Rà soát, sửa đổi những quy định còn vướng mắc về đầu tư công

- Thứ Bảy, 24/07/2021, 18:56 - Chia sẻ
Sáng 24.7, thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2021 và dự kiến Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) đánh giá, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được vẫn còn một số vấn đề về thể chế, chính sách về đầu tư công điều chỉnh chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn, một số quy định pháp luật còn chưa đồng bộ, thống nhất, khả thi, chậm được sửa đổi, bổ sung, chưa rõ thẩm quyền dẫn tới đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, lúng túng.
Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến phát biểu thảo luận tại tổ

Khắc phục những tồn tại giai đoạn trước

Giai đoạn 2016-2020, trên cơ sở tổng mức vốn 2.000.000 tỷ đồng và các nguyên tắc, tiêu chí được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư trung hạn cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đạt 1.815.556 tỷ đồng, bằng 90,8% tổng mức vốn được Quốc hội thông qua. Trong đó, 11.100 dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương, giảm gần một nửa so với giai đoạn 2011-2015.

Năm 2020, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Quốc hội đã ban hành giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công chưa từng có tiền lệ trong thời gian qua. Đó là phân cấp cho Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong tổng mức vốn ngân sách Trung ương năm 2020 đã được Quốc hội quyết định, đảm bảo sử dụng vốn đầu tư công tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí vốn. Nhờ vậy, tỷ lệ giải ngân vốn NSNN năm 2020 cao hơn nhiều so với các năm trước, đạt 97,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, góp phần nâng tỷ lệ giải ngân bình quân giai đoạn 2016 - 2020 lên 83,4%.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến đánh giá, chúng ta đã từng bước khắc phục hạn chế, tồn tại của giai đoạn trước, cân đối đủ vốn để thanh toán toàn bộ nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách Trung ương, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới, hoàn trả một phần số ứng trước kế hoạch vốn ngân sách Trung ương, kiểm soát chặt chẽ ứng trước kế hoạch vốn. Cùng với đó, đầu tư tư nhân đã phát huy tác dụng, không chỉ đối với đầu tư kết cấu hạ tầng, mà còn có nhiều công trình, dự án sản xuất, kinh doanh được đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tỷ trọng vốn đầu tư nhà nước trong tổng đầu tư xã hội giảm dần, từ mức bình quân 39,11% trong giai đoạn 2011-2015 xuống mức bình quân 34%.

Bên cạnh những kết quả tích cực, đại biểu Nguyễn Thị Yến cũng chỉ ra những mặt còn tồn tại. Đánh giá theo 15 chỉ tiêu về chất lượng thể chế quản lý đầu tư công (PIMA) do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra, điểm số chất lượng hệ thống quản lý đầu tư công của Việt Nam còn thấp hơn đáng kể so với mức trung bình của các quốc gia đang phát triển và các nền kinh tế chuyển đổi - các quốc gia có những nét tương đồng trong quản lý đầu tư công. Một số văn bản quy định về vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài vừa mới được ban hành nhưng đã phát sinh nhiều vướng mắc, không phù hợp với thực tiễn, đòi hỏi phải sửa đổi sớm. Một số quy định của đầu tư công và quy định về NSNN, xây dựng, môi trường còn chưa thống nhất hoặc chưa phù hợp gây khó khăn trong việc thực hiện, làm ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân của dự án.

Nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công

Theo đại biểu Nguyễn Thi Yến, để thực hiện mục tiêu huy động vốn đầu tư công trong giai đoạn 2021 - 2025 với tổng số vốn NSNN dự kiến đầu tư là 2.870.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 1.500.000 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 1.370.000 tỷ đồng và phương án phân bổ đầu tư công trung hạn nhất thiết phải khắc phục tồn tại trên, bởi đầu tư công đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt khi nguồn NSNN có hạn thì đòi hỏi kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cần được tiếp tục đổi mới, xây dựng một cách hợp lý.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm cân nhắc một số giải pháp để cải cách thể chế đầu tư công giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, phải nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công; nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định pháp luật về đầu tư công; khẩn trương rà soát, sửa đổi, những quy định của pháp luật về đầu tư công còn vướng mắc trong quá trình thực hiện tại Luật Đầu tư công và các nghị định hướng dẫn thi hành. Đồng thời, tăng cường quản lý đầu tư công, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác chuẩn bị đầu tư; tăng cường công tác rà soát để bảo đảm các chương trình, dự án bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm phải có đầy đủ các thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công; quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn dự phòng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Khoản vốn dự phòng chỉ được sử dụng cho các mục tiêu thật sự cần thiết, cấp bách theo quy định của Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công, không được sử dụng vốn dự phòng cho các dự án không đúng quy định. 

Đại biểu Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh, cần thể chế hóa sâu hơn nữa việc trao quyền (phân cấp chính trị và hành chính) cho các bên liên quan. Thực hiện cơ chế ngân sách trọn gói hoặc trợ cấp đối ứng trên nguyên tắc khuyến khích tinh thần tự chủ, tự ra quyết định, tự chịu trách nhiệm. Đặc biệt, cần nâng cao trách nhiệm minh bạch và giải trình công khai. Các thông tin về dự án đầu tư công phải được công bố công khai, đầy đủ, kịp thời, và chính xác, gồm trách nhiệm của các bên thực hiện dự án, các tài liệu về tài chính và quản trị dự án. Bảo đảm tiếng nói của người dân phải được lắng nghe và phản hồi. Cần có cơ chế hiệu lực để người dân truyền đạt ý nguyện và các ưu tiên tới chính quyền; người dân phải có quyền giám sát, phản ánh, đòi hỏi.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến cũng đề xuất với Chính phủ tiếp tục thực hiện tốt, có hiệu quả quá trình tái cơ cấu đầu tư công. Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của nền kinh tế theo cơ chế thị trường. Trong đó, vốn đầu tư công sẽ chỉ tập trung đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, các chương trình mục tiêu và dự án trọng điểm, có ý nghĩa lớn, lan tỏa đến phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và liên vùng, liên địa phương. Đối với các nguồn vốn vay để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (ODA, vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước...): Tập trung ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, quy mô lớn và hiện đại; phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế tri thức. Đồng thời, tạo đột phá thu hút vốn đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP); đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa đối với các dịch vụ công cộng, đặc biệt là trong các lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, giáo dục đào tạo, văn hóa, thể thao, các công trình dự án cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân ở nông thôn; huy động nguồn lực đất đai và tài nguyên cho đầu tư phát triển.

Nhật Trường