Hà Nội tổ chức dạy học ứng phó với dịch bệnh Covid-19

Quyết tâm, sáng tạo và linh hoạt

- Thứ Hai, 18/10/2021, 16:08 - Chia sẻ
Khảo sát việc tổ chức dạy học ứng phó với dịch bệnh Covid-19 tại thành phố Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh ghi nhận, ngành Giáo dục Thủ đô đã rất nỗ lực và quyết tâm, đồng thời sáng tạo, chủ động trong quá trình triển khai thực hiện, bảo đảm hoạt động dạy và học, không để học sinh bị thiệt thòi.

Sáng 18.10, Đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã làm việc với Sở GD - ĐT Hà Nội, khảo sát việc tổ chức dạy học ứng phó với dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh chủ trì buổi làm việc.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại buổi làm việc

Nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ kép

Báo cáo của Sở GD - ĐT Hà Nội cho thấy, thời gian qua, ngành GD - ĐT Thủ đô đã nỗ lực, thực hiện tốt nhiệm vụ kép vừa hoàn thành kế hoạch năm học, thực hiện tốt chủ trương tạm dừng đến trường nhưng không dừng học, vừa bảo đảm an toàn sức khỏe cho giáo viên, học sinh; chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai chương trình, sách giáo khoa mới. Việc dạy học trực tuyến thực hiện theo đúng chương trình môn học của Bộ GD - ĐT, kế hoạch giáo dục và thời khóa biểu của nhà trường. Nội dung dạy học trực tuyến đáp ứng mức độ cần đạt hoặc yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông. Học sinh tham gia học trực tuyến đạt tỷ lệ cao (tỷ lệ chuyên cần đạt 99%). Các nhà trường đã bảo đảm điều kiện tối thiểu về hạ tầng kỹ thuật dạy học trực tuyến và đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học trực tuyến.

Các trường quản lý chặt chẽ thời gian, kế hoạch dạy học của từng giáo viên, chỉ đạo, tổ chức, phân công giáo viên chuẩn bị bài giảng và tổ chức giảng dạy trực tuyến cho học sinh theo kế hoạch năm học và thời khóa biểu chung của nhà trường. Lãnh đạo các nhà trường tăng cường kiểm tra về thời gian, nội dung, chất lượng dạy học trực tuyến của từng giáo viên trong trường. Thực hiện tốt việc phân công giáo viên, giao nhiệm vụ học tập theo nội dung bài học và hướng dẫn học sinh thực hiện các buổi học trực tuyến; phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh có biện pháp quản lý việc học của học sinh khi học trực tuyến.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, Sở đã xây dựng 4 kịch bản để đón học sinh trở lại trường học trực tiếp trong tình hình mới, bảo đảm an toàn phòng chống dịch

 Các nhà trường đã chủ động và thích ứng nhanh với diễn biến, dịch bệnh, áp dụng sinh động và hiệu quả công nghệ thông tin, công nghệ số vào giảng dạy. Qua giảng dạy trực tuyến cho thấy năng lực sử dụng công nghệ thông tin của các thầy cô giáo đã được nâng lên rõ rệt. Đến nay, việc dạy học trực tuyến đã trở thành hoạt động thiết yếu, duy trì sự tương tác giữa thầy và trò.

Tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho nhà giáo và hướng dẫn người học, gia đình người học về các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn trong dạy và học trực tuyến. Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương bảo đảm an ninh, an toàn, phòng chống tội phạm, bạo lực học đường trên môi trường mạng. Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn trong dạy và học theo hình thức trực tuyến đối với nhà giáo và người học.

Để bảo đảm có đủ thiết bị học trực tuyến cho học sinh, ngành Giáo dục Hà Nội phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” trong toàn ngành, tiếp theo chương trình “Máy tính cho em” đã được triển khai hiệu quả từ năm 2020.

Chưa thể đáp ứng toàn diện yêu cầu

Tuy nhiên, lãnh đạo ngành GD - ĐT Hà Nội cũng chỉ ra một số khó khăn khi triển khai việc dạy học ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, điều kiện cơ sở vật chất của các trường không đồng đều. Một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn không có đủ điều kiện để học trực tuyến (không có máy tính, mạng internet hoặc đường truyền tốc độ không cao, không ổn định…). Mặc dù 100% học sinh trên địa bàn thành phố học trực tuyến nhưng theo khảo sát đầu năm có trên 10.000 học sinh thiếu thiết bị riêng để học trực tuyến (sử dụng thiết bị của bố mẹ, bạn bè). Từ đầu năm học 2021 - 2022 đến nay, đã có 4.506 học sinh thuộc các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố được nhận thiết bị học trực tuyến từ chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

Mặc dù ngành giáo dục cũng như các nhà trường đã rất nỗ lực, chủ động và sáng tạo, song theo Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, dạy học trực tuyến không thể chất lượng bằng dạy trực tiếp

Bên cạnh đó, phần mềm dạy học trực tuyến vẫn còn trục trặc kết nối ở một vài thời điểm trong ngày, ảnh hưởng tới tiết học trực tuyến. Việc dạy học trực tuyến đòi hỏi giáo viên phải có trải nghiệm vững vàng, đầu tư công phu, tỉ mỉ trong giờ dạy. Tuy nhiên, một số giáo viên tuổi cao, năng lực công nghệ thông tin hạn chế nên gặp khó khăn. Việc xây dựng học liệu và bài giảng điện tử chưa có quy định, hướng dẫn về định mức chi cụ thể…

Một vấn đề cũng đáng quan tâm là giáo viên và học sinh trong quá trình dạy học trực tuyến phải tiếp xúc lâu với màn hình máy tính và các thiết bị thông mình, ảnh hưởng tới sự tập trung cũng như sức khỏe, thị lực.

“Hình thức dạy học trực tuyến trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 chưa thể đáp ứng toàn diện yêu cầu về kiến thức, kỹ năng các môn học, các cấp học, các khối lớp, nhất là yêu cầu về thực hành, thí nghiệm và trải nghiệm” - báo cáo của Sở GD - ĐT thừa nhận.

Linh hoạt các hình thức dạy học phù hợp

Đoàn khảo sát ghi nhận sự chủ động, linh hoạt của ngành giáo dục Hà Nội trong triển khai nhiệm vụ năm học thích ứng với tình hình dịch bệnh. Trong đó, Sở GD - ĐT đã tham mưu UBND thành phố Hà Nội ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm tạo điều kiện cho địa phương linh hoạt, thuận lợi triển khai các nhiệm vụ, chương trình năm học. “Các văn bản hướng dẫn, chính sách cụ thể, phù hợp với các nhóm đối tượng cũng như diễn biến của dịch Covid-19” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa nhận xét.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Sở GD - ĐT Hà Nội cùng các nhà trường quán triệt tinh thần sẵn sàng chuyển đổi giữa các hình thức dạy học để phù hợp với tình hình dịch bệnh

Đoàn khảo sát cũng chia sẻ với những khó khăn mà ngành giáo dục Thủ đô phải đối mặt, nhất là áp lực từ điều kiện thực tế và đòi hỏi cao của phụ huynh. Các đại biểu mong muốn Hà Nội có các giải pháp cho các lớp đầu cấp và cuối cấp, bảo đảm chất lượng và hiệu quả giáo dục; quan tâm động viên tinh thần đội ngũ giáo viên, bởi đây chính là những người giữ vững tâm lý cho xã hội…

Cho rằng toàn ngành Giáo dục Thủ đô đã nỗ lực và quyết tâm rất lớn trong thời gian qua để hoàn thành kế hoạch năm học và duy trì chất lượng, hiệu quả hoạt động dạy và học ứng phó với dịch Covid-19, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Sở GD - ĐT Hà Nội cùng các nhà trường trên địa bàn thành phố có phương án, giải pháp cụ thể theo sát tình hình dịch bệnh. Tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt, quán triệt tinh thần sẵn sàng chuyển đổi giữa các hình thức dạy học để phù hợp với điều kiện thực tế; chuẩn bị đồng bộ các biện pháp để đón học sinh trở lại trường ngay khi có thể, hỗ trợ, tạo điều kiện để các em ổn định tâm lý, bồi đắp kiến thức...

Nhật Linh