Rà soát thật kỹ từng chính sách, từng nội dung đề xuất sửa đổi

- Thứ Tư, 08/12/2021, 12:53 - Chia sẻ
Tiếp tục phiên họp sáng nay, 8.12, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đầu thấu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, do phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật tương đối rộng, với các nội dung thuộc các lĩnh vực khác nhau, liên quan đến nhiều vấn đề lớn nên phải rà soát thật kỹ, đánh giá tác động đầy đủ đối với từng chính sách, nội dung được đề xuất.

Chỉ sửa đổi, bổ sung vấn đề cấp bách, đã rõ, được thực tế kiểm nghiệm

Trình bày Tờ trình dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, để đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn liên quan tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, thi hành án dân sự, thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường. Quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật là sửa đổi, bổ sung những vấn đề cấp bách, đã rõ, được thực tế kiểm nghiệm, có sự đồng thuận cao để khắc phục khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, tăng cường phân quyền, đồng thời, bảo đảm sự kiểm soát chặt chẽ nguồn lực của đất nước.

Quang cảnh phiên họp Ảnh: Lâm Hiển
Quang cảnh phiên họp
Ảnh: Lâm Hiển

Với phạm vi sửa đổi, bổ sung một số quy định của 8 luật, dự thảo Luật gồm 10 điều, trong đó, 8 điều sửa đổi, bổ sung một số quy định của 8 luật hiện hành, 1 điều quy định về điều khoản chuyển tiếp và 1 điều quy định về hiệu lực thi hành.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến Thường trực các Ủy ban của Quốc hội cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của một số luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình, thủ tục để thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý; cụ thể hóa chủ trương đã được đề ra tại các văn kiện của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội. Thường trực các Ủy ban cơ bản nhất trí quan điểm xây dựng Luật đã được xác định tại Tờ trình số 535/TTr-CP của Chính phủ và nhấn mạnh: việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật cần bám sát các quan điểm này để bảo đảm phạm vi sửa đổi, bổ sung phù hợp với mục đích ban hành Luật.

Thường trực các Ủy ban nhận thấy, phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật tương đối rộng với các nội dung thuộc các lĩnh vực khác nhau, dẫn đến khó khăn cho các cơ quan của Quốc hội trong vấn đề thẩm tra. Để có thêm cơ sở, luận cứ cho việc bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và Chương trình kỳ họp bất thường của Quốc hội, đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung về: căn cứ của việc ban hành một Luật để đồng thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ nội dung trong nhiều luật; tính cấp thiết, cấp bách, có tác động ngay của từng nội dung sửa đổi, bổ sung, có thể thực hiện được ngay, tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn và trình Quốc hội ngay tại kỳ họp bất thường của Quốc hội. Ngoài ra, đề nghị đánh giá cụ thể hơn công tác triển khai thực hiện các luật vừa được Quốc hội ban hành năm 2020 và mới có hiệu lực từ ngày 1.1.2021 để làm rõ hơn sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số quy định tại các Luật này.

Bảo đảm đúng trình tự, thủ tục chặt chẽ

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với quan điểm thẩm tra của Thường trực các cơ quan của Quốc hội, thống nhất hồ sơ dự án Luật đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp bất thường tới đây. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, dự án Luật này được xem xét theo trình tự, thủ tục rút gọn, vì vậy, chỉ xem xét những vấn đề cấp bách, cấp thiết, có đánh giá tương đối đầy đủ; đồng thời phải rà soát thật kỹ từng chính sách; từng luật cần sửa đổi, bổ sung; những vấn đề cấp bách, lớn, phức tạp chưa có sự đồng thuận trước thì không đưa vào dự án luật này; bảo đảm đúng trình tự, thủ tục chặt chẽ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc chuẩn bị phải rất khẩn trương nhưng cũng phải kỹ lưỡng. "Một dấu phẩy, một dấu chấm, một chữ , một chữ hoặc đặt không đúng chỗ cũng có thể khiến luật khi được ban hành ra không thực hiện được”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. 

Phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật liên quan đến những vấn đề lớn, có tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh; phân cấp, phân quyền; lợi ích của Nhà nước. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, Chính phủ cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng đối với những nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm tăng tính thuyết phục của các đề xuất trong dự thảo Luật khi trình ra Quốc hội xem xét.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến góp ý của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật; Ủy ban Kinh tế tổng hợp, phối hợp với Ủy ban Pháp luật thẩm tra các nội dung liên quan để trình cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến, nhằm hoàn thiện dự án Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp bất thường tới.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đầu thấu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự vào Chương trình Xây dựng luật, nghị quyết năm 2021. Theo đó, dự án Luật sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường cuối năm nay, nhằm xem xét, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Thanh Chi