ý, so với nguồn vốn dự kiến ban đầu phê duyệt giai đoạn 2021 - 2025 là hơn 137.000 tỷ đồng cho chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng DTTS và MN, Ủy ban Dân tộc đang đề nghị tăng gần 10.000 tỷ đồng trong Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia trình Hội đồng thẩm định Nhà nước. Vậy số vốn tăng thêm sẽ chi cho lĩnh vực nào, nhất là trong bối cảnh kinh tế, xã hội còn khó khăn, khả năng bố trí vốn có bảo đảm?

Nhắc lại bài học từ hai Quyết định 2085/QĐ-TTg, ngày 31.10.2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội vùng DTTS và MN giai đoạn 2017 - 2020 và Quyết định 2086/QĐ-TTg, ngày 31.10.2016 quyết định phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025 mà mãi đến 2020, Chính phủ mới bố trí được nguồn vốn (1.000 tỷ đồng cho hai quyết định - PV), các thành viên Hội đồng Dân tộc thẳng thắn, Chính phủ có rút ra được bài học về giải ngân nguồn vốn cho các Chương trình mục tiêu quốc gia hay không? Chưa kể việc giải ngân đạt tỷ lệ thấp, chính sách không đi liền ngân sách thì đồng bào rất thiệt thòi. Một số ý kiến cho rằng, mục tiêu đặt ra đến năm 2025 sẽ giảm được 50% số thôn, xã đặc biệt khó khăn, đến năm 2030 cơ bản không còn thôn, xã đặc biệt khó khăn. Nhưng với cách triển khai như thế này, với nguồn vốn như thế này, liệu có phải điều chỉnh mục tiêu của chương trình hay không? 

Ảnh: Duy Thông

Đẩy nhanh tiến độ 

Thừa nhận những khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn cho Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế, xã hội vùng DTTS và MN, tuy nhiên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải nêu rõ, trong tháng 6, Hội đồng thẩm định Nhà nước đã tổ chức cuộc họp thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi và đã có các ý kiến ghi nhận đề xuất tăng tổng vốn thực hiện Chương trình là hơn 147.000 tỷ đồng. Nếu được phê duyệt nguồn vốn, thì sẽ xem xét đến tiêu chí phân bổ. Dù có độ trễ, nhưng tinh thần là sẽ cố gắng. Về vốn đối ứng của các địa phương, sẽ thực hiện theo tinh thần: tỉnh nào có điều kiện khá hơn sẽ đóng góp nhiều hơn so với tỉnh khó khăn và đặc biệt khó khăn. Ngoài ngân sách đã tính toán, Ủy ban Dân tộc đang tích cực vận động nguồn vốn ODA đầu tư cho Chương trình. Căn cứ theo nguồn lực, chấp hành nghiêm Nghị quyết Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải cũng khẳng định, sẽ giữ nguyên tiêu chí phấn đấu, trong quá trình làm có vướng mắc sẽ báo cáo cơ quan chức năng và Quốc hội.

Cho rằng, phải thực sự ưu tiên, tiến độ triển khai mới được bảo đảm, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đặt thêm vấn đề về việc triển khai Nghị quyết 88 của Quốc hội. Nghị quyết 88 giao Chính phủ tiến hành phân định vùng miền núi, vùng cao. Tuy nhiên, Chính phủ chưa giao trách nhiệm cho bộ, ngành nào triển khai thực hiện. Đây là vấn đề rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến đối tượng, địa bàn thụ hưởng chính sách. Về nhiệm vụ đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong Nghị quyết 88, dù đã có định hướng, nhưng thiếu nội dung, đề tài nghiên cứu cụ thể gắn với tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Vấn đề tộc danh, thành phần dân tộc thiểu số cũng phải tiếp tục nghiên cứu đầy đủ hơn trên quan điểm khoa học và chính trị, giải quyết vấn đề một cách thấu đáo để bảo đảm quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân, mỗi dân tộc.

 Ông Nguyễn Lâm Thành đặc biệt nhấn mạnh chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Dân tộc trong công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực dân tộc và đề nghị, phải bám sát theo tinh thần Nghị quyết 88, huy động hệ thống các cơ quan, các bộ, ngành tham gia vào công tác dân tộc; tiếp tục triển khai Nghị quyết 24-NQ/TW về công tác dân tộc đó là các bộ, ngành có liên quan phải có bộ phận theo dõi và làm công tác dân tộc, tiếp tục rà soát hệ thống chính sách, luật liên quan đến các vấn đề dân tộc.

Đối với việc thực hiện Nghị quyết 120 của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị Chính phủ trong quá trình thực hiện Chương trình cũng cần xem xét đến tính đồng bộ với hai chương trình mục tiêu quốc gia khác là: nông thôn mới, giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững. Vừa qua, các cơ quan liên quan mới chỉ quan tâm đến yếu tố không trùng lặp về địa bàn, nhưng quan trọng hơn là ba chương trình mục tiêu quốc gia phải bảo đảm được yếu tố khớp nối với nhau. Bên cạnh đó, việc thực hiện Chương trình phải thực sự phân cấp cho địa phương thực hiện, tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong thực hiện chương trình.

Anh Thảo