Rà soát kỹ phương án ứng phó bão lụt trong dịch bệnh

- Thứ Năm, 09/09/2021, 06:21 - Chia sẻ
Việc triển khai các hoạt động phòng, chống thiên tai trong điều kiện dịch Covid-19 sẽ gặp nhiều khó khăn, phát sinh các tình huống không thể lường trước. Do vậy Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát kỹ các phương án ứng phó để tránh bị động, bất ngờ.
	Bộ đội Biên phòng TP. Ðà Nẵng tuyên truyền cho các ngư dân phòng, chống dịch Covid Anhr: 	Bá Vĩnh
Bộ đội Biên phòng TP. Ðà Nẵng tuyên truyền cho các ngư dân phòng, chống dịch Covid
Ảnh: Bá Vĩnh

Hướng dẫn cụ thể về phòng, chống dịch trong bão lụt

Sáng 8.9, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai họp trực tuyến với 15 tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Bình Định nhằm chủ động ứng phó với mưa lớn và bão Conson.  

Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, ngoài Conson còn có bão Chanthu đang hoạt động ở phía Bắc Philippines. Nếu bão Chanthu đủ mạnh có thể tác động làm thay đổi hướng di chuyển của bão Conson sau khi vào biển Đông. Trên đất liền, khả năng bão Conson sẽ tác động đến các tỉnh, thành phố từ Bắc Bộ đến Bắc Trung Bộ. Cường độ bão, mưa lớn còn nhiều biến động do diễn biến bão còn xa.

Trước diễn biến này, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng về ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp tại Công điện 1107/CĐ-TTg ngày 31.8.2021. Trong đó, phải chủ động xây dựng phương án ứng phó từng tình huống thiên tai cụ thể trong bối cảnh phải phòng, chống dịch. Đặc biệt là có phương án sơ tán bảo đảm an toàn trong trường hợp xảy ra bão mạnh, mưa, lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và bảo đảm phòng, chống dịch tại địa điểm sơ tán, khu cách ly.

Cho đến nay, một số địa phương đã rà soát phương án sơ tán dân. Theo đó, trường hợp bão mạnh và mưa lớn diện rộng sẽ sơ tán gần 74.000 dân khu vực ven biển, 114.000 dân khu vực ven sông và ngoài đê, 70.700 dân khu vực nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất. “Bộ Y tế cần có hướng dẫn cụ thể về phòng, chống dịch trong điều kiện thiên tai xảy ra, trên cơ sở đó hướng dẫn địa phương thực hiện kịp thời, phù hợp với thực tế”, ông Hoài đề xuất.

Ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng phòng chống thiên tai

Các địa phương đang chủ động triển khai các phương án ứng phó với thiên tai trong bối cảnh thực hiện quyết liệt các biện pháp chống dịch nhằm bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Tỉnh Quảng Bình yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai phương châm “4 tại chỗ”, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu cứu hộ, cứu nạn và phòng chống dịch. Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh chỉ đạo ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng tham gia phòng chống thiên tai. Các địa phương chuẩn bị các phương án ứng phó với mưa bão lớn tại những nơi đang thực hiện giãn cách xã hội và các khu cách ly tập trung, bệnh viện đang điều trị bệnh nhân Covid-19.

Theo báo cáo nhanh của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, đến 15 giờ ngày 8.9 đã có hơn 6.000 phương tiện với 20.600 lao động về nơi neo đậu an toàn. Hơn 600 phương tiện với 4.000 lao động đang hoạt động trên biển đã nhận được thông tin về bão Conson, thường xuyên giữ liên lạc với gia đình và chính quyền địa phương. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã khuyến cáo các địa phương đôn đốc người dân khẩn trương thu hoạch diện tích lúa đã chín với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Tỉnh cũng yêu cầu đơn vị quản lý 270 hồ chứa nếu thấy không an toàn phải tiến hành xả lũ, trước khi xả phải thông báo cho chính quyền và người dân vùng hạ du.

Các địa phương ven biển Nghệ An đang chủ động liên hệ với các chủ tàu để phát thông báo về bờ tránh bão. Trước đó, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, đặc biệt là các khu vực sơ tán tập trung, khu cách ly; chỉ đạo bảo đảm an toàn và tạo điều kiện cho lực lượng phòng, chống thiên tai thực hiện nhiệm vụ.

Hà Lan